Khắc phục hậu quả đợt rét đậm, rét hại, khẩn trương gieo cấy vụ Đông Xuân
Do ảnh hưởng của đợt rét đậm, rét hại kéo dài từ trong và sau Tết Nguyên đán khiến nhiều diện tích mạ của bà con nông dân từ miền Trung trở ra Bắc bị chết rét. Các địa phương đã tìm giải pháp khắc phục bằng cách gieo sạ thay thế. Tranh thủ mấy ngày nắng ấm, bà con nông dân đang khẩn trương triển khai gieo cấy vụ Đông Xuân cho kịp thời vụ. Tại Thừa Thiên - Huế, tính đến ngày 3/2, toàn tỉnh đã gieo cấy 25.800 ha trên tổng 27.177 ha lúa vụ đông xuân 2011-2012, trong đó diện tích sạ gần 23.600 ha, cấy 2.160 ha. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cho biết, nhìn chung, tình hình lúa sinh trưởng và phát triển tốt, lúa trà đầu hiện đang giai đoạn 3-5 lá. Hiện nay diện tích còn lại hơn 1.450 ha chưa gieo cấy, tập trung chủ yếu ở một số vùng thấp trũng, ô bàu thuộc các huyện Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang và Phú Lộc sẽ tiếp tục đẩy nhanh tiến độ sản xuất, phấn đấu hoàn thành kế hoạch của khung lịch thời vụ sản...
Do ảnh hưởng của đợt rét đậm, rét hại kéo dài từ trong và sau Tết Nguyên đán khiến nhiều diện tích mạ của bà con nông dân từ miền Trung trở ra Bắc bị chết rét. Các địa phương đã tìm giải pháp khắc phục bằng cách gieo sạ thay thế. Tranh thủ mấy ngày nắng ấm, bà con nông dân đang khẩn trương triển khai gieo cấy vụ Đông Xuân cho kịp thời vụ.
Tại Thừa Thiên – Huế, tính đến ngày 3/2, toàn tỉnh đã gieo cấy 25.800 ha trên tổng 27.177 ha lúa vụ đông xuân 2011-2012, trong đó diện tích sạ gần 23.600 ha, cấy 2.160 ha. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cho biết, nhìn chung, tình hình lúa sinh trưởng và phát triển tốt, lúa trà đầu hiện đang giai đoạn 3-5 lá. Hiện nay diện tích còn lại hơn 1.450 ha chưa gieo cấy, tập trung chủ yếu ở một số vùng thấp trũng, ô bàu thuộc các huyện Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang và Phú Lộc sẽ tiếp tục đẩy nhanh tiến độ sản xuất, phấn đấu hoàn thành kế hoạch của khung lịch thời vụ sản xuất mà ngành nông nghiệp đã đề ra.
Theo nhận định của Sở Nông nghiệp, với thời tiết ngay sau tết Nhâm Thìn có nhiều thuận lợi nên đây là điều kiện tốt để cho các địa phương, HTX nông nghiệp và bà con nông tiếp tục chăm sóc lúa và đẩy nhanh tiến độ làm đất, gieo cấy những diện tích còn lại.
Còn tại Thanh Hóa, tính đến ngày 5/2, toàn tỉnh đã gieo cấy được 31.288 ha lúa vụ Chiêm Xuân, đạt 26,52% kế hoạch. Trong đó, diện tích lúa lai đã cấy chiếm hơn 20 nghìn ha, lúa thuần là trên 11 nghìn ha. Tại các huyện miền núi đã cấy được trên 11 nghìn ha, các huyện vùng đồng bằng và ven biển đã gieo cấy được trên 18 nghìn ha.
Hiện tại, mực nước của các hồ đập thủy lợi trên địa bàn toàn tỉnh đang xuống thấp dưới mức đỉnh tràn từ 0m – 1,3m. Trước tình hình trên, các Công ty khai thác công trình thủy lợi đã chủ động phục vụ nước cho bà con gieo cấy. Các trạm bơm đầu mối lớn như Hoằng Khánh, Sa Loan, Kiểu… đã bắt đầu hoạt động trở lại từ 8h sáng ngày mùng 3 Tết nhằm đảm bảo cho bà con nông dân không bị thiếu nước gieo cấy.
Tại Nghệ An, tính đến thời điểm này, vụ Đông Xuân năm 2012 toàn tỉnh mới chỉ gieo cấy được khoảng 5.000 ha/85.000ha, trong đó gieo thẳng 2.500ha. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, do thời tiết rét đậm kéo dài nên diện tích mạ non bị chết do rét trên toàn tỉnh khoảng 7-10% cũng gây ảnh hưởng tới tiến độ gieo cấy của nông dân. Hơn nữa, các diện tích mạ còn lại không được phủ nilon hiện nay cũng đang xuất hiện dịch rầy nâu, rầy lưng trắng và một số diện tích mạ được mở nilon chuẩn bị cấy đã xuất hiện bệnh thối mạ. Trước tình hình đó sẽ ảnh hưởng đến tiến độ gieo cấy khoảng 10-15 ngày so với lịch chung.
Tại Hà Tĩnh cũng đang chịu ảnh hưởng tương tự khi 14.405,8 ha mạ và lúa gieo thẳng trên toàn tỉnh bị chết phải gieo cấy lại. Trước tình hình trên, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có công điện khẩn yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các cơ quan chức năng phải kịp thời cung ứng 500 tấn giống lúa ngắn ngày và 39,22 tấn ni lông để hỗ trợ sản xuất.
Tại Nam Định, vụ Đông Xuân năm nay, tỉnh áp dụng biện pháp gieo sạ thay cho cấy lúa truyền thống. Phương pháp này không những giảm 60-70% công lao động nặng nhọc, rút ngắn thời gian sinh trưởng trên dưới 10 ngày, hiệu quả tăng 10-15% so với cấy truyền thống. Phương thức gieo sạ hàng rộng, hàng hẹp giảm được sâu bệnh, kể cả bệnh khô vằn, bạc lá, rầy nâu… Do ánh sáng chiếu thẳng từ ngọn đến gốc cây lúa đã tăng quang hợp, tăng sức chống chịu, nhất là chống đổ tốt. Trong vụ xuân 2012, toàn tỉnh phấn đấu diện tích gieo sạ hàng đạt từ 30% tổng diện tích cấy lúa xuân trở lên, huyện Trực Ninh đã đăng ký 60% diện tích trở lên. Theo lịch hướng dẫn của Sở NN và PTNT tỉnh, thời gian gieo sạ hàng tốt nhất từ ngày mùng 10 đến 15/2
Tại Bắc Ninh, phát huy lợi thế và những kinh nghiệm của vụ Đông Xuân 2011 năng suất lúa bình quân toàn tỉnh đạt 70,5 tạ/ha, cao nhất từ trước đến nay, năm 2012, tỉnh đề ra mục tiêu gieo trồng 40.500 ha, trong đó 36.000 ha lúa và 4.500 ha rau màu. Tỉnh phấn đấu diện tích lúa lai đạt 21.000 ha, chiếm 60% diện tích, lúa chất lượng cao 8.000 ha, chiếm 22,2% diện tích nhằm đưa năng suất lúa bình quân toàn tỉnh đạt 67 tạ/ha. Cơ cấu giống lúa chủ yếu trong vụ này bao gồm: các giống lúa nếp BM9603, PD2; các giống lúa lai (chiếm 60% diện tích) như: Q.ưu số 1, Syn 6, Bio 404, D.ưu 6511… và các giống lúa chất lượng cao: HT1, Bắc thơm số 7, Nàng xuân..
Theo Dangcongsan.vn
![](https://mediabls.mediatech.vn/assets/images/load3.gif)
Ý kiến ()