Khắc ghi lời dạy của Bác Hồ về công tác cán bộ
–Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến vai trò chủ thể của con người trong mọi hoạt động, trong đó có đội ngũ cán bộ và công tác cán bộ của Đảng. Người khẳng định: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc; muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”.
Lãnh đạo Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ trao bằng tốt nghiệp cho học viên lớp Trung cấp lý luận chính trị hệ không tập trung A01 – 23
Thời gian qua, các cấp ủy đảng trên địa bàn tỉnh đã vận dụng sáng tạo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong công tác cán bộ và đạt được nhiều kết quả tích cực; công tác cán bộ được thực hiện đồng bộ và có nhiều đổi mới, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng. Trên cơ sở các quy định của Trung ương và yêu cầu thực tiễn của tỉnh, Ban Thường vụ (BTV) Tỉnh ủy đã lãnh đạo, chỉ đạo ban hành các văn bản, quy định của tỉnh về công tác cán bộ để bảo đảm hệ thống các văn bản, quy định của tỉnh ngày càng đầy đủ, chặt chẽ, đồng bộ, tạo tiền đề, cơ sở pháp lý để xây dựng đội ngũ cán bộ, trong đó có cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.
Cụ thể hóa các chỉ đạo của Trung ương
Theo đó, BTV Tỉnh ủy, Ban Chấp hành (BCH) Đảng bộ tỉnh đã ban hành một số văn bản liên quan đến công tác cán bộ như: Quyết định số 456, ngày 2/11/2016 về ban hành Đề án “Quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp tỉnh Lạng Sơn đến năm 2025 và những năm tiếp theo”; Đề án số 03, ngày 27/8/2021 về “Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đánh giá cán bộ, công chức, viên chức tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2021 – 2025”; Kế hoạch số 44, ngày 15/1/2022 về thực hiện Kết luận số 21, ngày 25/10/2021 của BCH Trung ương Đảng khoá XIII về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”; Đề án 08, ngày 4/7/2023 về xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhất là người đứng đầu đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030…
Nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, hành động của đội ngũ cán bộ, BTV Tỉnh ủy quan tâm lãnh đạo triển khai nghiêm túc các chuyên đề học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh hằng năm và toàn khóa. Năm 2023, Tỉnh ủy đã xây dựng chuyên đề riêng với nội dung “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về xây dựng văn hóa, con người đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững quê hương, đất nước”. Để chuyên đề đi sâu vào thực tiễn, BTV Tỉnh ủy tổ chức hội nghị học tập, quán triệt bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến từ điểm cầu của tỉnh tới điểm cầu cấp cơ sở với 404 điểm cầu, trên 24.200 đại biểu tham dự; đồng thời Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy biên soạn nội dung chuyên đề và cấp phát cho cơ sở trên 5,5 nghìn cuốn tài liệu. Các cơ quan, đơn vị đã linh hoạt tổ chức quán triệt, triển khai phù hợp với tình hình thực tế.
Thực hiện các quy định về trách nhiệm nêu gương, các cấp ủy đảng trong tỉnh đã quán triệt, triển khai nghiêm túc đến cán bộ, đảng viên. Quy định số 1877-QĐ/TU của BCH Đảng bộ tỉnh ngày 5/7/2019 về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Uỷ viên BTV Tỉnh uỷ, Uỷ viên BCH Đảng bộ tỉnh. Trong đó tập trung vào các nội dung: tư tưởng chính trị; đạo đức, lối sống, tác phong; trách nhiệm công tác; ý thức tổ chức kỷ luật; tự phê bình, phê bình; thực hành tiết kiệm, phòng, chống tham nhũng, lãng phí; quan hệ với Nhân dân; đoàn kết nội bộ…
Việc chủ động, kịp thời triển khai, cụ thể hóa các nghị quyết, kết luận, quy định của Trung ương trong công tác cán bộ của BCH, BTV Tỉnh ủy đã giúp các cấp ủy, tổ chức Đảng trong tỉnh thực hiện tốt các khâu trong công tác cán bộ. Từ quy hoạch đến đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện, luân chuyển, bổ nhiệm, bố trí, sử dụng cán bộ được thực hiện chặt chẽ, linh hoạt, sáng tạo.
Triển khai đồng bộ
Những năm qua, Đảng bộ tỉnh đã lãnh đạo triển khai đồng bộ, hiệu quả, sáng tạo nhiều giải pháp đối với công tác cán bộ, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ vừa hồng vừa chuyên.
Xác định công tác đánh giá cán bộ là khâu quan trọng, khâu tiền đề liên quan toàn bộ đến công tác cán bộ, thời gian qua các cấp ủy đảng, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị đều thực hiện đánh giá cán bộ đảm bảo công khai, dân chủ, khách quan. BTV Tỉnh ủy đã ban hành Đề án số 03, ngày 27/8/2021 về đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đánh giá cán bộ, công chức, viên chức tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2021 – 2025 với mục tiêu thực hiện đồng bộ các giải pháp khắc phục hạn chế, yếu kém trong công tác đánh giá cán bộ, nâng cao nhận thức của các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị, nhất là người đứng đầu về tầm quan trọng của công tác đánh giá cán bộ; thực hiện đánh giá cán bộ thường xuyên, liên tục, nhiều chiều, xuyên suốt, chủ yếu dựa trên mức độ hoàn thành công việc, bằng sản phẩm cụ thể, có thể định lượng được; đánh giá cán bộ dựa trên tiêu chí cụ thể của từng chức danh cán bộ, gắn với vị trí việc làm của từng cán bộ…
Qua đánh giá, phần lớn cán bộ giữ vững phẩm chất, đạo đức, có tinh thần trách nhiệm, hoàn thành nhiệm vụ được phân công. Theo thống kê của Ban Tổ chức Tỉnh ủy, tỷ lệ đảng viên là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên hằng năm tính từ đầu nhiệm kỳ 2020 – 2025 đến nay đạt 97,45%, vượt 2,45% so với chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII nhiệm kỳ 2020 – 2025 đã đề ra.
Việc đào tạo, rèn luyện, bồi dưỡng cán bộ được xem là nhiệm vụ quan trọng để xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Những năm qua, trong các đề án, quy định, kế hoạch về công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị, công tác cán bộ, tỉnh luôn quan tâm đào tạo, rèn luyện, bồi dưỡng cán bộ. Các cấp ủy đảng căn cứ tình hình thực tế để tổ chức triển khai công tác đào tạo, bồi dưỡng phù hợp với thực tiễn.
Từ năm 2013 đến nay, việc thực hiện chỉ tiêu đào tạo, bồi dưỡng của các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc đều đạt và vượt chỉ tiêu; toàn tỉnh có trên 308 nghìn lượt cán bộ, công chức, viên chức, cấp ủy viên cơ sở, người hoạt động không chuyên trách… được đào tạo, bồi dưỡng.
Nhằm tạo môi trường để cán bộ được rèn luyện, BTV Tỉnh ủy chú trọng luân chuyển cán bộ theo quy định của Trung ương, đồng thời cụ thể hóa phù hợp với điều kiện của tỉnh. Trên cơ sở văn bản, hướng dẫn của cấp trên, các huyện, thành phố đã chủ động xây dựng kế hoạch và thực hiện công tác luân chuyển cán bộ. Trong đó một số đơn vị luân chuyển được nhiều lượt cán bộ gồm: thành phố Lạng Sơn, các huyện Văn Lãng, Lộc Bình, Cao Lộc…
Từ vị trí Chánh Văn phòng HĐND – UBND huyện Đình Lập, anh Hoàng Văn Vương được luân chuyển về giữ chức vụ Bí thư Đảng ủy xã Châu Sơn từ ngày 1/10/2022. Anh Vương cho biết: Khi về xã, tôi rà soát lại quy chế làm việc, kiện toàn lại đội ngũ cán bộ xã với các chức danh, phân công nhiệm vụ rõ ràng. Đồng thời, tôi cũng dành thời gian dự sinh hoạt tại các chi bộ, nhất là chi bộ thôn để có hướng điều chỉnh thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm có hiệu quả trong năm và trong nhiệm kỳ.
Theo đánh giá của cấp trên, thời gian qua, đội ngũ cán bộ xã Châu Sơn có nhiều chuyến biến trong thực thi nhiệm vụ, Đảng ủy xã đã lãnh đạo thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm.
Được biết, từ năm 2013 đến nay, toàn tỉnh đã có 160 lượt cán bộ được luân chuyển. Theo đánh giá, công tác luân chuyển đã đổi mới phong cách, môi trường làm việc, tạo động lực về tinh thần, trách nhiệm, ý thức phấn đấu vươn lên của cán bộ, nhiều đồng chí đã trưởng thành, tích lũy được nhiều kinh nghiệm trong quá trình làm việc.
Đồng chí Trịnh Tiến Duy, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tổ chức Tỉnh ủy cho biết: Trên cơ sở kết quả đạt được, Ban Tổ chức Tỉnh ủy đã tham mưu cho BTV Tỉnh ủy ban hành Kế hoạch số 92-KH/TU ngày 13/1/2023 về luân chuyển cán bộ đến năm 2025. Trong đó xác định rõ nhu cầu, đối tượng, chức danh, hình thức, số lượng luân chuyển cán bộ diện BTV Tỉnh uỷ quản lý đến năm 2025, xác định phấn đấu đến năm 2025 sẽ luân chuyển 25 cán bộ diện BTV Tỉnh uỷ quản lý với các hình thức khác nhau; dự kiến phương án bố trí cán bộ sau luân chuyển… Đồng thời, yêu cầu các cấp uỷ, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị căn cứ Kế hoạch 92 để xây dựng và triển khai kế hoạch luân chuyển cán bộ thuộc thẩm quyền theo phân cấp quản lý cán bộ để bảo đảm công tác luân chuyển cán bộ được thực hiện đồng bộ, thống nhất trong cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở.
Xuất phát từ thực tế tình hình đội ngũ cán bộ của một tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn, hạn chế và từ yêu cầu nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ tỉnh, thời gian qua, Tỉnh ủy đặc biệt chú trọng phát triển đội ngũ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ là người dân tộc thiểu số nhằm từng bước xây dựng đội ngũ cán bộ đủ về số lượng, bảo đảm chất lượng, có cơ cấu hợp lý, ngang tầm nhiệm vụ. BTV Tỉnh ủy và cấp ủy, cơ quan, đơn vị đã mạnh dạn bổ nhiệm cán bộ trẻ tuổi giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý các cấp. Hiện cán bộ lãnh đạo sở, ban, ngành tỉnh có 158 người, trong đó: cán bộ nữ chiếm 27,2%; dân tộc thiểu số chiếm 57,6%; cán bộ trẻ (dưới 40 tuổi) chiếm 5,7%. Cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp phòng thuộc sở, ban, ngành và tương đương là 629 người, trong đó: cán bộ nữ chiếm 45,5%; cán bộ dân tộc thiểu số chiếm 61,8%; cán bộ trẻ chiếm 34,6%.
Những kết quả trong công tác cán bộ thời gian qua đã khẳng định quyết tâm cao của Ban Chấp hành Đảng bộ, BTV Tỉnh ủy, các cấp ủy, tổ chức Đảng trong thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác cán bộ. Từ đó góp phần quan trọng để thúc đẩy sự phát triển nhanh và bền vững của tỉnh.
XUÂN HƯƠNG - THANH MAI
Ý kiến ()