Khắc phục khó khăn, doanh nghiệp tranh thủ sản xuất cuối năm
Dù đơn hàng cho những tháng cuối năm có giảm so với dịp đầu năm, nhưng các doanh nghiệp ở Đồng Nai đã linh động tìm thêm những khách hàng mới để tăng sản lượng tiêu thụ cả nội địa lẫn xuất khẩu.
Chỉ còn hơn 1 tháng là kết thúc năm 2022, các doanh nghiệp sản xuất các mặt hàng cung ứng nhu cầu tiêu dùng thiết yếu và ít thiết yếu tranh thủ gia tăng sản xuất, kết thúc các đơn hàng đã kí hợp đồng, cũng như chuẩn bị nguồn hàng để cung ứng dịp lễ, Tết trong thời gian tới.
Sức mua tác động sản xuất
Cuối năm là mùa sản xuất của nhiều mặt hàng công nghiệp như dệt may, giày dép, sản phẩm gỗ, cà phê, thực phẩm chế biến, máy móc thiết bị dụng cụ và phụ tùng. Dù đơn hàng cho những tháng cuối năm có giảm so với dịp đầu năm, nhưng các doanh nghiệp ở Đồng Nai đã linh động tìm thêm những khách hàng mới để tăng sản lượng tiêu thụ cả nội địa lẫn xuất khẩu.
Chính vì vậy, các doanh nghiệp tranh thủ lợi thế sức mua của tháng cuối năm để lập kế hoạch sản xuất, cung ứng tốt nhu cầu thị trường. Tuy nhiên, ngay từ đầu năm 2022, tỷ giá tiền tệ biến động, cùng với biến động của giá xăng dầu, vận chuyển đã tác động lớn đến toàn bộ chuỗi sản xuất của các ngành.
Theo ông Trần Quang, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Quốc tế Fleming Việt Nam, Đồng Nai, giá nguyên liệu đầu vào và chi phí logistics liên tục leo thang ảnh hưởng không nhỏ đến các đơn hàng của công ty.
Do đó, Fleming đã tìm ra các giải pháp để tăng năng suất, tiết kiệm nguyên liệu, nhiên liệu đầu vào cho sản xuất để giá thành của sản phẩm ít thay đổi. Bên cạnh đó, Fleming liên tục tìm thêm các khách hàng để mở rộng đầu ra. Do đó, các đơn hàng vào dịp cuối năm của doanh nghiệp tăng gần 30% so với cùng kỳ năm trước.
Đồng thời, để không phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu, có thể gây gián đoạn sản xuất, cung ứng đơn hàng, các doanh nghiệp cũng đã tranh thủ nguồn cung ứng nguyên liệu ngay tại thị trường nội địa để vừa giúp giảm chi phí, giảm giá thành, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường.
Cụ thể, với ngành dệt may, xơ sợi dệt, giày dép, máy tính điện tử và linh kiện, sắt thép, hóa chất, chất dẻo…, để bớt lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc, nhiều doanh nghiệp đã ưu tiên tìm nguồn nguyên liệu trong nước và các quốc gia khác như Hàn Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hoa Kỳ…bù vào khoản thiếu trong nguyên liệu sản xuất.
Bà Lai Khiêm, Tổng giám đốc Công ty TNHH Bình Tiên Biên Hòa cho biết, Công ty Bình Tiên Biên Hòa chuyên sản xuất các loại giày dép cung ứng cho thị trường trong nước và xuất khẩu sang nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ. Những năm gần đây, để chủ động cho sản xuất, công ty đã ưu tiên tìm nguyên liệu trong nước, giảm nhập khẩu. Hiện nay, nguồn nguyên liệu trong nước ngày càng đa dạng và chất lượng khá tốt, đáp ứng được nhiều đơn hàng.
Đối với các doanh nghiệp chế biến thực phẩm, nguồn hàng cung ứng cho thị trường dịp cuối năm vốn nằm trong kế hoạch sản xuất được đặt ra ngay từ đầu năm. Dù trải qua nhiều biến động, nhưng nhu cầu ăn, uống luôn là nhu cầu thiết yếu, nên người tiêu dùng chắc chắn phải chi tiêu cho điều này.
Theo ông Lê Duy Toàn, Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu thực phẩm Duy Anh (Thành phố Hồ Chí Minh), ngay từ tháng 9/2022, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu thực phẩm Duy Anh đã chủ động làm việc với nhà cung cấp, tích trữ hơn 1.000 tấn gạo và nhập khẩu gần 500 tấn lúa mì. Việc chủ động tích trữ sớm giúp doanh nghiệp tránh được biến động về giá nguyên vật liệu, biến động tỷ giá.
Sản lượng bún, phở, bánh tráng phục vụ thị trường nội địa và xuất khẩu cuối năm dự báo tăng khoảng 30%, do đó theo đại diện doanh nghiệp, việc tích trữ nguyên liệu không chỉ giúp doanh nghiệp chủ động sản xuất, mà còn là cơ sở để giữ, giảm giá thành sản phẩm. Nếu không ổn định sản xuất về nguồn nguyên liệu thì sẽ khó bán được hàng.
Doanh nghiệp chế biến xuất khẩu ứng phó khó khăn
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 10 tháng năm 2022 đạt 312,82 tỷ USD, tăng gần 16% so với cùng kỳ năm 2021. Dù đây là tín hiệu tích cực, nhưng các doanh nghiệp kinh doanh, xuất khẩu của Việt Nam đối mặt với nhiều vấn đề như lạm phát, giá vận chuyển, biến động giá nhiên liệu khiến các doanh nghiệp phải tìm cách ứng phó, tháo gỡ khó khăn này.
Theo ông Đỗ Ngọc Hưng, Tham tán thương mại Việt Nam tại Mỹ cho biết, Mỹ là đối tác thương mại lớn thứ 2 của Việt Nam, đồng thời Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 5 của Mỹ, nhưng chính ưu thế này khiến cho các mặt hàng của Việt Nam nhập khẩu vào thị trường Mỹ phải được kiểm soát chặt chẽ. Việc tăng trưởng thương mại trung bình 20%/năm vào thị trường này dẫn đến một số mặt hàng có thể trở thành đối tượng bị điều tra và áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại như mật ong, gỗ dán cứng, tủ gỗ, thép ống, dệt may, giày dép…
Điển hình như ngành chế biến xuất khẩu gỗ Việt Nam, ngay từ tháng 7/2022, đa số các doanh nghiệp đều gặp khó khăn với những thị trường nhập khẩu đồ gỗ của Việt Nam, khi số đơn đặt hàng giảm mạnh.
Ông Bùi Chính Nghĩa, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Kiểm lâm cho biết, thị trường xuất khẩu gỗ bắt đầu gặp khó khăn khi tình trạng lạm phát diễn tiến mạnh tại nhiều quốc gia, khiến người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, đơn hàng nhập khẩu tại các thị trường chủ lực cũng giảm. Điều này khiến cho ngành chế biến xuất khẩu gỗ Việt Nam rơi vào bị động và phải nhanh chóng tìm cách “phá băng” bằng phương pháp tìm thị trường mới thay thế.
Còn tại thị trường châu Âu, các chuyên gia kinh tế cho rằng, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam tại thị trường này giảm không chỉ vì yếu tố lạm phát, mà còn do xu hướng thương mại xanh tại các quốc gia tại thị trường này.
Đánh giá về khó khăn thị trường xuất khẩu, ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội dệt may thêu đan Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, hiện có 50% nguyên phụ liệu ngành dệt may phải nhập khẩu. Nhưng tỷ giá đồng đô la được điều chỉnh liên tục trong thời gian gần đây, đã ảnh hưởng đến hoạt động nhập khẩu nguyên liệu của các doanh nghiệp. Từ đó ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất những tháng cuối năm 2022. Điều này khiến các doanh nghiệp phải điều chỉnh giá bán thành phẩm thêm trên dưới 5% để đảm bảo lợi nhuận tối thiểu trong vận hành doanh nghiệp.
Do đó, nhiều doanh nghiệp phải tính toán lại quy mô sản xuất giai đoạn cuối năm để giảm thiểu tác động tiêu cực do điều chỉnh tỷ giá đồng đô la. Hiện nhiều doanh nghiệp đã đẩy nhanh tiến độ thu tiền bán hàng so với trước đây để thu hồi vốn. Đồng thời, các doanh nghiệp cũng lập chiến lược marketing để bán hàng nhanh hơn, giảm tồn kho để có dòng tiền tốt hơn, giảm áp lực vay vốn ngân hàng phục vụ cho sản xuất./.
Ý kiến ()