Khắc ghi và thực hiện lời dạy của Bác Hồ, toàn quân tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác dân vận
Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn xác định công tác dân vận và công tác binh-địch vận là một bộ phận quan trọng trong công tác vận động cách mạng của Đảng, là sự kế tục và phát huy truyền thống “lấy dân làm gốc”, “nhân nghĩa, tâm công” của dân tộc Việt Nam.
Trong suốt chặng đường xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, cán bộ, chiến sĩ Quân đội ta nói chung, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Cục Dân vận và ngành Dân vận toàn quân nói riêng luôn khắc ghi và thực hiện tốt lời dạy của Bác Hồ kính yêu: “Lực lượng của dân rất to. Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”(1), góp phần xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân, nền quốc phòng toàn dân vững chắc, tạo nên sức mạnh vô địch, chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược, có nhiều chiến công, thành tích xuất sắc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Thượng tướng Trần Quang Phương, Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị (nay là Phó chủ tịch Quốc hội) và Thiếu tướng Nguyễn Văn Gấu, Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Chính ủy Quân khu 9 (nay là Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị) cùng lãnh đạo TP Cần Thơ tặng quà chúc mừng Tết Chol Chnam Thmay tại Học viện Phật giáo Nam Tông Khmer, năm 2021. Ảnh: NGUYỄN THẮNG. |
Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ giúp Đảng, Chính phủ lãnh đạo, chỉ đạo, phát huy sức mạnh toàn dân, toàn quân tiến hành thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, ngày 1-5-1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 47/SL về tổ chức Bộ Chỉ huy Quân đội Quốc gia và Dân quân Việt Nam, trong đó có Cục Chính trị. Theo đó, Phòng Địch vận (tiền thân của Cục Dân vận ngày nay) thuộc Cục Chính trị ra đời tại xã Định Biên, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên. Sự kiện đó, đánh dấu bước phát triển mới về mặt tổ chức ngành Binh-địch vận và Dân vận của Quân đội. Lần đầu tiên, trong Quân đội có cơ quan chuyên trách công tác dân vận, binh-địch vận cấp chiến lược; với chức năng, nhiệm vụ nghiên cứu, tham mưu giúp Tổng Quân ủy, Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị, lãnh đạo, chỉ đạo công tác dân vận, công tác binh-địch vận. Ngày 22-4-1999, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam ban hành Quyết định số 224/QĐ-CT, lấy ngày 1-5-1947 là Ngày truyền thống Cục Dân vận.
Nhận thức sâu sắc vị trí, vai trò và nhiệm vụ công tác dân vận, binh-địch vận, Cục Dân vận đã tham mưu giúp Tổng Quân ủy, Bộ Quốc phòng và Tổng cục Chính trị ban hành nhiều chỉ thị, quyết sách quan trọng nhằm phát triển chiến tranh du kích rộng khắp để ngăn chặn bước tiến của địch, tổ chức quấy rối, cắt phá giao thông làm rối loạn hậu phương địch, xây dựng thành công nhiều căn cứ địa kháng chiến. Đồng thời, tham mưu nhiều nội dung về công tác binh-địch vận, như: Chỉ thị về tổng phá ngụy binh, chủ trương “Âu Phi vận”, chỉ thị về thả tù binh tại mặt trận, chính sách quản lý, đãi ngộ, sử dụng đối với tù binh, hàng binh, đào binh Âu-Phi…, đưa công tác địch-ngụy vận quan trọng ngang tác chiến. Chỉ đạo các đơn vị vừa tác chiến, vừa tuyên truyền mở rộng vùng tự do, vận động nhân dân đóng góp sức người, sức của cho kháng chiến, kiến quốc; kết hợp binh-địch vận với tác chiến trong các chiến dịch, mà đỉnh cao là Chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Cục Dân vận vừa là cơ quan chức năng của Tổng cục Chính trị, vừa là Vụ Binh vận thuộc Ban Thống nhất Trung ương. Cục đã hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ là cơ quan tham mưu giúp Trung ương Đảng, Quân ủy Trung ương, Tổng cục Chính trị đề ra các chủ trương, phương hướng, sách lược, biện pháp chỉ đạo, hướng dẫn lực lượng vũ trang và các địa phương vừa kháng chiến vừa kiến quốc. Thông qua công tác vận động quần chúng của lực lượng vũ trang, nhân dân đã tham gia hàng trăm triệu ngày công xây dựng các công trình phòng tránh, đào hơn 40 triệu hố cá nhân, hầm tập thể; xây dựng tuyến đường dài 16.700km, bao gồm 5 trục đường dọc có tính chất chiến lược, 21 trục đường ngang có tính chất chiến dịch và hàng vạn ki-lô-mét đường giao liên, đường ống dẫn xăng dầu… để chi viện cho chiến trường miền Nam. Công tác binh-địch vận được đẩy mạnh cả trong và ngoài quân đội, khoét sâu mâu thuẫn, tranh thủ lôi kéo, phân hóa hàng ngũ địch; trực tiếp tổ chức và tiến hành nhiều hoạt động binh-địch vận; chủ động đề xuất và tổ chức đưa hàng trăm cán bộ binh-địch vận ưu tú chi viện cho chiến trường miền Nam, làm lực lượng nòng cốt cho phong trào binh-địch vận. Phối hợp và trực tiếp tổ chức công tác tuyên truyền, vận động, giác ngộ binh sĩ địch. Trực tiếp biên tập và phối hợp với Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Giải phóng tiến hành các buổi phát thanh ngụy vận, Mỹ vận (bằng tiếng Anh) và Triều vận (bằng tiếng Triều Tiên). Đặc biệt, trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, Cục Dân vận đã tham mưu và trực tiếp soạn thảo “Chính sách 7 điểm” của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, nêu cao chính sách hòa hợp dân tộc; góp phần làm tan rã các tổ chức ngụy quân, ngụy quyền trong giai đoạn cuối của cuộc chiến tranh.
Trong sự nghiệp đổi mới đất nước, Cục Dân vận và ngành Dân vận toàn quân đã quán triệt sâu sắc tình hình nhiệm vụ, chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị trong và ngoài quân đội nghiên cứu, đánh giá tình hình, kịp thời tham mưu, đề xuất với Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị các chủ trương, giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai hoạt động công tác dân vận, tuyên truyền đặc biệt, dân tộc-tôn giáo, thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở. Tham mưu, đề xuất ban hành “Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và mối quan hệ công tác của Cục Dân vận”; các phương án về công tác tuyên truyền đặc biệt trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền biên giới, biển, đảo của Tổ quốc… Chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị toàn quân tích cực tham gia các phong trào thi đua, cuộc vận động, các chương trình, đề án do Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng phát động. Phối hợp, tham mưu, hướng dẫn, chỉ đạo hoạt động về công tác đối ngoại quân sự, đối ngoại biên phòng, đối ngoại nhân dân; thực hiện có hiệu quả chính sách dân tộc, tôn giáo của Đảng, Nhà nước trong quân đội, quan tâm bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ, chiến sĩ người dân tộc thiểu số tạo nguồn cho quân đội và các địa phương.
Thiếu tướng Nguyễn Văn Gấu, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị làm việc với Cục Dân vận về triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm công tác dân vận năm 2022.Ảnh: PHƯƠNG LÝ. |
Thông qua thực tiễn, công tác dân vận của Đảng trong quân đội ngày càng phát triển mạnh mẽ; Phong trào thi đua “Dân vận khéo”, xây dựng “Đơn vị dân vận tốt” gắn với Phong trào Thi đua Quyết thắng của toàn quân được đẩy mạnh với nhiều chương trình, mô hình dân vận mang lại hiệu quả thiết thực, tạo hiệu ứng xã hội, có sức lan tỏa rộng khắp, như: “Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân”, “Nâng bước em tới trường”, “Mái ấm cho người nghèo nơi biên giới, hải đảo”, “Bò giống giúp người nghèo nơi biên giới”, “Con nuôi đồn biên phòng”, “Tết quân dân”…
Trong phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn, lực lượng quân đội luôn xung kích trên tuyến đầu, thực sự là lực lượng nòng cốt, có mặt kịp thời tại những nơi hiểm nguy; tham gia khắc phục hậu quả cháy rừng, mưa lũ, hạn hán, xâm nhập mặn trên cả 3 miền Bắc, Trung, Nam; cứu nạn sập hầm thủy điện Đạ Dâng (Lâm Đồng); vụ sạt lở đất, đá trong trận lũ lụt lịch sử tại thủy điện Rào Trăng 3 (Phong Điền, Thừa Thiên Huế); xử lý ô nhiễm môi trường tại Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông; đất bị ô nhiễm chất độc dioxin tại sân bay Đà Nẵng…, kịp thời cứu hộ, cứu nạn đối với ngư dân vươn khơi, bám biển trước những diễn biến khắc nghiệt của thời tiết, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo, hoàn thành tốt nhiệm vụ “chiến đấu trong thời bình”. Đặc biệt, khi đại dịch Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp, quán triệt và thực hiện nghiêm túc sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, toàn quân đẩy mạnh tuyên truyền, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch; hỗ trợ tích cực cả về nhân lực, vật tư y tế, nhất là tại các địa phương bùng phát dịch; triển khai 190 khu cách ly, 15 bệnh viện dã chiến truyền nhiễm, hơn 400 bệnh xá cơ động, duy trì hơn 24.000 tổ, chốt ở biên giới và nội địa…, góp phần vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa phát triển kinh tế-xã hội, tăng cường và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết máu thịt quân-dân, xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân, chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ vững chắc chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; giữ vững và làm sáng đẹp thêm hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ trong thời kỳ mới.
Những năm tới, dự báo bên cạnh những thời cơ thuận lợi, sự nghiệp cách mạng nước ta cũng đứng trước những khó khăn, thách thức ngày càng phức tạp, khó lường, đặc biệt là sự chống phá của các thế lực thù địch nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc và mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước, quân đội với nhân dân…; đặt ra cho công tác quân sự, quốc phòng nói chung, nhiệm vụ công tác dân vận nói riêng những yêu cầu mới ngày càng cao hơn. Trước tình hình đó, Cục Dân vận, ngành Dân vận và các cơ quan, đơn vị trong toàn quân cần cần tiếp tục đẩy mạnh, thực hiện hiệu quả công tác dân vận, góp phần xây dựng “thế trận lòng dân”, củng cố vững chắc niềm tin của nhân dân đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng; trong đó tập trung thực hiện tốt một số nội dung sau:
Một là, quán triệt sâu sắc và thực hiện nghiêm túc các nghị quyết, chỉ thị của Đảng về công tác dân vận, nhất là những nhận thức mới trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về công tác dân vận, Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 3-6-2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) “Về tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”; Chỉ thị số 49-CT/TW ngày 20-10-2015 của Ban Bí thư về tăng cường và đổi mới công tác dân vận của Đảng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số; Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 10-1-2018 của Bộ Chính trị về “Tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 12-3-2003 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) về công tác tôn giáo trong tình hình mới”; Quyết định số 23-QĐ/TW ngày 30-7-2021 của Bộ Chính trị về việc ban hành Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Quân đội lần thứ XI, Nghị quyết số 49-NQ/QUTW ngày 26-1-2015 của Quân ủy Trung ương “Về tăng cường và đổi mới công tác dân vận của Quân đội trong tình hình mới”, Quy chế công tác dân vận của Quân đội nhân dân Việt Nam… Bám sát yêu cầu nhiệm vụ, tình hình thực tiễn, phát huy tinh thần đoàn kết, chủ động, sáng tạo, tham mưu và tổ chức triển khai thực hiện công tác dân vận, tuyên truyền đặc biệt, dân tộc-tôn giáo và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở đạt hiệu quả thiết thực.
Hai là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính ủy, chính trị viên, người chỉ huy, cơ quan chính trị, cán bộ chính trị đối với công tác dân vận. Cấp ủy các cấp xây dựng nghị quyết lãnh đạo phù hợp, sát với đặc điểm tình hình nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị, phân công rõ trách nhiệm cấp ủy viên phụ trách công tác dân vận; coi trọng sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm, biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân có thành tích. Chỉ huy các cấp xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện khoa học, cụ thể, có tính khả thi cao; điều hành thực hiện linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả. Cơ quan chính trị và cán bộ chính trị các cấp tham mưu giúp lãnh đạo, chỉ huy chỉ đạo, hướng dẫn, xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện công tác dân vận với thực hiện nhiệm vụ chính trị của đơn vị, địa phương, xây dựng tổ chức đảng trong sạch vững mạnh tiêu biểu, cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu” và các tổ chức quần chúng vững mạnh xuất sắc. Tăng cường quản lý, giáo dục, rèn luyện cán bộ, đảng viên, chiến sĩ chấp hành nghiêm pháp luật của Nhà nước, kỷ luật của quân đội khi quan hệ với nhân dân; bảo đảm mọi lời nói, hành động của cán bộ, chiến sĩ luôn được dân tin, dân yêu, dân hưởng ứng làm theo.
Ba là, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan Trung ương, cấp ủy, chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị-xã hội và các lực lượng trên địa bàn thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua, cuộc vận động do Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng phát động, gắn với Phong trào Thi đua Quyết thắng, Phong trào thi đua “Dân vận khéo”, xây dựng “Đơn vị dân vận tốt”… Tiếp tục nghiên cứu, tham mưu, đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác phối hợp hoạt động và huy động các lực lượng tham gia, tăng nguồn lực cho công tác dân vận. Vận động nhân dân tham gia đấu tranh bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới, biển, đảo; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội… Tham gia các kế hoạch, quy hoạch, dự án, các chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, giảm nghèo bền vững gắn với tăng cường quốc phòng, an ninh; xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn thế trận an ninh nhân dân, “thế trận lòng dân” vững chắc. Chủ động lực lượng, phương tiện sẵn sàng ứng phó với các sự cố thiên tai, thảm họa, dịch bệnh, môi trường với tinh thần “ở đâu gian khó, hiểm nguy, ở đó có bộ đội”, “bộ đội chủ động đến với dân, chứ không chờ dân khó khăn phải tìm đến bộ đội”.
Bốn là, tham mưu, chỉ đạo, hướng dẫn đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp tiến hành công tác dân vận phù hợp với từng địa bàn, loại hình đơn vị. Các đơn vị cần củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của Tổ công tác dân vận, hành quân dã ngoại làm công tác dân vận, tăng cường cán bộ cho cơ sở ở các xã biên giới, phân công đảng viên phụ trách thôn, bản; phát huy vai trò của dân quân tự vệ, lực lượng tham gia tổ, đội công tác liên ngành, nhất là các đồng chí tham gia cấp ủy, chính quyền và Hội đồng nhân dân các cấp; chủ động tham mưu, đề xuất, hướng mọi hoạt động, công tác dân vận về cơ sở. Thường xuyên nắm chắc tình hình địa bàn, phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương và các lực lượng trong tuyên truyền, vận động nhân dân, tham gia giải quyết những vấn đề nảy sinh, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tôn giáo, vùng sâu, vùng xa, biên giới, biển, đảo… Chú trọng làm tốt công tác sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm, nhân rộng mô hình hoạt động sáng tạo, hiệu quả, các điển hình tiên tiến, gương “người tốt, việc tốt”.
Năm là, tiếp tục củng cố, kiện toàn hệ thống cơ quan dân vận, cán bộ dân vận đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Thường xuyên giáo dục, bồi dưỡng phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, phương pháp, tác phong công tác khoa học, sâu sát, gần gũi quần chúng, bám cơ sở; có kiến thức toàn diện về chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội, pháp luật, kỹ năng công tác quần chúng; có lòng say mê, nhiệt huyết, trách nhiệm với công việc cho cán bộ, chiến sĩ làm công tác dân vận; không để “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ thời kỳ mới”. Xây dựng và thực hiện phong cách “trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”, “nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”; khắc phục mọi biểu hiện vô cảm, thiếu trách nhiệm với nhân dân.
Tiến hành công tác dân vận của Đảng trong quân đội khắc ghi và thực hiện lời dạy của Bác Hồ là nhiệm vụ chính trị thường xuyên của cấp ủy, chi bộ, chính ủy, chính trị viên (bí thư), người chỉ huy các cấp, các cơ quan, đơn vị và mọi quân nhân, công nhân, viên chức quốc phòng, người lao động trong quân đội. Thực hiện tốt công tác dân vận là thể hiện bản chất tốt đẹp, truyền thống vẻ vang, củng cố sức mạnh quân đội, tạo sự đoàn kết, thống nhất, quân với dân một ý chí. Cục Dân vận và ngành Dân vận toàn quân cần phát huy truyền thống “Trung thành, sáng tạo, nhân nghĩa, đoàn kết, hiệp đồng, hy sinh, chiến thắng”, tiếp tục khẳng định và phát huy tinh thần đoàn kết, gương mẫu, đổi mới, phấn đấu cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân vượt qua khó khăn, thử thách, đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế; thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Đại hội Đảng bộ Quân đội lần thứ XI; thực hiện tốt chức năng “đội quân chiến đấu, đội quân công tác, đội quân lao động sản xuất” của quân đội, góp phần hoàn thành thắng lợi công cuộc đổi mới đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Ý kiến ()