Khắc phục hạn chế, bất cập trong chăm sóc sức khỏe sinh sản lao động nữ
Liên đoàn Lao động tỉnh Thái Nguyên tổ chức khám, chữa bệnh, phát thuốc miễn phí cho công nhân lao động TP Sông Công.
Bất cập trong chăm sóc sức khỏe lao động nữ
Hiện nay, cả nước có 332 KCN, KCX, với gần ba triệu công nhân làm việc; trong đó, nữ công nhân chiếm tỷ lệ từ 60 – 70%. Một số ngành nghề như: Chế biến thủy sản, may mặc, da giày, tỷ lệ nữ công nhân lên tới hơn 80%. Con số này cho thấy, LĐN có đóng góp quan trọng vào phát triển nền kinh tế nói chung, phát triển của mỗi doanh nghiệp nói riêng. Thế nhưng, việc quan tâm, chăm sóc sức khỏe của LĐN, nhất là chăm sóc SKSS lại chưa được quan tâm đúng mức. Bởi thực tế, hầu hết LĐN tại các KCN, KCX là những lao động dưới 35 tuổi, đang trong độ tuổi sinh nở. Các chuyên gia về SKSS khuyến cáo, do phụ nữ có đặc điểm sinh học khác nam giới, cho nên LĐN là một trong những đối tượng có nguy cơ cao trong quan hệ tình dục không an toàn. Nguyên nhân chủ yếu là do phần lớn số LĐN đều là lao động ngoại tỉnh, sống xa gia đình, trình độ học vấn không cao, đời sống văn hóa tinh thần nghèo nàn, thiếu thốn tình cảm, không có điều kiện tìm hiểu bạn tình, bạn đời, dẫn đến tình trạng sống tạm bợ, cùng thuê nhà, nấu cơm, sinh hoạt… Không ít LĐN thiếu hiểu biết về các biện pháp tình dục an toàn, phòng tránh bệnh lây nhiễm, tránh thai, cho nên dẫn đến tình trạng nạo phá thai chui tràn lan, nhiều đứa trẻ đẻ ra bị bỏ rơi. Điều này không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của bản thân LĐN mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe và trí tuệ của con cháu họ. Hơn nữa, do kinh tế eo hẹp, thiếu hiểu biết về chính sách bảo hiểm y tế cũng là những rào cản khiến cho LĐN di cư không tiếp cận được các dịch vụ chăm sóc SKSS.
Cùng với đó, điều kiện lao động tại doanh nghiệp ảnh hưởng lớn đến sức khỏe LĐN, nhất là trong môi trường lao động đặc thù ở các ngành sử dụng đông LĐN, như: Gia công may, da giày, chế biến hải sản. Các doanh nghiệp này tổ chức sản xuất tập trung trong các nhà xưởng lớn, với hàng nghìn công nhân làm việc, nhưng lại không đạt yêu cầu về điều kiện môi trường làm việc, như: Nhiệt độ, không cách ly được mùi của keo dán hóa chất… Ngoài ra, tư thế lao động của nữ công nhân ở một số ngành, nghề đặc thù khiến thời gian ngồi làm việc kéo dài, thao tác đơn điệu… gây mệt mỏi, phát sinh các bệnh ảnh hưởng sức khỏe nói chung, SKSS nói riêng. Được biết, khoảng chục năm trở lại đây, các doanh nghiệp đã chú trọng hơn đến tổ chức khám sức khỏe cho công nhân lao động, nhưng việc thực hiện bài bản, thường xuyên với nhận thức khi người lao động được chăm sóc sức khỏe tốt sẽ góp phần tăng năng suất lao động cho doanh nghiệp, chưa được nhiều. Qua kiểm tra của các cơ quan chức năng cho thấy, nhiều đơn vị khám sức khỏe cho người lao động rất hình thức, không đủ điều kiện để phát hiện bệnh tật, chỉ phân loại sức khỏe công nhân.Việc khám sức khỏe chỉ dừng lại ở những kiểm tra đơn thuần như: Huyết áp, các bệnh ngoài da, răng, miệng. Việc khám chuyên sâu về SKSS và các bệnh phụ khoa, truyền nhiễm hầu như không có. Lý do doanh nghiệp đưa ra, đây là vấn đề tế nhị, công nhân ngại không yêu cầu. Cán bộ y tế chăm sóc sức khỏe cho nữ công nhân lao động ở doanh nghiệp còn rất hạn chế so số lượng LĐN. Có nơi, chỉ có một cán bộ kiêm nhiệm thực hiện công tác cấp phát thuốc thông thường và xử lý các trường hợp sơ cứu…
Thực hiện đồng bộ các giải pháp
Mục tiêu của Chiến lược dân số và Sức khỏe sinh sản Việt Nam giai đoạn 2011-2020 có đề cập: Giảm tỷ lệ phá thai, cơ bản loại trừ phá thai không an toàn; hạn chế vô sinh thứ phát; giảm nhanh tình trạng nhiễm khuẩn đường sinh sản; cải thiện chăm sóc SKSS, sức khỏe tình dục cho vị thành niên, thanh niên và các nhóm dân số đặc thù (nam giới, người di cư, người tàn tật). Tuy nhiên, cho đến nay, các mục tiêu nêu trên thực hiện chưa được như mong muốn trên thực tế. Theo điều tra của Viện Công nhân, Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) nhiều năm, qua hồ sơ khám sức khỏe của công nhân cho thấy, một số bệnh người lao động mắc phải thường liên quan điều kiện lao động, như: Hội chứng đau hông, lưng, bả vai, thoái hóa đốt sống cổ do tư thế ngồi làm việc nhiều giờ; hiện tượng khung xương chậu hoạt động kém do ngồi nhiều cho nên thường phải mổ đẻ. Thực tế, các doanh nghiệp bố trí nơi cho công nhân uống nước, nhà vệ sinh nhưng chưa hợp lý, còn ở xa vị trí làm việc. Có doanh nghiệp do đặc thù sản phẩm không được nhiễm ẩm, cho nên quy định không cho công nhân mang nước uống vào nơi làm việc. Cá biệt, có doanh nghiệp còn quy định trong một dây chuyền chỉ cho phép hai người đi vệ sinh cùng lúc, dẫn đến tình trạng các LĐN bị mắc các bệnh viêm đường tiết niệu, sinh dục do hạn chế uống nước và đi vệ sinh.
Tại các buổi truyền thông, nâng cao kiến thức, kỹ năng thực hành dinh dưỡng hợp lý, chăm sóc SKSS, sức khỏe tinh thần cho phụ nữ trong độ tuổi sinh sản tại KCN nằm trong khuôn khổ Dự án “Vì mẹ và bé – Vì tầm vóc Việt”, do Quỹ Vì tầm vóc Việt phối hợp công đoàn các KCN và KCX tại Hà Nội và Bắc Ninh đã có khoảng 3.400 nữ công nhân, người lao động tham dự. Kết quả cho thấy, sau những buổi khám SKSS, có tới 70% LĐN mắc các bệnh viêm nhiễm phụ khoa. Công nhân Lê Ngọc H. (Công ty Fujikin) cho biết, tại lần khám sức khỏe định kỳ của công ty, bác sĩ thông báo tôi có vấn đề về SKSS. Mặc dù tôi rất lo lắng đến sức khỏe của mình, nhưng do thời gian làm việc bận rộn, chưa xin nghỉ làm để đi khám chuyên khoa được. Tại buổi khám này, chị H. đã được các bác sĩ siêu âm, chụp chiếu, kê đơn thuốc để điều trị. Điều này khiến chị H. yên tâm hơn để tiếp tục làm việc.
Trước thực trạng công tác chăm sóc SKSS cho LĐN ở KCN còn nhiều bất cập như hiện nay, thời gian tới, rất cần Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành liên quan, UBND các tỉnh, thành phố tập trung nhiều KCN, KCX tiếp tục triển khai Chiến lược dân số và SKSS giai đoạn 2011 – 2020 trên phạm vi cả nước, gắn kết chặt chẽ với các chiến lược liên quan do các bộ, ngành khác chủ trì thực hiện. Đồng thời, thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 của Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới. Tổ chức thực hiện đồng bộ các đề án, chương trình về nâng cao sức khỏe và tầm vóc người Việt Nam.
Chỉ đạo phối hợp liên bộ, ngành lồng ghép nội dung chăm sóc SKSS trong các văn bản quy phạm pháp luật, các chương trình, đề án, hoạt động tuyên truyền phổ biến, hướng dẫn sử dụng và cung cấp dịch vụ kế hoạch hóa gia đình cho người lao động các KCN, KCX, các khu nhà trọ. Khi phê duyệt, xây dựng các KCN, KCX; các địa phương, doanh nghiệp cần dành quỹ đất, kinh phí để xây dựng: Nhà trẻ, nhà mẫu giáo, bếp ăn tập thể, cơ sở khám, chữa bệnh, thiết chế văn hóa; chú ý phân bổ ngành, nghề phù hợp, tránh nguy cơ mất cân bằng giới tính, tạo điều kiện cho LĐN có cơ hội tìm kiếm bạn đời, giảm tệ nạn quan hệ tình dục ngoài hôn nhân, nạo phá thai, các bệnh liên quan quan hệ tình dục.
Tăng cường phối hợp liên ngành, phát huy vai trò của tổ chức công đoàn trong các hoạt động giám sát, kiểm tra việc thực hiện chính sách, luật pháp liên quan LĐN, kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh. Có chế tài đủ mạnh xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm chính sách pháp luật lao động và về dân số, SKSS. Đề án Truyền thông, tư vấn và cung ứng dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản cho công nhân lao động tại các KCN, KCX giai đoạn 2019-2025, do Bộ Y tế chủ trì, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phối hợp thực hiện cần hướng tới cách tiếp cận riêng biệt, phù hợp điều kiện sống và làm việc của nhóm đối tượng đặc thù này, giúp họ nâng cao nhận thức, thái độ, hành vi và tăng cường khả năng tiếp cận các dịch vụ chăm sóc SKSS có chất lượng tại ngay địa bàn nơi họ sinh sống, làm việc. Trong các KCN, Ban quản lý các KCN cần tăng cường các hình thức tuyên truyền bằng sách, báo, tranh ảnh, bảng tin… để LĐN có thể tiếp cận nâng cao nhận thức về SKSS trong giờ nghỉ trưa, sau giờ làm việc…
Là tổ chức bảo vệ quyền lợi chính đáng cho NLĐ, công đoàn các cấp, nhất là tổ chức công đoàn trong các KCN, KCX cần nâng cao vai trò, vị thế của mình hơn nữa trong quá trình thương lượng và ký kết thỏa ước lao động tập thể để mang lại nhiều điều khoản có lợi hơn cho người lao động, trong đó có chế độ, chính sách liên quan chăm sóc SKSS của LĐN.
Theo Nhandan
Ý kiến ()