Khắc phục mọi khó khăn, vướng mắc, nỗ lực phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trọng điểm
Chiều 13/1, tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị tổng kết công tác năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023 của ngành giao thông vận tải.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. |
Theo Bộ Giao thông vận tải, hoạt động vận tải đã phục hồi trên cả 5 lĩnh vực. Sản lượng các loại hình vận tải đều tăng trưởng ấn tượng.
Đến hết 31/12/2022, so với cùng kỳ, khối lượng hàng hóa tăng 23,7%; Luân chuyển hàng hóa tăng 29,4%, khối lượng vận chuyển hành khách tăng 52,8%; Luân chuyển hành khách tăng 78,3% so với cùng kỳ.
Đáng chú ý là vận tải hành khách ngành hàng không và đường sắt tăng trưởng 3 con số. Vận tải đường sắt bắt đầu có lãi sau 2 năm liên tục thua lỗ do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Theo đánh giá của Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA), Việt Nam đứng vị trí số 1 trong 25 nước có thị trường hàng không nội địa phục hồi nhanh nhất thế giới.
Theo Tạp chí Lloyd’s List của Anh, Việt Nam có 3 cảng nằm trong top 50 cảng container có lưu lượng hàng hóa qua cảng lớn nhất thế giới gồm: Cảng Thành phố Hồ Chí Minh (đứng thứ 22), Cảng Hải Phòng (đứng thứ 28), Cảng Cái Mép (đứng thứ 32).
Công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ-Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia quan tâm chỉ đạo thường xuyên, liên tục.
Trong năm qua, Bộ Giao thông vận tải đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật trật tự an toàn giao thông; xây dựng, ban hành nhiều văn bản, công điện, kế hoạch để thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp về bảo đảm trật tự an toàn giao thông.
Trên cả nước, tai nạn giao thông năm 2022 xảy ra 11.457 vụ, làm chết 6.397 người, bị thương 7.804 người. So với năm 2019, số vụ tai nạn giao thông giảm 6.216 vụ (-35,2%), giảm 1.246 người chết (-16,3%), giảm 5.841 người bị thương (-42,81%); so với năm 2021, giảm 38 vụ (-0,33%), tăng 598 người chết (10,31%), giảm 214 người bị thương (-2,67%).
Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng phát biểu tại hội nghị. |
Trong giai đoạn 2021-2025, Quốc hội, Chính phủ tiếp tục ưu tiên bố trí nguồn lực lớn để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, trong đó ưu tiên các dự án quan trọng có tính chất động lực phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, với mục tiêu đến năm 2025 cả nước ta sẽ có khoảng 3.000 km đường bộ cao tốc và cơ bản; Hoàn thành tuyến đường bộ cao tốc Bắc -Nam phía Đông từ Lạng Sơn đến Cà Mau; Hoàn thành giai đoạn 1 Cảng hàng không Quốc tế Long Thành; Chuẩn bị đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc -Nam và triển khai một số dự án nâng cấp, đầu tư mới các cảng hàng không, cảng biển, luồng hàng hải-đường thủy nội địa quan trọng khác.
Việc triển khai đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông được đặc biệt chú trọng với tư duy mới, cách làm mới bảo đảm cả 3 mục tiêu “chất lượng, tiến độ, hiệu quả”.
Chỉ riêng năm 2022, Chính phủ đã trình và được Quốc hội khóa XV thông qua chủ trương đầu tư 6 dự án quan trọng quốc gia, trong đó chỉ riêng Kỳ họp lần thứ 3, đã thông qua 5 dự án.
Bộ đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức để hoàn thành và đưa vào khai thác bảo đảm chất lượng 22 dự án. Trong đó có nhiều dự án quan trọng như đường cao tốc đoạn Cam Lộ-La Sơn; Đường cất hạ cánh tại 2 Cảng Hàng không Nội Bài, Tân Sơn Nhất; 2 dự án đường sắt trên tuyến đường sắt Hà Nội-Thành phố Hồ Chí Minh; Thông xe tuyến chính 3 dự án thành phần đường cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 1.
Hoàn thiện toàn bộ thủ tục theo đúng quy định pháp luật để khởi công 18 dự án động lực như nhà ga T3 Cảng hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất, cầu Rạch Miễu 2. Đặc biệt, lần đầu tiên ngành giao thông vận tải tổ chức khởi công đồng loạt theo hình thức trực tuyến dự án đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông với 12 dự án thành phần.
Đáng chú ý là, tính từ thời điểm phê duyệt chủ trương đầu tư đến thời điểm khởi công chỉ chưa đầy 1 năm, rút ngắn hơn một nửa thời gian chuẩn bị so với trước đây.
Công tác điều hành kế hoạch vốn kịp thời, linh hoạt. Tỷ lệ giải ngân tiếp tục duy trì trong nhóm đầu của các bộ ngành.
Tính đến 31/12/2022, Bộ Giao thông vận tải giải ngân lên đến 47.905 tỷ, khoảng 87% kế hoạch bao gồm cả phần vốn chỉ mới được giao bổ sung vào tháng 10/2022 so với bình quân cả nước khoảng hơn 75%; dự kiến hết năm tài chính, sẽ giải ngân được 95,7% tổng kế hoạch được giao.
Phát biểu ý kiến chỉ đạo, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, trong kết quả chung của cả nước năm qua có sự đóng góp quan trọng của toàn ngành giao thông. Theo đó, lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải thể hiện sự quyết tâm, nhiệt tình, trách nhiệm trong công tác chỉ đạo, điều hành; hoạt động của ngành nhanh chóng trở lại bình thường sau đại dịch Covid-19.
Hội nghị tổng kết công tác năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023 của ngành giao thông vận tải. |
Bên cạnh những mặt đã đạt được, Thủ tướng cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, bất cập để ngành giao thông vận tải nhận thức và có giải pháp khắc phục.
Theo đó, Thủ tướng chỉ đạo ngành giao thông vận tải cần tháo gỡ vướng mắc về pháp lý về chính sách đầu tư BOT, BT trên tinh thần đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư, kích hoạt mọi nguồn lực đầu tư của xã hội; tích cực chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, nỗ lực đóng góp vào thực hiện phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Đối với việc đầu tư các dự án thì phải đặt lợi ích của quốc gia, dân tộc lên trên hết.
Về điểm này, Bộ Giao thông vận tải phải thay đổi tư duy, phải tăng cường giám sát, nhất là trong công tác đấu thầu, giám sát thi công. Các Ban quản lý dự án cần rà soát, xem xét lại, rút kinh nghiệm, hạn chế việc bán thầu, chia nhỏ các dự án, tránh tham nhũng, tiêu cực; rút kinh nghiệm, kiểm điểm sâu sắc trong công tác đăng kiểm ô-tô, tổ chức lại công tác này.
Trên tinh thần đó, Thủ tướng chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải phải khắc phục bằng được những hạn chế, bất cập.
Đề cập phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng nêu rõ, năm 2023, dự báo tình hình thế giới còn khó khăn, một số nước lớn rơi vào suy thoái, các nước đều thực hiện chính sách chống lạm phát, điều này sẽ gây giảm phát; tình hình kinh tế-xã hội diễn biến phức tạp; cạnh tranh chiến lược ngày càng gay gắt.
Trong bối cảnh đó, Việt Nam là nước đang phát triển, đang chuyển đổi nên chịu tác động rất lớn. Do đó chúng ta xác định khó khăn, thách thức nhiều hơn thời cơ thuận lợi nhưng phải quyết tâm vượt qua, chuẩn bị tâm thế, nguồn lực đối phó chủ động, tích cực, nắm chắc tình hình.
Nghiêm túc triển khai các Nghị quyết của Trung ương, Bộ Chính trị, Đại hội lần thứ XIII của Đảng, nhất là các chỉ tiêu phát triển đường cao tốc; các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, Nghị quyết của các Đảng bộ trực thuộc Trung ương; có kiểm điểm, đánh giá; tập trung huy động mọi nguồn lực để phát triển hạ tầng, tháo gỡ điểm nghẽn, nhất là BT, hợp tác đối tác công tư (PPP); nếu vướng mắc ở đâu cần nỗ lực tháo gỡ, vấn đề là phải làm nghiêm túc, không được tham ô, tham nhũng; phải có cơ chế, công cụ kiểm soát chặt chẽ.
Luôn đổi mới sáng tạo để tạo ra nguồn lực, tập trung cho chuyển đổi số; chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn. Các tỉnh, thành phố phải chủ động trong phát triển hạ tầng đường cao tốc.
Về điểm này, nhiều tỉnh, thành phố còn thực hiện chậm. Thủ tướng đề nghị các tỉnh, thành phố phải tích cực, chủ động hơn nữa trong phát triển hệ thống giao thông, không trông chờ, ỷ lại. Phải phối hợp chặt chẽ, triển khai công việc bài bản, có kế hoạch, chương trình.
Thủ tướng yêu cầu các dự án đã được phê duyệt thì phải triển khai nhanh; phải kiểm tra lại các dự án lớn về đấu thầu, tránh sai sót. Bảo đảm tiến độ, chất lượng công trình, tránh đội vốn bất hợp lý. Kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm.
Động viên, cổ vũ, khen thưởng những cá nhân, tổ chức làm tốt. Tiếp tục rà soát, xây dựng, hoàn thiện thể chế, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tránh chồng chéo.
Bộ Giao thông vận tải khẩn trương trình cấp có thẩm quyền dự thảo Luật Đường bộ. Về điểm này phải làm rõ; thiết kế các công cụ kiểm tra, giám sát; tập trung đổi mới hoạt động vận tải, nâng cao chất lượng hoạt động vận tải, tránh tiêu cực trong điều hành vận tải. Về điểm này thì nên để thị trường điều tiết, lĩnh vực tư nhân làm tốt hơn thì nên để họ làm; tăng cường phân cấp, phân quyền.
Các đại biểu tham dự hội nghị. |
Thủ tướng lưu ý trong quý 1 này, Bộ phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ vấn đề thôi không quản lý luồng lạch ở các địa phương nữa mà giao địa phương trực tiếp quản lý; tăng cường quản lý bằng điện tử từ kinh nghiệm áp dụng thu phí điện tử không dừng.
Nghiên cứu xây dựng các dự án kết nối với các nước láng giềng Trung Quốc, Lào, Campuchia; phát huy tối đa các dự án hợp tác đối tác công tư; đẩy nhanh nghiên cứu dự án đường sắt tốc độ cao (khoảng 200km/giờ) nhất là trước tiên, nghiên cứu đoạn Thành phố Hồ Chí Minh đi Cần Thơ trên tinh thần tìm hướng tuyến thẳng nhất, tạo không gian phát triển mới; hoàn thiện các thủ tục, đề xuất các dự án PPP về phát triển các tuyến cao tốc kết nối, cảng biển…
Tập trung cao độ với tỉnh Đồng Nai để hoàn thành giải phóng mặt bằng sân bay Long Thành. Các bộ, ngành phải chủ động vì đây là công trình trọng điểm quốc gia.
Các bộ, ngành, địa phương phối hợp chặt chẽ với Bộ Giao thông vận tải nhịp nhàng, vướng mắc ở cấp nào giải quyết ở cấp đó. Chú trọng làm tốt công tác xây dựng Đảng, xây dựng bộ máy.
Thủ tướng bày tỏ, nhiệm vụ năm 2023 nặng nề hơn cho nên Bộ Giao thông vận tải phải quyết tâm hơn, nỗ lực hơn, làm việc nào dứt điểm việc đó, đạt kết quả cao hơn năm 2022.
Theo nhandan.vn
Ý kiến ()