Khắc phục khó khăn trong dạy học theo chương trình giáo dục phổ thông mới
Năm học 2021 – 2022, ngoài lớp 1, ngành giáo dục tiếp tục thực hiện chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới đối với lớp 2 và lớp 6. Chương trình mới được thực hiện trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Nhiều địa phương tổ chức dạy học theo hình thức trực tuyến, trên truyền hình cho nên gặp không ít khó khăn.
Lường trước những khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh, mỗi giáo viên, cơ sở giáo dục đã chủ động, nỗ lực đưa ra các giải pháp vượt qua, từng bước đáp ứng yêu cầu đổi mới.
Tín hiệu tích cực từ thực tiễn
Hơn một tháng qua, kể từ ngày khai giảng, việc dạy và học của thầy, trò khối 6, Trường phổ thông dân tộc nội trú THCS huyện Chợ Mới (Bắc Kạn) có nhiều đổi thay. Có mặt trong giờ học môn Giáo dục công dân, chúng tôi cảm nhận được sự sôi nổi khi cô giáo giảng bài bằng máy chiếu, chia nhóm thảo luận về nội dung bài học. Học sinh đều chủ động phát biểu ý kiến cho nên nội dung học dễ ghi nhớ.
Cô giáo Nguyễn Như Trang cho biết, kế hoạch dạy học theo chương trình giáo dục phổ thông mới gồm bốn hoạt động: Khởi động, kiến thức mới, luyện tập và vận dụng. Vì vậy, ngay từ khâu soạn bài, giáo viên phải xác định được mục tiêu, nội dung, cách thực hiện và sản phẩm đạt được để truyền đạt tới học sinh, lấy học sinh làm trung tâm. Đây không phải điều dễ dàng, nhất là đối với đội ngũ giáo viên vốn đã quen với cách dạy truyền thống. Tuy nhiên, nhờ được tập huấn kỹ, chuẩn bị tốt cho nên mọi việc đã vào “guồng” nhanh chóng.
Từ đầu năm học đến nay, Hà Nội là một trong những địa phương chịu tác động nặng bởi dịch Covid-19, toàn bộ học sinh học tập theo hình thức trực tuyến.
Cô giáo Phạm Thị Hồng Thủy, giáo viên Vật lý, dạy môn Khoa học tự nhiên, lớp 6, Trường THCS Chu Văn An (Tây Hồ, Hà Nội) cho biết, trong mỗi bài học, lượng kiến thức được chia nhỏ nên sau mỗi tiết học, gần như học sinh đã lĩnh hội và nhớ được kiến thức bài học đó. Khó khăn nhất đối với học sinh, giáo viên trong mỗi giờ học trực tuyến không có nhiều sự tương tác, nhiều khi đường truyền internet không ổn định, giáo viên khó bao quát và kiểm soát như dạy ở trên lớp. Tại các tiết học theo chủ đề, theo nhóm, giáo viên thường xuyên vào các nhóm đó để kiểm tra hoạt động học tập của học sinh nên mất khá nhiều thời gian.
Thầy giáo Đặng Việt Hà, Hiệu trưởng THCS Chu Văn An cho rằng, đối với lớp 6, để thực hiện hiệu quả chương trình mới cần nhiều yếu tố, trong đó cần sự linh hoạt trong xây dựng kế hoạch giáo dục, tổ chức dạy học và kiểm tra, đánh giá. Mặc dù đầu năm học khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới ở lớp 6 cũng gặp một số khó khăn như sắp xếp thời khóa biểu, phân công giáo viên, phân chia chương trình các môn tích hợp, thiếu thiết bị học tập…, tuy nhiên, sau một thời gian ngắn, trường khắc phục được các hạn chế, việc dạy học đi vào nền nếp.
Trao đổi về thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới đối với lớp 2, cô giáo Nguyễn Thị Nhung, giáo viên chủ nhiệm lớp 2b, Trường tiểu học thị trấn Cao Thượng (Tân Yên, Bắc Giang) cho biết, khi dạy theo chương trình giáo dục phổ thông mới, giáo viên dạy bộ sách do chính mình lựa chọn cho nên cũng thuận lợi. Học sinh tiếp cận chương trình, sách giáo khoa mới dễ dàng vì các bài học có nhiều hình ảnh đẹp, sinh động, hấp dẫn; kiến thức trong sách giáo khoa gần gũi, thân quen. Chương trình mới phù hợp nên giáo viên có thể đổi mới phương pháp dạy học một cách đa dạng, linh hoạt hơn. Việc kiểm tra, đánh giá đòi hỏi cao hơn nhưng cơ bản đáp ứng yêu cầu.
Theo Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) Bắc Kạn Đoàn Văn Hương, sau hơn một tháng triển khai chương trình mới đối với lớp 2, lớp 6 và một năm triển khai đối với lớp 1, Bắc Kạn đã thực hiện tốt nội dung chương trình, tạo chuyển biến tích cực trong dạy và học. Giáo viên cơ bản bắt nhịp với việc đổi mới, trong các giờ giảng, nhất là giáo viên đã tương tác nhiều hơn với học trò. Học sinh cũng tích cực, chủ động hơn trong tiếp thu kiến thức. Giám đốc Sở GD và ĐT Bắc Giang Trần Tuấn Nam cho rằng, chương trình, sách giáo khoa mới đã và đang được vận hành, phát huy những ưu điểm về tổ chức dạy học, kiểm tra, đánh giá theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực của người học.
Tiếp tục khắc phục khó khăn
Theo Trưởng phòng GD và ĐT huyện Chợ Mới (Bắc Kạn) Lâm Tiến Anh, đối với lớp 6, do cơ cấu môn học thay đổi, cho nên nhiều cơ sở giáo dục gặp khó khăn trong bố trí giáo viên. Đơn cử như, theo chương trình mới môn Khoa học xã hội được tích hợp Lịch sử, Địa lý. Tuy nhiên, dù được coi là một môn nhưng vẫn phải bố trí hai giáo viên Lịch sử và Địa lý đứng lớp. Phó Giám đốc Sở GD và ĐT Bắc Kạn Đoàn Văn Hương chia sẻ, năm học 2021 – 2022, số lớp tăng lên nhưng chỉ tiêu biên chế giáo viên lại không đáp ứng yêu cầu.
Trên địa bàn tỉnh hiện còn thiếu 179 giáo viên tiểu học và 134 giáo viên THCS. Việc điều chuyển, bố trí dạy liên trường bước đầu đã khắc phục tình trạng thiếu giáo viên khi triển khai chương trình đối với lớp 1, lớp 2 và lớp 6. Tuy nhiên, việc triển khai chương trình mở rộng sẽ là áp lực, khó khăn lớn đối với ngành giáo dục Bắc Kạn. Việc thiếu trường, lớp học; nhiều lớp học được xây dựng từ lâu, có diện tích nhỏ hẹp chỉ bố trí được khoảng từ 20 đến 25 học sinh/lớp cũng là một trong những khó khăn cần khắc phục khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới.
Vụ trưởng Giáo dục Trung học (Bộ GD và ĐT) Nguyễn Xuân Thành cho biết, trong hơn một tháng bước vào năm học mới, do ảnh hưởng dịch bệnh, phải giãn cách xã hội trên diện rộng, phần lớn các cơ sở giáo dục đã tổ chức dạy học trực tuyến, một số nơi dạy học trên truyền hình. Tuy nhiên, các địa phương, cơ sở giáo dục cũng tập trung, ưu tiên chỉ đạo dạy học đối với lớp 6. Qua theo dõi, nắm bắt tình hình, các thầy, cô giáo đã hiểu rõ chương trình cũng như yêu cầu về phát triển năng lực học sinh, chú trọng phương pháp dạy học tích cực.
Tuy nhiên, hiện nay các trường đang gặp khó khăn trong việc bố trí giáo viên dạy một số môn học tích hợp như Khoa học tự nhiên (gồm các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học). Bộ GD và ĐT đã kiểm tra một số địa phương và nhận thấy, các trường gặp khó khăn trong việc xếp thời khóa biểu chưa thực hiện theo hướng dẫn của Bộ GD và ĐT. Theo hướng dẫn của bộ thì các môn học không nhất thiết chia đều kiến thức theo tuần, nhưng các trường vẫn xếp thời khóa biểu của các tiết học, môn học, đặc biệt môn Vật lý, Hóa học, Sinh học theo tuần, dẫn tới một số giờ học không bảo đảm. Hiện nay, Bộ GD và ĐT đang tiếp tục hướng dẫn để các trường sắp xếp dạy học cho phù hợp chương trình mới.
Tại Hà Nội, tất cả các trường THCS đã sắp xếp được thời khóa biểu bảo đảm đúng lô-gic dạy môn Khoa học tự nhiên lớp 6. Thời gian tới, những nơi đủ điều kiện cho học sinh quay trở lại trường. Các cơ sở giáo dục một mặt tiếp tục thực hiện chương trình đối với nội dung tiếp theo, đồng thời kiểm tra, củng cố lại những kiến thức mà các em đã học. Đối với những nơi khó khăn chưa thể cho học sinh quay trở lại trường mà đến thời điểm kiểm tra, đánh giá định kỳ thì tổ chức kiểm tra, đánh giá định kỳ bằng hình thức trực tuyến nhưng vẫn phải bảo đảm đúng mục tiêu, nội dung, kiến thức, kỹ năng chương trình giáo dục phổ thông mới đặt ra.
Ý kiến ()