Khả năng xuất hiện dịch cúm trên gia cầm ở Hà Nội là rất lớn
Hiện nay, tình hình thẩm lậu gia cầm từ Trung Quốc vào Việt Nam vẫn diễn biến phức tạp, nên nguy cơ dịch cúm A/H7N9, A/H10N8 xâm nhập vào Hà Nội là không loại trừ và có thể có khả năng vi rút biến chủng lây từ người sang người và bùng phát dịch.
Đó là cảnh báo của ông Nguyễn Huy Đăng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Hà Nội với báo chí chiều 11/3.
Đến thời điểm này, Việt Nam chưa ghi nhận ca mắc cúm A/H7N9, cúm A/H10N8. Tuy nhiên, ông Đăng cũng lưu ý, Hà Nội là đầu mối giao lưu của khách du lịch trong và ngoài nước, hằng ngày có từ 7.000 – 8.000 khách du lịch nhập cảnh qua cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài, trong đó có khoảng 1.500 khách đến từ các vùng có dịch cúm A/H7N9.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cũng cho biết, để ngăn chặn dịch cúm,vừa qua, các Bộ ngành liên quan đã tổ chức Hội nghị 7 tỉnh biên giới ở Lạng Sơn. Qua đó, các xã, phường của các tỉnh biên giới phải giải quyết quyết liệt các vi phạm. Mặt khác, gia cầm ở Hà Nội đang giảm xuống khoảng 30 – 40%, những hộ buôn bán gà biên giới cũng nghỉ bán vì họ cho rằng đi buôn không có lãi…
Tuy nhiên, dịch cúm gia cầm ở Việt Nam đang có nhiều diễn biến phức tạp, đến nay có 22 tỉnh/thành phố trên cả nước ghi nhận có ổ dịch, trong đó có các tỉnh phía bắc như: Bắc Ninh, Phú Thọ, Nam Định, Hà Giang. Do đó, khả năng xuất hiện dịch cúm trên gia cầm ở Hà Nội là rất lớn và có thể xuất hiện trường hợp cúm A/H5N1 trên người.
Để quyết liệt ngăn chặn dịch cúm trong thời gian tới, ông Đăng cho biết, ngành NN&PTNT cùng các ngành chức năng của Thành phố tập trung thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 2088/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch 45/KH-UBND ngày 27/2/2014 của UBND Thành phố về hành động ứng phó khẩn cấp với các chủng virut cúm gia cầm nguy hiểm có khả năng lây sang người; tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về dịch cúm gia cầm, đặc biệt là dịch cúm A/H7N9 để nâng cao nhận thức cộng đồng, không lơ là, chủ quan cũng như không hoang mang, làm ảnh hưởng đến sản xuất và tiêu dùng các sản phẩm gia cầm; làm tốt công tác vệ sinh, tiêu độc, khử trùng và triển khai tiêm vắc xin cúm gia cầm đợt 1/2014 đạt trên 90%; thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến của dịch, chuẩn bị đầy đủ vật tư, trang thiết bị y tế, giám sát dịch tại gốc và xử lý kịp thời các ổ dịch phát sinh…
Theo CPV
Ý kiến ()