Kêu gọi thế giới tăng tốc ứng phó biến đổi khí hậu
Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) tiếp tục cảnh báo, cuộc khủng hoảng khí hậu là rủi ro lớn nhất mà nhân loại phải đối mặt trong dài hạn. Theo các chuyên gia, các mục tiêu về ứng phó biến đổi khí hậu có thể không được hoàn thành đúng hạn, nếu các nước không tăng tốc hành động và không dành đủ nguồn lực cũng như quyết tâm trong cuộc chiến này.
Theo Báo cáo rủi ro toàn cầu năm 2022 của WEF, thời tiết cực đoan là rủi ro lớn nhất trên toàn cầu trong ngắn hạn, tiếp theo là cuộc khủng hoảng sinh kế do dịch Covid-19 và những rủi ro do không hành động về khí hậu. Trong trung hạn, WEF đưa rủi ro do không hành động về khí hậu lên vị trí đầu, tiếp đó là thời tiết cực đoan và tình trạng suy yếu gắn kết xã hội. Về dài hạn, ngoài rủi ro về khí hậu, WEF cũng nêu bật mối đe dọa về đa dạng sinh học. Tập đoàn bảo hiểm Zurich cũng nhận định, cuộc khủng hoảng khí hậu là mối đe dọa lớn nhất trong dài hạn đối với thế giới và việc thất bại trong hành động về khí hậu có thể khiến GDP toàn cầu giảm tới 16,7%.
Thảm họa tự nhiên nghiêm trọng do biến đổi khí hậu vẫn xảy ra khắp nơi trên thế giới, gây nguy hại sinh kế và cuộc sống của hàng triệu người. Các chuyên gia cho rằng, đợt sóng thần do núi lửa phun trào ở Tonga hôm 15/1 cho thấy biến đổi khí hậu đang đe dọa sự tồn vong của đảo quốc Nam Thái Bình Dương. Núi lửa phun trào, kéo theo những đợt sóng biển cao tới 15 m xóa sổ hầu hết nhà cửa trên nhiều đảo nhỏ của Tonga, trong khi tro bụi bao phủ gần như toàn bộ hòn đảo chính của quốc đảo. Người dân các đảo quốc Thái Bình Dương được dự báo sẽ trở thành những cộng đồng tị nạn đầu tiên do biến đổi khí hậu toàn cầu.
Các nhà khoa học Chile cho biết, hiện tượng “thủy triều đỏ” do tảo nở hoa làm nước biển chuyển sang mầu đỏ, được ghi nhận lần đầu ở vùng Magallanes cách đây nửa thế kỷ, đã khiến hơn 200 người bị ngộ độc, trong đó 23 người chết. Kết quả nghiên cứu cho thấy, khu vực này đang bị ảnh hưởng bởi hiện tượng băng tan từ hệ quả của sự ấm lên toàn cầu. Các nhà khoa học nhấn mạnh rằng, kế hoạch giảm thiểu và thích ứng biến đổi khí hậu của khu vực đã trở nên lạc hậu so với sự biến đổi nhanh chóng của môi trường.
Nhiều chuyên gia cũng lên tiếng cảnh báo, thế giới hành động chưa đủ để biến quyết tâm ứng phó biến đổi khí hậu thành những hành động thiết thực. Chủ tịch Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) Alok Sharma (A.Sác-ma) quan ngại rằng, các nước đang chật vật tìm cách thực hiện những cam kết đưa ra tại Hội nghị COP26. Ông Sharma chỉ ra rằng, ngay cả Mỹ, nền kinh tế số 1 thế giới cũng gặp khó khăn khi nỗ lực tìm nguồn tài chính hàng tỷ USD cần thiết để thực hiện cam kết khí hậu.
Theo hãng nghiên cứu các vấn đề toàn cầu Rhodium Group, lượng khí thải nhà kính của nước Mỹ đã giảm khoảng 10% vào năm 2020, tỷ lệ giảm kỷ lục trong nhiều thập niên; tuy nhiên lại tăng tới 6,2% trong năm 2021 trong bối cảnh nền kinh tế nước này phục hồi trở lại sau đại dịch và các nhà máy than hoạt động trở lại. Mỹ không phải quốc gia duy nhất có mức tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch tăng vọt vào năm 2021, khi lượng khí thải nhà kính trên toàn cầu năm 2021 tăng tới 4,9%, và mức tăng rõ rệt có thể thấy ở cả Trung Quốc, Ấn Độ và châu Âu…
Hội nghị cấp cao COP27 dự kiến được tổ chức tại Ai Cập vào tháng 11/2022. Ai Cập đặt mục tiêu huy động nguồn tài chính cho lĩnh vực khí hậu để hỗ trợ các quốc gia đang phát triển, cũng như chuyển giao công nghệ năng lượng sạch cho các nước thuộc nhóm chịu tác động nặng nề nhất do biến đổi khí hậu. Việc điều chỉnh chính sách không đồng đều, tình trạng bất bình đẳng trong tiếp cận tài chính được xem là mối quan ngại lớn nhất cản trở nỗ lực đạt các mục tiêu về khí hậu.
Ý kiến ()