LSO-Nếu các công trình thủy lợi trên địa bàn phát huy 100% năng lực tưới, thì Cao Lộc cũng chỉ có thể chủ động nước cho trên 70% diện tích canh tác. Tuy nhiên đó là tính trong điều kiện lý tưởng, con số thực tế sẽ thấp hơn nhiều, chính vì vậy để có thể đảm bảo nước tưới cho sản xuất, Cao Lộc đã chuyển đổi cây trồng và tăng cường các biện pháp tưới. Hệ thống kênh mương trên địa bàn xã Gia Cát, huyện Cao Lộc đảm bảo nước tưới cho lúa xuân - Ảnh: Lê MinhHệ thống thủy lợi trên địa bàn xã Gia Cát khá hoàn thiện với 5 trạm bơm điện và 1 đập lớn Nà Rào cùng hệ thống 26 đập dâng nhỏ. Mạng lưới mương dẫn nước của các hồ đập cũng đã được kiên cố hóa khoảng 85%. Tuy nhiên do nguồn sinh thủy ngày càng cạn kiệt, nên hệ thống thủy lợi của Gia Cát cũng chỉ chủ động nước tưới cho hơn 60% trên tổng số 289ha đất canh tác trên địa bàn. Ông Hoàng Văn Đồng, Bí thư Đảng ủy xã cho biết: do đặc điểm...
LSO-Nếu các công trình thủy lợi trên địa bàn phát huy 100% năng lực tưới, thì Cao Lộc cũng chỉ có thể chủ động nước cho trên 70% diện tích canh tác. Tuy nhiên đó là tính trong điều kiện lý tưởng, con số thực tế sẽ thấp hơn nhiều, chính vì vậy để có thể đảm bảo nước tưới cho sản xuất, Cao Lộc đã chuyển đổi cây trồng và tăng cường các biện pháp tưới.
Hệ thống kênh mương trên địa bàn xã Gia Cát, huyện Cao Lộc
đảm bảo nước tưới cho lúa xuân – Ảnh: Lê Minh
Hệ thống thủy lợi trên địa bàn xã Gia Cát khá hoàn thiện với 5 trạm bơm điện và 1 đập lớn Nà Rào cùng hệ thống 26 đập dâng nhỏ. Mạng lưới mương dẫn nước của các hồ đập cũng đã được kiên cố hóa khoảng 85%. Tuy nhiên do nguồn sinh thủy ngày càng cạn kiệt, nên hệ thống thủy lợi của Gia Cát cũng chỉ chủ động nước tưới cho hơn 60% trên tổng số 289ha đất canh tác trên địa bàn. Ông Hoàng Văn Đồng, Bí thư Đảng ủy xã cho biết: do đặc điểm như vậy, nên trong những năm qua, nhân dân địa phương đã chủ động đưa các loại cây chịu hạn như ngô, đỗ tương vào canh tác, chỉ có những diện tích chủ động được nước mới cấy lúa để đảm bảo hiệu quả chắc chắn. Vụ xuân hè năm nay diện tích ngô của toàn xã đã tăng lên đến 160ha, trong đó chỉ có 35ha là ngô bãi, còn lại là ngô ruộng. Việc chuyển đổi cây trồng đã mang lại hiệu quả rõ rệt, sản lượng lương thực không ngừng tăng lên, tận dụng tối đa diện tích đất canh tác, tăng hiệu quả kinh tế. Ngoài chuyển dịch cơ cấu cây trồng, nhân dân trong xã đã không ngừng củng cố, nâng cấp các đập dâng nhỏ để tích lũy nguồn sinh thủy, đồng thời tự trang bị hơn 300 máy bơm để chủ động chống hạn khi cần thiết.
Là địa phương có địa hình bị chia cắt mạnh, nguồn sinh thủy khan hiếm, nên hạn hán là nguy cơ thường trực đối với các địa phương trên địa bàn huyện Cao Lộc. Trong những năm qua, với sự đầu tư của nhà nước và nhân dân đóng góp, toàn huyện đã xây dựng được hàng trăm công trình thủy lợi lớn, nhỏ. Trong đó có khoảng 100 công trình thủy lợi lớn. Tuy nhiên các công trình lớn hầu hết đều được xây dựng từ những năm 60-70 của thế kỷ trước, đến nay đều xuống cấp, không phát huy hết được năng lực tưới. Tính toán tổng cộng các biện pháp tưới, Cao Lộc chủ động được nước cho gần 4.000ha trên tổng số trên 6,4 nghìn ha đất canh tác cả năm. Riêng diện tích canh tác lúa, có đến hơn 1.000ha không chủ động được nước.
Điều kiện về thủy lợi đã gây khó khăn không nhỏ cho sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Cao Lộc. Tuy nhiên, trong những năm trở lại đây, nhân dân các địa phương trên địa bàn đã nỗ lực tự phát triển thêm các biện pháp tưới, mặt khác chủ động mở rộng diện tích các loại cây chịu hạn… để tăng hiệu quả sản xuất. Bà Hoàng Thị Chất, Trưởng phòng NN&PTNT huyện dẫn chứng: ví dụ như ở Lộc Yên, nhân dân đã bỏ công sức đào những ao nhỏ trên đồi để tích nước, biện pháp này đơn giản và rất hiệu quả, tạo ra nguồn sinh thủy tại chỗ để chống hạn. Hay như ở xã Bình Trung, mô hình xen canh ngô và đỗ tương trên chân ruộng không chủ động nước đã mang lại hiệu quả rất cao. Hiện nay hầu hết các địa phương trên địa bàn huyện Cao Lộc đều phát triển rất mạnh ngô ruộng, đặc biệt là các địa phương hay xảy ra hạn hán như Phú Xá, Cao Lâu, Lộc Yên… sự chuyển dịch tích cực này đã nâng cao hiệu quả và tạo nên sự ổn định của mùa vụ.
Bà Hoàng Thị Chất cho biết: ngay từ đầu vụ xuân hè năm nay, Phòng chuyên môn đã phối hợp với Xí nghiệp khai thác các công trình thủy lợi huyện tăng cường công tác kiểm tra, quản lý, khai thác nguồn nước tại các hồ đập, đảm bảo điều tiết nước tưới một cách tiết kiệm, hiệu quả. Đồng thời tiến hành sửa chữa, nâng cấp một số công trình lớn như đập Bản Vàng xã Cao Lâu, hồ chứa Trục Hồ xã Phú Xá, hồ Khuổi Chủ xã Thanh Lòa…để đảm bảo nước tưới cho sản xuất. Với sự chuyển dịch cơ cấu cây trồng hợp lý, chủ động phát triển các biện pháp tưới, Cao Lộc đang tiến dần đến nền sản xuất nông nghiệp hiệu quả và bền vững.
Vũ Như Phong
Ý kiến ()