Kết thúc phiên chất vấn và trả lời chất vấn
Ngày 10-11, kỳ họp thứ 10 Quốc hội (QH) khóa XIV tiếp tục chương trình làm việc, trong đó, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đăng đàn trả lời chất vấn của các đại biểu QH.
Tăng cường hiệu quả quản lý Nhà nước trên các lĩnh vực
Trong phiên làm việc sáng hôm qua, trước khi trực tiếp trả lời chất vấn của các đại biểu QH, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có phát biểu về tình hình phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Thủ tướng nêu rõ: Với những thành tựu đạt được trong những năm gần đây, Việt Nam ngày càng có tiếng nói, trách nhiệm lớn hơn trong những vấn đề khu vực và toàn cầu. Chúng ta đã hoàn thành tốt trọng trách và các cam kết tại các diễn đàn, tổ chức khu vực và quốc tế như vai trò chủ nhà APEC 2017, Chủ tịch ASEAN 2020, Chủ tịch Hội đồng liên nghị viện các quốc gia Ðông – Nam Á (AIPA 41), Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, tổ chức tốt Hội nghị cấp cao Hoa Kỳ – Triều Tiên… Những kết quả này là thành tựu chung của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và toàn thể nhân dân dưới sự lãnh đạo toàn diện của Ðảng. Nhân kỳ họp này, Thủ tướng thay mặt Chính phủ, trân trọng gửi lời cảm ơn Quốc hội đã ủng hộ, chia sẻ và đồng hành cùng Chính phủ suốt gần 5 năm qua. (Toàn văn bài phát biểu đăng trên số báo hôm nay).
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã trực tiếp trả lời chất vấn, làm rõ một số vấn đề mà các đại biểu QH nêu. Liên quan công tác phát triển bền vững vùng đồng bằng sông Cửu Long, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 120 về phát triển bền vững khu vực này theo hướng thích ứng với biến đổi khí hậu. Nhờ những ứng biến kịp thời, cho nên năm nay vùng đồng bằng sông Cửu Long chỉ thiệt hại hơn 7% so với năm 2016, mặc dù tình trạng xâm nhập mặn tại đây ngày càng nghiêm trọng, diễn biến khó lường. Cùng với các biện pháp ứng phó đã và đang được triển khai, tới đây đồng bằng sông Cửu Long sẽ được bố trí khoảng 22 nghìn tỷ đồng để tiếp tục đầu tư vào giao thông vận tải nội vùng, liên vùng.
Bày tỏ sự quan tâm đặc biệt về bài toán cân đối ngân sách thu chi dự kiến năm 2021 mà một số đại biểu QH nêu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu bốn giải pháp cơ bản: đẩy mạnh sản xuất kinh doanh ở mọi cấp, ngành và địa phương; tăng cường giải ngân vốn đầu tư công, nhất là đối với các công trình đã báo cáo QH như sân bay Long Thành, đường sắt Cát Linh – Hà Ðông; tăng cường quản lý thuế; tiết kiệm chi ngân sách, giảm các cuộc họp, chuyến công tác nước ngoài không thật sự cần thiết. Trong trường hợp cần thiết, Chính phủ sẽ báo cáo QH xem xét nới lỏng tài khóa trên cơ sở bảo đảm ổn định nền kinh tế vĩ mô. Ðối với việc thực hiện mục tiêu kép trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, Thủ tướng khẳng định tầm quan trọng của công tác phòng, chống dịch gắn với giữ ổn định kinh tế – xã hội, giải quyết việc làm, đạt mức tăng trưởng cần thiết. Cụ thể, giữ vững đà sản xuất nông nghiệp song song với phát triển công nghiệp, dịch vụ kết hợp du lịch, kinh tế số; thay đổi phương thức làm việc trong một số lĩnh vực; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, tự động hóa, chuẩn bị sẵn sàng cho một nền kinh tế “không tiếp xúc”…
Ðiểm lại những thành công của đất nước trên trường quốc tế thời gian qua, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát dữ dội ở phạm vi toàn cầu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Niềm tin về một đất nước độc lập, khát vọng, tự cường, sánh vai với các cường quốc năm châu như Chủ tịch Hồ Chí Minh hằng mong ước đã được khơi dậy rõ nét trong người dân Việt Nam. Tuy nhiên, trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến còn phức tạp, nhiều quốc gia trên thế giới phải tái áp dụng lệnh phong tỏa, chúng ta càng phải đề cao ý thức cộng đồng, nâng cao năng lực cách ly, điều trị, sản xuất sinh phẩm, vắc-xin, phục hồi các hoạt động kinh tế – xã hội. Chính phủ cũng đã và đang tích cực chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương nhanh chóng hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả thiên tai, đồng thời đánh giá nghiêm túc các nguyên nhân chủ quan cũng như khách quan của bão lũ thời gian qua, tập trung các giải pháp khắc phục hạn chế đối với hồ thủy lợi, thủy điện nhỏ, đẩy mạnh trồng rừng, xử nghiêm các vụ phá rừng, trang bị thêm phương tiện, thiết bị ứng phó thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, tăng cường năng lực dự báo, ban hành chiến lược ứng phó thiên tai…
Trong sáng hôm qua, các thành viên Chính phủ đã tiếp tục trả lời chất vấn của các đại biểu QH. Trong đó, trả lời câu hỏi của đại biểu Ðỗ Ngọc Thịnh (Khánh Hòa) về hiện tượng thẩm phán xin ý kiến lãnh đạo tòa án dẫn đến những chỉ đạo hành chính không phù hợp về các quan hệ tố tụng, Chánh án Tòa án nhân dân (TAND) tối cao Nguyễn Hòa Bình khẳng định, tòa án cấp trên luôn tôn trọng công tác của tòa án cấp dưới, do đó không tồn tại việc chỉ đạo xét xử hay can thiệp từ tòa án cấp trên xuống các cấp dưới. Tuy nhiên, trong trường hợp tòa án địa phương gặp lúng túng trong công tác thực thi, áp dụng pháp luật, thì tòa án cấp trên sẽ có hướng dẫn về mặt nghiệp vụ chuyên môn theo hình thức tài liệu tham khảo, giải quyết những vấn đề còn nhận thức khác nhau về một nội dung pháp luật. Theo đó, việc chỉ đạo án không thể thực hiện được thông qua một văn bản hay công văn, mà buộc hai bên phải cùng nghiên cứu hồ sơ gốc.
Liên quan đến chất vấn của đại biểu Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương) và một số đại biểu khác về trách nhiệm liên quan đến thất thoát, lãng phí trong đấu thầu, đấu giá đất đai, Bộ trưởng Tài chính Ðinh Tiến Dũng thừa nhận thời gian qua có tồn tại tình trạng giao đất không qua đấu thầu, đấu giá, định giá đất không sát với giá thị trường và nhiều vấn đề chung quanh việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất, quy hoạch của các cơ sở do doanh nghiệp quản lý. Thậm chí, có địa phương bàn giao đất chưa “sạch” khiến nhà đầu tư phải ứng tiền ra đền bù, đến lúc kết thúc quá trình đền bù thì giá đất lại bị thay đổi quá nhiều dẫn đến chậm trễ do phải định giá lại. Trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường hoàn thiện cơ chế quản lý, trong đó đặc biệt chú ý các hạng mục về đấu thầu, đấu giá, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước…
Tại phiên chất vấn, các đại biểu Trương Thị Yến Linh (Cà Mau), Rơ Chăm Long (Kon Tum) đã bày tỏ lo ngại về những giải pháp đẩy nhanh tiến độ triển khai phát triển hạ tầng giao thông tại một số khu vực, vùng miền. Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể khẳng định: Ðến hết năm 2025, việc đồng bằng sông Cửu Long sẽ có ít nhất 300 km đường cao tốc là hoàn toàn khả thi bởi đây là dự án nằm trong mục tiêu thông tuyến cao tốc từ Lạng Sơn đến Cà Mau vào năm 2025 do Chính phủ đề ra. Hiện, Bộ Giao thông vận tải đã bố trí đủ nguồn vốn để triển khai các tuyến cao tốc, đồng thời xây dựng mạng lưới hạ tầng giao thông kết nối toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Phát biểu bế mạc phiên làm việc, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định: Sau 2,5 ngày làm việc nghiêm túc và trách nhiệm, trên tinh thần tiếp tục đổi mới, QH đã hoàn thành phiên họp chất vấn và trả lời chất vấn. Qua phiên chất vấn, cơ bản việc thực hiện các nghị quyết của QH đã được Chính phủ, TAND tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân (KSND) tối cao nghiêm túc, chủ động triển khai thực hiện với nhiều giải pháp, biện pháp đồng bộ, quyết liệt; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc thực hiện có hiệu quả các yêu cầu của QH, tạo chuyển biến, góp phần phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm an ninh, chính trị, trật tự, an toàn xã hội, quốc phòng.
Thay mặt QH, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Chính phủ, TAND tối cao, Viện KSND tối cao, các bộ, ngành liên quan tiếp tục tổ chức thực hiện, hoàn thành các yêu cầu đã được QH đề ra và những giải pháp đã nêu tại phiên chất vấn.
Ðề xuất nhiều giải pháp vì sự phát triển của đất nước
Chiều 10-11, Quốc hội thảo luận tại tổ, góp ý vào dự thảo Văn kiện trình Ðại hội XIII của Ðảng với nhiều ý kiến tâm huyết. Các đại biểu tập trung góp ý vào các dự thảo Văn kiện trình Ðại hội XIII của Ðảng, gồm: Dự thảo Báo cáo chính trị; Dự thảo Báo cáo tổng kết thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm 2011-2020, xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm 2021-2030; Dự thảo Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2016 – 2020 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2021 – 2025; Dự thảo Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Ðảng và thi hành Ðiều lệ Ðảng nhiệm kỳ Ðại hội XII.
Quan tâm nhóm giải pháp liên quan công tác xây dựng Ðảng, hệ thống chính trị, các đại biểu cho rằng, Dự thảo Báo cáo chính trị cần xây dựng được cơ chế hiệu quả, từ đó bộ máy lãnh đạo, quản lý vừa tinh gọn, vừa sáng tạo và thật sự làm việc vì nhân dân. Hệ thống tổ chức của Ðảng đoàn kết, nhất trí, sáng tạo mới có thể tiếp tục đưa nền kinh tế tăng trưởng và bảo đảm tốt các vấn đề về an sinh xã hội. Có đại biểu nêu ý kiến: Hơn lúc nào hết, Ðảng cần có biện pháp nhằm giữ gìn và nâng cao hơn nữa niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Ðảng. Thời gian qua, Ðảng ta đã thẳng thắn chỉ ra sự suy thoái của một số cán bộ, đảng viên, mà suy thoái nguy hiểm nhất là suy thoái về phẩm chất chính trị. Những cán bộ, đảng viên này đã làm suy giảm lòng tin yêu của người dân với Ðảng. Do vậy việc củng cố niềm tin của nhân dân vào Ðảng là định hướng, là công việc rất quan trọng.
Góp ý vào Báo cáo kết quả phát triển kinh tế – xã hội 5 năm vừa qua, kế hoạch 5 năm tới cũng như Báo cáo chiến lược phát triển đến năm 2030, nhiều đại biểu cơ bản tán thành các chỉ tiêu cơ bản đề ra như: Ðến năm 2030, Việt Nam cơ bản thành nước công nghiệp phát triển, năm 2045 thành nước phát triển cao, thu nhập đầu người đạt mức 25.000 USD. Tuy nhiên, đại biểu Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa) bày tỏ sự băn khoăn. Vì cho rằng mục tiêu này là thiếu tính khả thi. Vì vậy, cùng với tập trung thúc đẩy kinh tế thì Việt Nam nên chú trọng hơn nữa việc vừa phát triển kinh tế vừa phát triển xã hội, bảo đảm an sinh, phúc lợi xã hội. Cần tập trung thể chế hóa quan điểm về bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội, tư duy mới về việc làm…
Góp ý vào dự thảo xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm 2021-2030, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) và một số đại biểu cho rằng, nội dung này đưa ra khá nhiều giải pháp đột phá về: thể chế kinh tế thị trường, nguồn nhân lực, khoa học công nghệ, văn hóa, kết cấu hạ tầng… Tuy nhiên, trong tất cả những mục tiêu, nội dung đột phá đó, cần xác định lĩnh vực nào được xem là trọng tâm, trọng điểm. Bởi nếu không có sự lựa chọn trọng điểm, mà dàn trải vào tất cả các lĩnh vực, thì có thể gây khó khăn trong phân bổ nguồn lực, nhân lực.
Ý kiến ()