Kêu gọi tẩy chay doanh nghiệp vận tải giá cước cao
Chiều 13-11, Bộ GTVT đã tổ chức tọa đàm Giá cước vận tải và Giải pháp giảm giá cước vận tải. Sức ép từ người dân, từ cơ quan quản lý đang buộc các doanh nghiệp vận tải phải tính toán lại giá cước hợp lý. Tuy nhiên, “nhân vật chính” là các doanh nghiệp vận tải đường bộ lại "lánh mặt".
Doanh nghiệp lừng khừng với giảm giá cước
Theo thống kê, từ đầu năm đến nay giá nhiên liệu đã giảm nhiều lần, xăng giảm 12,1%, dầu giảm 16% nhưng giá cước vận tải gần như “án binh bất động”. Tổng chi phí vận tải ở Việt Nam chiếm 11,8% GDP, cao hơn nhiều so với các nước như Mỹ, Nhật Bản, Singapore. Theo ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Uỷ ban An toàn giao thông quốc gia, cuộc tọa đàm nhằm tìm ra câu trả lời tại sao giá xăng giảm 9 lần mà cước vận tải gần như không đổi. Bộ GTVT đã mời rất nhiều doanh nghiệp vận tải đường bộ nhưng không thấy doanh nghiệp nào đến tham dự. Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam (VATA) cũng thắc mắc: “Tôi cũng chưa rõ doanh nghiệp vận tải nhận được lời mời không dám đến hay không muốn đến”. Nhưng dù lý do gì đi nữa, các DN đã cố tình “lánh mặt” đến vấn đề ảnh hưởng đến “manh áo, bát cơm” của mình.
Theo Vụ Vận tải (Bộ GTVT) chi phí vận tải hàng không thực hiện theo khung giá tối đa do Nhà nước quy định, vận tải đường sắt, đường thủy và đường bộ thực hiện theo cơ chế thị trường. Tuy nhiên, giá cước vận tải đường thủy đang ở mức hết sức thấp, vận tải đường sắt tương đối rẻ đối với hàng hóa, còn trong vận tải đường bộ chi phí nguyên liệu hiện đang chiếm khoảng 35 – 50% giá cước.
Tính toán của một nhóm chuyên gia độc lập về GTVT cho thấy, mức giảm của giá nguyên liệu từ tháng 1 đến tháng 9-2014 trung bình 1,1%/tháng đối với xăng và 1,5%/tháng đối với giá dầu. Với tỷ lệ này, giá cước vận tải có thể xem xét giảm từ 5 – 8%.
Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch VATA đồng tình với quan điểm doanh nghiệp phải giảm giá khi giá nhiên liệu giảm: “Chúng tôi kêu gọi người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ vận tải tẩy chay những đơn vị vận tải vẫn tính giá cao”. Tuy nhiên, ông Thanh cho rằng không thể muốn điều chỉnh giá cước tăng giảm theo đúng chu kỳ thay đổi của giá xăng dầu được mà phải có độ trễ. Còn độ trễ bao lâu thì không ai trả lời được! Đồng thời, ông cũng khẳng định không có chuyện “bắt tay” giữa VATA với các DN để ghìm giá cước.
Cần tạo sức ép buộc doanh nghiệp phải tính toán giảm cước
Giá cước vận tải hiện nay được thực hiện theo cơ chế thị trường, do doanh nghiệp tự quyết định. Theo quy định của cơ quan chức năng, doanh nghiệp sẽ tự kê khai giá cước sau đó gửi biểu mẫu kê khai đến Sở Tài chính, Sở GTVT, cơ quan thuế. Không cần sự đồng ý của các cơ quan này, doanh nghiệp cũng có thể thực hiện việc in vé, thay đổi giá cước. Cơ quan quản lý chỉ yêu cầu rà soát lại nếu việc kê khai tăng cước là bất hợp lý.
Để khắc phục bất cập này, Bộ GTVT đang đề nghị các địa phương giao Sở Tài chính chủ trì phối hợp Sở GTVT thực hiện rà soát kê khai giá cước vận tải bằng xe ô-tô để có giải pháp yêu cầu điều chỉnh phù hợp. Trong đó, chú trọng yêu cầu kê khai và tính toán giá cước vận tải phù hợp với việc điều chỉnh của giá nhiên liệu đầu vào để giảm giá cước vận tải.
Hiện nay, chỉ đến khi dư luận gây sức ép về việc phải giảm giá cước vận tải phù hợp với giá nhiên liệu giảm, các đơn vị kinh doanh vận tải bằng xe ô-tô mới rục rịch tính toán giảm giá. Bà Phan Thị Thu Hiền, Phó vụ trưởng Vận tải cho biết: “Chỉ đến sau ngày 7-11 vừa qua, khi giá xăng đã giảm rất sâu một số doanh nghiệp vận tải mới rục rịch tính toán giảm giá. Việc triển khai giảm giá cước vận tải ở các doanh nghiệp chưa đồng đều, chưa giảm sâu để ảnh hưởng đến các loại hàng hóa dịch vụ khác”.
Bà Hiền nêu ví dụ như một số hãng ta-xi đã điều chỉnh giảm giá cước từ 300 – 2.000 đồng/km tùy theo từng địa phương, Sở GTVT Hà Nội, Hiệp hội vận tải hàng hóa TP Hồ Chí Minh cũng thông tin một số doanh nghiệp đã tiến hành giảm giá nhưng chưa nhiều. Tại Thanh Hóa, sau khi Sở GTVT có văn bản gửi các doanh nghiệp yêu cầu tính toán điều chỉnh giá cước hợp lý đã có 4/11 hãng ta-xi kê khai giảm giá.
Hiện Bộ GTVT đã có công văn gửi các UBND tỉnh, TP trực thuộc T.Ư đề nghị thành lập đoàn thanh tra liên ngành ngay trong tháng 11 để tổ chức kiểm tra, rà soát một số đơn vị kinh doanh vận tải lớn trên địa bàn. Đồng thời, yêu cầu các đơn vị phải kê khai và thực hiện giá cước phù hợp với giá điều chỉnh giảm nhiên liệu nhằm chấn chỉnh công tác quản lý giá cước vận tải bằng xe ô-tô.
Đại diện Bộ Tài chính cho biết, để quản lý giá cước vận tải chặt chẽ, linh hoạt, đảm bảo quyền lợi của các bên liên quan, liên bộ Tài chính – GTVT vừa có Thông tư số 152/2014 hướng dẫn thực hiện giá cước vận tải bằng ô-tô và giá dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ, sẽ có hiệu lực thi hành từ 1-12 tới đây. Theo đó, để thuận lợi cho các doanh nghiệp trong việc kê khai, điều chỉnh giá cước vận tải, danh mục kê khai giá cước sẽ rút gọn từ 6 dịch vụ xuống còn 3 dịch vụ, thời gian kê khai từ 7-10 ngày rút xuống chỉ còn 5 ngày.
Đặc biệt, Thông tư này cho phép, nếu mức tăng, giảm dưới 3% thì doanh nghiệp không cần kê khai, để tiết kiệm thời gian, chi phí, doanh nghiệp có thể gửi công văn, gửi mail đến cơ quan quản lý. Nếu như trước đây doanh nghiệp phải gửi kê khai cho 3 đơn vị là Sở Tài chính, Sở GTVT, Cục Thuế thì nay chỉ gửi cho 1 đơn vị, do UBND các tỉnh phân công cụ thể.
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()