Khắc phục bất cập trong hoạt động mỹ thuật
Từ nay đến hết ngày 30/1/2024, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công khai lấy ý kiến góp ý đối với dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 113/NĐ-CP (ngày 2/10/2013) của Chính phủ về hoạt động mỹ thuật. Theo lộ trình dự kiến, trong quý I/2024, nghị định sửa đổi, bổ sung này sẽ được trình Thủ tướng Chính phủ để ký ban hành.
Tác phẩm “Mùa xuân chín”của họa sĩ Vũ Thùy Mai tại triển lãm mỹ thuật “Ngộ”, tháng 9/2023. (Ảnh: Ban tổ chức) |
Theo đánh giá của cơ quan soạn thảo, sau 10 năm thực hiện Nghị định số 113/NĐ-CP, công tác quản lý nhà nước về hoạt động mỹ thuật đã đạt được những hiệu quả nhất định. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển xã hội, nhiều loại hình mỹ thuật xuất hiện và chưa được định nghĩa, dẫn tới khó xác định và quản lý.
Bên cạnh đó, cách mạng công nghiệp 4.0 đã tạo ra các loại hình trực tuyến trong hoạt động mỹ thuật và ngày càng phổ biến, nhưng lại chưa có quy định cụ thể.
Thực tế ở nhiều địa phương, các công trình mỹ thuật ngoài trời (điêu khắc, hội họa, trang trí mỹ thuật, tranh tường, bích họa 3D…) đặt tại địa điểm công cộng do tư nhân quản lý được xây dựng tự phát, không có sự kiểm soát nội dung của cơ quan quản lý văn hóa.
Thời gian qua, cùng với hội nhập, phát triển, nhu cầu thưởng thức văn hóa của công chúng, các công trình văn hóa đặc thù mang đặc trưng mỹ thuật đã và đang xuất hiện ngày càng nhiều, như: Trưng bày tượng, biểu tượng, điêu khắc hoành tráng, công trình mỹ thuật ngoài trời, tranh tường (bích họa) 3D tại các địa điểm công cộng, khu dân cư, khu du lịch, kinh doanh dịch vụ của tư nhân cần có sự kiểm duyệt, thẩm định của cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa.
Thế nhưng, các quy định về việc xây dựng công trình mỹ thuật (điêu khắc, hội họa, trang trí mỹ thuật…) đặt ngoài trời tại các địa điểm công cộng lại đang bất cập.
Thực tế ở nhiều địa phương, các công trình mỹ thuật ngoài trời (điêu khắc, hội họa, trang trí mỹ thuật, tranh tường, bích họa 3D…) đặt tại địa điểm công cộng do tư nhân quản lý được xây dựng tự phát, không có sự kiểm soát nội dung của cơ quan quản lý văn hóa.
Chắc hẳn nhiều người chưa quên những “sự kiện” kiểu trưng bày tượng 12 con giáp tại Khu du lịch Hòn Dáu (Hải Phòng), làm phiên bản tượng Nữ thần Tự do, tượng các nhân vật hoạt hình Elsa tại Khu du lịch Sa Pa (Lào Cai)… từng gây bức xúc dư luận xã hội.
Vì vậy, bổ sung quy định trong văn bản quản lý nhà nước về hoạt động mỹ thuật để đáp ứng nhu cầu thực tế và giúp các địa phương có hành lang pháp lý để quản lý, kiểm soát nội dung các công trình mỹ thuật đặc thù trước khi công bố là việc cần thiết.
Song song với đó, sự phát triển của công nghệ số đặt ra yêu cầu cấp thiết đối với cơ quan quản lý nhà nước trong quản lý nội dung công bố tác phẩm mỹ thuật trên các trang mạng xã hội.
Hiện nay, việc quản lý cấp phép triển lãm trên không gian mạng đã được quy định tại Nghị định số 72/NĐ-CP (ban hành năm 2016) về hoạt động nhiếp ảnh và Nghị định số 23/NĐ-CP (năm 2019) về hoạt động triển lãm, vì vậy cần thiết phải bổ sung nội dung quản lý, tổ chức triển lãm mỹ thuật trực tuyến trên không gian mạng vào quy định tại Nghị định số 113/NĐ-CP.
Bên cạnh đó, quy định hiện hành về tác phẩm mỹ thuật có giải thích khái niệm các loại hình nghệ thuật, nhưng chưa bao quát nội dung “mỹ thuật ứng dụng”. Vì thế, quy định khái niệm thuật ngữ “mỹ thuật ứng dụng” mới giúp cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa ở các địa phương có căn cứ cụ thể để kiểm soát nội dung đối với các hoạt động của loại hình nghệ thuật này. Các quy định về thủ tục hành chính cũng phải bảo đảm thống nhất với quy định về cách thức tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả trực tuyến hiện hành.
Mục đích sửa đổi, bổ sung lần này là nhằm bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất các quy định quản lý nhà nước, bảo đảm tính minh bạch, khả thi, dễ tiếp cận; khắc phục những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực mỹ thuật, góp phần thúc đẩy kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước.
Nguồn: https://nhandan.vn/khac-phuc-bat-cap-trong-hoat-dong-my-thuat-post791984.html
Theo nhandan.vn
Ý kiến ()