Khắc phục khó khăn khi dạy, học trực tiếp
Trước những khó khăn của các cơ sở giáo dục gặp phải khi vừa tổ chức dạy học trực tiếp vừa phải bảo đảm an toàn phòng, chống dịch Covid-19, ngành giáo dục và đào tạo các địa phương đã thực hiện một số giải pháp khắc phục. Trong đó, các cơ sở giáo dục chú trọng phân công, bố trí giáo viên giảng dạy phù hợp bối cảnh dịch bệnh.
Theo một số chuyên gia giáo dục, việc tổ chức dạy học trực tiếp hay trực tuyến trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến ngày càng phức tạp đều có những khó khăn. Trong đó, việc mở cửa trường, dạy học trực tiếp trong bối cảnh hiện nay đã và đang đặt ra nhiều vấn đề cần tập trung giải quyết, nhất là yêu cầu bảo đảm an toàn sức khỏe cho thầy giáo, cô giáo, các em học sinh và bảo đảm chất lượng giáo dục. Đại diện một số trường học trên địa bàn Hà Nội cho biết, khi dạy học trực tiếp đều thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang, sát khuẩn tay, bố trí nhân viên y tế, trang bị đủ cơ số thuốc cần thiết nhưng cản trở lớn nhất là khó xác định được học sinh F0.
Cô giáo Nguyễn Thị Thu Trang, giáo viên Trường trung học cơ sở Hoàng Mai (quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, sau hơn hai tuần dạy học trực tiếp, đến nay, việc dạy học của nhà trường đã dần ổn định mặc dù số lượng cán bộ, giáo viên và học sinh nhiễm Covid-19 phải điều trị, cách ly không ngừng tăng. Để duy trì việc dạy học, các thầy, cô giáo đã nỗ lực, cố gắng hơn rất nhiều từ việc phòng dịch trên lớp học, rồi dạy trực tiếp kết hợp trực tuyến thế nào để học sinh tiếp thu được bài giảng hiệu quả nhất. Nhờ sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp, nhà trường có thiết bị dạy học hiện đại như camera, máy tính, máy chiếu cho nên việc dạy học cũng thuận lợi hơn.
Cô giáo Nguyễn Hồng Hạnh, giáo viên Trường trung học cơ sở Sài Sơn (huyện Quốc Oai, Hà Nội) cho biết, để tạo điều kiện cho học sinh thuộc diện F0, F1 học trực tuyến tại nhà, nhà trường đã bố trí lớp học trực tuyến riêng, cử thầy, cô giáo có kỹ năng công nghệ thông tin tốt tham gia giảng dạy. Tuy nhiên, việc này cũng khiến nhiều thầy, cô giáo vất vả khi vừa dạy trực tiếp một buổi, vừa dạy trực tuyến buổi khác trong cùng một ngày. Với cách làm sáng tạo, Trường trung học cơ sở Ngọc Lâm (quận Long Biên, Hà Nội) đã lắp đặt thiết bị truyền dẫn tại 20 phòng học để giúp học sinh F0, F1 ở nhà được học cùng các bạn trên lớp. Hiệu trưởng Ngô Hồng Giang chia sẻ, mong muốn không có học sinh nào bị gián đoạn việc học hoặc học lệch chương trình so với bạn bè đang học trực tiếp. Trong điều kiện dịch bệnh còn có nguy cơ kéo dài như hiện nay, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Phạm Xuân Tiến cho rằng, các trường nên tổ chức dạy học song song hai hình thức trực tiếp (cho học sinh có thể đến trường) và trực tuyến (cho những học sinh nghỉ học thuộc diện F0, F1); phân công giáo viên một cách phù hợp, lựa chọn cách thức triển khai để bảo đảm không quá áp lực và có thể duy trì lâu dài…
Không chỉ Hà Nội, những ngày gần đây, tình hình dịch Covid-19 trong các cơ sở giáo dục tại nhiều địa phương cũng có diễn biến phức tạp. Tại tỉnh Bắc Giang, số lượng ca bệnh F0 là học sinh, trẻ em và giáo viên tăng nhanh, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động dạy, học và chất lượng giáo dục. Theo Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Bắc Giang Nguyễn Văn Thêm, ngành giáo dục Bắc Giang đã chỉ đạo, tuyên truyền, hướng dẫn cán bộ, giáo viên, học sinh, phụ huynh thực hiện mô hình phòng, chống dịch “Một cung đường, hai địa điểm”; tổ chức các hoạt động giáo dục theo mô hình “Bong bóng khép kín”, hoạt động riêng biệt theo nhóm, lớp học để dễ dàng kiểm soát, xử trí khi phát hiện ca bệnh, không ảnh hưởng đến quy mô lớn trong trường.
Mặc dù tổ chức dạy học theo mô hình “Bong bóng khép kín” nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ vì học sinh đông, nhất là tổ chức ăn bán trú cho trẻ mầm non. Trong khi đó, theo Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Vĩnh Phúc Phạm Khương Duy, nhằm tháo gỡ khó khăn, hiện nay, các cơ sở giáo dục được thực hiện xã hội hóa việc mua bộ xét nghiệm nhanh Covid-19 cho học sinh, giáo viên (có sự giám sát của phụ huynh học sinh) bảo đảm công khai, minh bạch và không trùng lặp đối tượng đã được ngân sách hỗ trợ. Ngoài ra, các trường cũng được điều chỉnh kịch bản, phương án phòng, chống dịch của đơn vị phù hợp các quy định hiện hành; huy động cán bộ, giáo viên tham gia hỗ trợ công tác phòng, chống dịch khi có yêu cầu, bảo đảm không ảnh hưởng đến kế hoạch, chất lượng dạy và học của các trường.
Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ cho biết, khi học sinh đi học trở lại, bên cạnh việc duy trì chất lượng giáo dục, các địa phương cần có biện pháp bảo đảm an toàn sức khỏe cho giáo viên, học sinh. Sở Giáo dục và Đào tạo các tỉnh, thành phố tiếp tục chỉ đạo các cơ sở giáo dục chủ động xây dựng kế hoạch, kịch bản, giải pháp ứng phó tình huống dịch Covid-19, bảo đảm an toàn trường học và thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm học 2021-2022. Các trường tiếp tục tổ chức dạy học các nội dung cơ bản, cốt lõi theo các văn bản hướng dẫn điều chỉnh nội dung dạy học của Bộ Giáo dục và Đào tạo không gây áp lực, quá tải đối với học sinh. Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất Chính phủ quan tâm, đầu tư kinh phí và nhân lực y tế cơ sở cho các trường học trên địa bàn để bảo đảm công tác phòng, chống dịch khi tổ chức các hoạt động giáo dục trực tiếp; có chính sách hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực giáo dục mầm non ngoài công lập…
Ý kiến ()