Khắc phục hạn chế, phát huy hiệu quả đầu tư công
Là một trong ba lĩnh vực trọng tâm để thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế, thời gian qua, quá trình tái cơ cấu đầu tư công (ĐTC) đã đạt được nhiều kết quả bước đầu. Song, vẫn bộc lộ nhiều hạn chế như kỷ cương còn lỏng lẻo, quy trình thẩm định đề xuất ĐTC thiếu thực chất; chưa có cơ chế tạo áp lực để chủ đầu tư và nhà thầu phải tối thiểu hóa chi phí… Chỉ khi nào những vấn đề này được giải quyết rốt ráo mới có thể giúp tái cơ cấu ĐTC đạt được mục tiêu đã đề ra là bảo đảm việc huy động hợp lý nguồn vốn đầu tư xã hội, góp phần nâng cao năng suất và hiệu quả chung của nền kinh tế.
Kỷ cương còn lỏng lẻo
Thực tế cho thấy, sau năm năm (2011-2015) thực hiện tái cơ cấu đầu tư mà trọng tâm là tái cơ cấu ĐTC, kết quả bước đầu rõ nét nhất là đưa tỷ trọng vốn đầu tư từ khu vực kinh tế nhà nước trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội giảm xuống còn 41% (giai đoạn 2001-2010 khoảng 45,7%); trong đó, tỷ trọng vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước (NSNN) giảm xuống chỉ còn khoảng 21%. Bên cạnh đó, việc huy động vốn đầu tư từ khu vực ngoài nhà nước trong giai đoạn này cũng đạt kết quả tốt hơn khi tỷ trọng vốn đầu tư từ khu vực tư nhân và nước ngoài tăng tương ứng lên mức bình quân 39,4% và 17,6%. Riêng lĩnh vực xây dựng hạ tầng giao thông đã thu hút được gần 117 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư ngoài ngân sách cho 48 dự án. TS Vũ Nhữ Thăng, Vụ trưởng Hợp tác quốc tế (Bộ Tài chính) nhìn nhận: Không chỉ giảm về tỷ trọng và tốc độ tăng của vốn nhà nước cho ĐTC, chính sách tái cơ cấu đầu tư còn giúp định hình lại các lĩnh vực Nhà nước ưu tiên đầu tư, tập trung vào các dự án trọng điểm quốc gia, các dự án khó có khả năng thu hồi vốn; hạn chế tình trạng đầu tư dàn trải, thiếu hiệu quả, đồng thời khuyến khích đầu tư tư nhân ở những lĩnh vực có khả năng thu hồi vốn.
Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều chuyên gia, ĐTC vẫn bộc lộ nhiều hạn chế. TS Nguyễn Tú Anh, Trưởng Ban Chính sách kinh tế vĩ mô (Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế T.Ư – CIEM) chia sẻ: Kỷ luật ĐTC xét về mặt văn bản pháp luật là khá chặt chẽ, tuy nhiên lại lỏng lẻo trong thực hiện, nhiều địa phương vẫn tiếp tục xảy ra sai phạm, bỏ mặc những chỉ thị liên tục của Chính phủ về siết chặt kỷ cương ĐTC. Theo kết quả thanh tra diện rộng của Thanh tra Chính phủ, có tới 789 dự án bị ghi nhận sai phạm về quy trình thủ tục với số tiền 280 tỷ đồng, 1.527 dự án sai phạm về nợ đọng xây dựng cơ bản với tổng số tiền 1.869 tỷ đồng… Ngoài ra, các quy trình quản lý ĐTC về mặt hiệu quả cũng chưa được hình thành, nhiều dự án đầu tư cho đến nay hầu như không thực hiện bước theo dõi, đánh giá, so sánh hiệu quả kinh tế – xã hội thực tế với hiệu quả theo thẩm định. “Đây là bước thực hiện rất quan trọng để có thể chỉ ra những yếu kém, lỗ hổng trong thực hiện ĐTC và trách nhiệm để xảy ra các dự án ĐTC lãng phí, không hiệu quả. Nếu không công bố công khai kết quả hậu đầu tư thì Việt Nam rất khó có thể tái cơ cấu ĐTC thành công. Bên cạnh đó, chúng ta chưa hề có cơ chế tạo áp lực để chủ đầu tư và nhà thầu phải tối thiểu hóa chi phí, dẫn đến chi phí ĐTC thường bị đẩy lên cao, là cơ hội cho những hoạt động tìm kiếm lợi ích riêng phát triển”, TS Nguyễn Tú Anh nhấn mạnh.
Tập trung vai trò kiến tạo
Khái quát về ĐTC trong giai đoạn vừa qua, TS Vũ Đình Ánh chuyên gia kinh tế đánh giá: Đặc điểm nổi bật trong cơ cấu ĐTC là tập trung vào cơ sở hạ tầng công trong khi vẫn duy trì tỷ lệ đầu tư cao vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh trực tiếp và xuất hiện xu thế phân tán ĐTC sang nhiều lĩnh vực khác. Theo TS Vũ Đình Ánh, Nhà nước chỉ nên ưu tiên đầu tư vào lĩnh vực cơ sở hạ tầng công (giao thông, điện, nước) và dịch vụ công (giáo dục, y tế, khoa học công nghệ); hạn chế đến mức thấp nhất ĐTC vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh trực tiếp như công nghiệp, xây dựng, bảo hiểm,… Bên cạnh đó, việc chuyển dịch cơ cấu ĐTC cũng không được thể hiện rõ ràng, không phản ánh được sự thay đổi rõ ràng nào về vai trò của nhà nước nói chung và ĐTC nói riêng. “Nguyên nhân trực tiếp khiến ĐTC thu được kết quả hạn chế, hơn nữa không có thay đổi cơ bản là do tái cơ cấu ĐTC không gắn với thay đổi vai trò của nhà nước trong nền kinh tế. Thay đổi vai trò của nhà nước cho phù hợp với nền kinh tế thị trường mới là tiền đề để tái cơ cấu ĐTC”, TS Ánh khẳng định. Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan kiến nghị: Với trọng trách dẫn dắt sự phát triển của đất nước, Nhà nước cần tập trung thực hiện vai trò kiến tạo sự phát triển, nhường lại cho thị trường và xã hội vai trò đầu tư thương mại và sẵn sàng để xã hội chung tay thực hiện một phần các dự án phục vụ mục đích công cộng.
Trước ý kiến của nhiều chuyên gia cho rằng quy trình phê duyệt đầu tư, đặc biệt là giữa cơ quan chủ quản với doanh nghiệp trực thuộc không có sự giám sát độc lập đã mở ra cơ hội tham nhũng và đẩy chi phí lên cao, GS Nguyễn Mại đánh giá: Mỗi chủ trương đầu tư luôn phải kèm theo một hội đồng tư vấn độc lập để có thể đưa ra quyết định đúng đắn nhất. Bên cạnh đó, cần có cơ chế giám sát đầy đủ, từ tiền kiểm đến hậu kiểm, từ khâu xây dựng quy hoạch đến lúc triển khai và hoàn thành, cũng như khi dự án đi vào hoạt động mới giúp giảm thiểu được thất thoát, tham nhũng và tăng cường hiệu quả cho các dự án. TS Nguyễn Tú Anh cũng góp ý: Cần xây dựng cơ chế cạnh tranh công khai nguồn vốn ĐTC giữa các đơn vị; đồng thời, hình thành cơ chế đánh giá hiệu quả dự kiến trong hồ sơ dự án và so sánh giữa các địa phương, đơn vị,… từ đó, rút ra bài học để ngăn chặn “kẽ hở” và sàng lọc được những đối tượng sử dụng vốn ĐTC hiệu quả hay không.
Việc thẩm định hiệu quả kinh tế – xã hội của dự án vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Phần lớn các dự án ĐTC, nhất là các dự án có quy mô nhỏ mới chỉ được tập trung thẩm định về chi phí thực hiện, riêng phần lợi ích của dự án mang lại thường chỉ phân tích ở mức định tính mà chưa định lượng (quy ra tiền), dẫn tới việc lựa chọn và đánh giá kết quả thực hiện các dự án rất khó khăn.
Tăng Ngọc Tráng
Phó Vụ trưởng Giám sát và Thẩm định đầu tư
(Bộ Kế hoạch và Đầu tư)
Theo Nhandan.org.vn
Ý kiến ()