Khắc phục điểm yếu để du lịch Việt Nam phát triển
Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn cho biết: Trong 5 năm qua, ngành du lịch đã tạo ra sự phát triển mang tính bứt phá, sau 4 năm (2009-2013), tổng số khách quốc tế đến Việt Nam đã tăng gấp đôi. Khách du lịch nội địa đạt 38 triệu lượt. Việt Nam đã về trước 2 năm so với mục tiêu chiến lược phát triển du lịch đặt ra cho năm 2015.
Ông Nguyễn Văn Tuấn nhấn mạnh: Du lịch phát triển chưa tương xứng với sự giàu có, phong phú về tài nguyên, danh lam thắng cảnh của đất nước. Du lịch biển đảo, văn hóa, sinh thái… đều chưa đạt được mong đợi của xã hội. Trong số các nguyên nhân, ông Tuấn nhấn mạnh đến nguyên nhân năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam rất thấp so với các nước trong khu vực. Với du lịch thì thị thực, hàng không và điều kiện tiếp cận thông tin chính là lợi thế cạnh tranh rất mạnh nhưng Việt Nam đang yếu cả 3 yếu tố.
Hà Giang đón du khách đầu tiên trong năm 2015. Ảnh minh họa: chinhphu.vn |
Về thị thực, Việt Nam mới miễn cho 7 nước Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đan Mạch, Na Uy, Thụy Điển và Phần Lan và 10 nước ASEAN. Về hàng không, số lượng đường bay thẳng đến các thị trường du lịch của Việt Nam còn hạn chế so với các nước trong khu vực. Đầu tư cho công tác xúc tiến quảng bá du lịch cả về nguồn lực Nhà nước và xã hội hóa rất khiêm tốn. Phong cách làm du lịch chưa chuyên nghiệp. Công tác quản lý điểm đến, đảm bảo an ninh an toàn cho du khách cũng chưa tốt. Chính sách liên ngành liên vùng để phục vụ cho phát triển du lịch còn nhiều bất cập…
Để thúc đẩy du lịch phát triển, khắc phục những yếu kém nêu trên Tổng cục Du lịch đã báo cáo, đề xuất Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trình Chính phủ ban hành Nghị quyết chuyên đề về một số giải pháp đẩy mạnh phát triển du lịch Việt Nam trong thời kỳ mới. Nghị quyết 92/NQ-CP được chính thức thông qua vào tháng 12/2014.
Nghị quyết là cột mốc đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong phát triển du lịch của Việt Nam trong thời gian tới. Nghị quyết đề cập đến nhiều vấn đề, trong đó có nhấn mạnh việc tạo điều kiện thuận lợi để thu hút khách du lịch như mở rộng diện miễn thị thực cho một số thị trường trọng điểm; đơn giản hóa thủ tục xuất nhập cảnh; nâng cao chất lượng dịch vụ hàng không, đường thủy, đường biển, đường bộ, đường sắt. Cùng với đó là tạo điều kiện thuận lợi đảm bảo an ninh an toàn cho du khách, nâng cấp chất lượng dịch vụ gắn với an ninh an toàn.
Coi doanh nghiệp là yếu tố trung tâm, là lực lượng quyết định để phát triển ngành du lịch, Nghị quyết 92 giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành đề xuất một số chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp: Giảm thuế sử dụng, tiền thuê đất cho các dự án du lịch sinh thái, resort, khách sạn, dự án du lịch sử dụng nhiều diện tích đất dành cho đầu tư cảnh quan, không gian và hạ tầng; thuế nhập khẩu thiết bị phương tiện phục vụ cho du lịch chất lượng cao mà trong nước chưa sản suất được…
Trong suốt cả năm 2015, Tổng cục Du lịch đã phát động chương trình kích cầu du lịch nội địa năm 2015 với chủ đề “Người Việt Nam du lịch Việt Nam, mỗi chuyến đi thêm yêu Tổ quốc”. Chương trình này góp phần khắc phục sự suy giảm khách du lịch quốc tế, thúc đẩy tăng trưởng khách du lịch nội địa, khích lệ người dân trong nước, bà con kiều bào đi tham quan du lịch các vùng miền trong nước, qua đó nâng cao tình yêu quê hương đất nước và góp phần bảo vệ chủ quyền quốc gia. Ngành du lịch Việt Nam đặt mục tiêu đạt 37,5 triệu lượt khách nội địa trong năm 2015 để bù đắp cho sự suy giảm của lượng khách du lịch quốc tế.
Tổng cục Du lịch khuyến khích các địa phương có tiềm năng du lịch xây dựng các sản phẩm du lịch mới; xây dựng môi trường du lịch thân thiện an toàn; khuyến khích người dân địa phương tham gia cung cấp dịch vụ lưu trú tại nhà (home stay) cho khách du lịch. Chương trình cũng khuyến khích các địa phương thực hiện chính sách khuyến mãi, giảm giá vé, lệ phí tham quan, làm việc với các hãng hàng không để tăng cường chuyến bay và giảm giá vé máy bay… Riêng với các doanh nghiệp thuộc ngành du lịch tham gia chương trình sẽ giảm giá dịch vụ từ 10% trở lên, liên kết hình thành các tour khuyến mãi cho khách du lịch đi theo đoàn…
Ý kiến ()