Các ngành và địa phương cùng vào cuộc
Ðể khắc phục các vấn đề liên quan tới IUU, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 45/CT-TTg ngày 13-12-2017 về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để khắc phục cảnh báo của EC. Tại một số địa phương như Bình Thuận, Tiền Giang, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bến Tre… cũng ban hành các nghị quyết chuyên đề về IUU, đồng thời tổ chức, chỉ đạo các lực lượng thực thi pháp luật trên biển tăng cường thực hiện những biện pháp để quản lý ngư trường khai thác, ngăn chặn tàu cá của ta vi phạm vùng biển các nước trong khu vực. Hầu hết các địa phương đã ban hành kế hoạch thanh tra, kiểm tra, kiểm soát hoạt động khai thác hải sản trên biển và tại cảng cá. Ðến tháng 8-2018, có 26 trong số 28 tỉnh, thành phố ven biển thành lập văn phòng đại diện thanh tra, kiểm soát nghề cá tại 48 cảng trọng điểm ở các địa phương, có ba trong số 28 tỉnh, thành phố ven biển đã thành lập tổ công tác liên ngành (theo Quyết định số 27/QÐ-BNN-TCTS). Ðồng thời chỉ đạo các chi cục thủy sản, các cảng cá triển khai công tác xác nhận, chứng nhận nguồn gốc sản phẩm hải sản khai thác theo quy định.
Tại tỉnh Bình Thuận, ngoài việc tăng mức xử phạt hành chính, các tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài còn bị tước quyền giấy phép hoạt động và đưa ra khỏi danh sách được nhận hỗ trợ từ các chính sách khuyến khích khai thác hải sản. Ðáng chú ý, một chủ tàu sở hữu nhiều tàu cá khác nhau, nhưng chỉ cần một tàu vi phạm thì sẽ bị tước hết quyền lợi của các tàu còn lại.
Tỉnh Khánh Hòa cũng đã thành lập bốn văn phòng đại diện thanh tra, kiểm soát tại các cảng cá. Ðồng thời, tổ chức hàng trăm đợt tuần tra trên biển đối với tàu cá đang hoạt động hành nghề, qua đó xử lý nghiêm các tàu vi phạm. Ngoài ra, tỉnh còn hoàn thiện hoạt động của tám nghiệp đoàn nghề cá, 70 tổ hợp tác nghề cá với sự tham gia của hơn 620 tàu cá khai thác vùng biển xa nhằm giúp ngư dân hỗ trợ nhau khi hoạt động trên biển. Bên cạnh đó, một số tỉnh ven biển vùng đồng bằng sông Cửu Long đã ký và triển khai quy chế phối hợp quản lý tàu cá hoạt động khai thác hải sản trên biển.
Còn đó những nỗi lo
Mặc dù đã có nhiều cố gắng khắc phục cảnh báo của EC, nhưng công tác tổ chức thực thi các nhiệm vụ về chống khai thác IUU vẫn còn những hạn chế, như chưa xây dựng được cơ chế chỉ đạo, điều hành kịp thời, thông suốt từ Trung ương đến địa phương. Nguồn lực (nhân lực và vật lực) trong toàn hệ thống quản lý nhà nước, thực thi pháp luật thủy sản nhằm bảo đảm việc thực thi các quy định của quốc tế về chống khai thác IUU chưa thật sự hiệu quả. Ðầu tư cơ sở hạ tầng nghề cá ở nhiều địa phương vẫn còn bất cập, chưa tương xứng với năng lực khai thác.
Theo Quyết định số 1976/QÐ-TTg ngày 12-11-2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch hệ thống cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, toàn quốc quy hoạch 125 cảng cá (35 cảng cá loại I và 90 cảng cá loại II) và 146 khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá (30 khu cấp vùng, 116 khu cấp tỉnh). Tuy nhiên, đầu tư giai đoạn 2011 – 2015 chỉ đạt 30% so với quy hoạch. Ðầu tư cơ sở vật chất trang thiết bị cho cơ quan quản lý nhà nước để thực hiện nhiệm vụ quản lý, giám sát hoạt động của tàu cá chưa đáp ứng yêu cầu. Nguồn nhân lực và kinh phí cho các cơ quan được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá tại cảng và trên biển còn thiếu. Ngoài ra, một số địa phương chưa nghiêm túc triển khai thực hiện các Công điện 732/CÐ-TTg, Chỉ thị 45/CT-TTg và Quyết định 78/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ…, nhất là sau thời điểm EC cảnh báo thẻ vàng đối với sản phẩm hải sản khai thác của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Liên hiệp châu Âu (EU) vẫn chưa ngăn chặn được tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài.
Từ nay đến tháng 1-2019, thời gian không còn nhiều, vì vậy để gỡ thẻ vàng cần tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Thủy sản, Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản và các thông tư để bảo đảm có hiệu lực đồng bộ với Luật Thủy sản có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2019. Ðồng thời xây dựng, ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Hiệp định biện pháp quốc gia có cảng mà Việt Nam vừa gia nhập. Cũng như hoàn thành việc gia nhập Hiệp định đàn cá di cư của Liên hợp quốc.
Trước hết, các địa phương cần thực hiện tốt cơ chế phối hợp và xử lý giữa các lực lượng kiểm tra, kiểm soát trên biển khi phát hiện tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài, với các biện pháp quyết liệt như rút giấy phép khai thác, không cấp giấy phép mới đối với các chủ tàu có tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài bị bắt giữ, hoặc bị phát hiện trên hệ thống giám sát hành trình. Xác định, cập nhật thường xuyên danh sách tàu cá được xác định là có khả năng tham gia vào hoạt động khai thác bất hợp pháp tại vùng biển nước ngoài để áp dụng các biện pháp bổ sung, nhằm kiểm soát chặt chẽ nhóm tàu này, như yêu cầu bắt buộc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, tăng cường tần suất kiểm tra, thanh tra đối với các tàu này khi cập cảng…
Thực hiện nghiêm cơ chế phối hợp giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính để kiểm soát nguyên liệu thủy sản được nhập vào Việt Nam bằng các tàu vận chuyển hàng đông lạnh quốc tế tại các cảng giao thông quốc tế, bảo đảm yêu cầu thực hiện các quy định pháp luật về thực hiện các biện pháp quốc gia có cảng. Tăng cường lực lượng thanh tra, kiểm tra, kiểm soát tại cảng và trên biển để xử lý nghiêm các tàu cá có hành vi khai thác IUU.
Tại buổi hội kiến và gặp gỡ lãnh đạo Liên hiệp châu Âu (EU) nhân chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đến các nước Cộng hòa Áo, Vương quốc Bỉ, Vương quốc Ðan Mạch, EU, và dự Hội nghị cấp cao Á – Âu lần thứ 12, Hội nghị cấp cao Hợp tác vì tăng trưởng xanh và mục tiêu toàn cầu đến 2030 (P4G) từ ngày 14 đến 20-10 vừa qua, đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã có buổi trao đổi các biện pháp thúc đẩy hợp tác trong khai thác thủy sản bền vững, trong đó EU ủng hộ các nỗ lực của Việt Nam trong khắc phục các vấn đề liên quan tới IUU, tiến tới việc gỡ bỏ thẻ vàng cho khai thác hải sản Việt Nam.
Ý kiến ()