Sáng qua 12-9, tại Hà Nội, Hội nghị toàn quốc về Hội đồng nhân dân (HĐND) và Ủy ban nhân dân (UBND) tiếp tục làm việc và bế mạc. Trong ngày làm việc thứ hai, đại diện thường trực HĐND và UBND các tỉnh, thành phố tiếp tục phát biểu ý kiến, tham luận về tổ chức và hoạt động của HĐND, UBND các cấp.
Qua hoạt động thực tiễn ở địa phương, nhiều ý kiến tập trung đánh giá kết quả thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND các cấp thông qua các kỳ họp của HĐND; việc quyết định những vấn đề quan trọng ở địa phương; về hoạt động giám sát, hoạt động tiếp xúc cử tri, tiếp công dân, tiếp nhận, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân. Nhiều ý kiến cũng đề cập, phân tích, đánh giá về cơ cấu, tổ chức HĐND, mối quan hệ công tác và các điều kiện bảo đảm hoạt động của HĐND. Đối với UBND, các ý kiến phát biểu, tham luận đã tập trung phân tích, đánh giá công tác chỉ đạo, điều hành của UBND theo Hiến pháp, Luật và Quy chế làm việc mẫu của UBND các cấp, về kết quả thực hiện các nhiệm vụ thẩm quyền của cơ quan này trên các lĩnh vực quản lý nhà nước ở địa phương. Việc thực hiện công tác cải cách hành chính, thực hiện phân cấp quản lý giữa các cấp chính quyền địa phương. Trên cơ sở đó các ý kiến phát biểu, tham luận đều nêu ra nguyên nhân của những mặt đã đạt được, những yếu kém, vướng mắc, tồn tại trong hoạt động của HĐND và UBND các cấp, kiến nghị nhiều giải pháp cụ thể nhằm góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND, UBND các cấp trong thời gian tới.
Phát biểu ý kiến kết thúc Hội nghị, Chủ tịch Quốc hội (QH) Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: Kể từ năm 1998 đến nay, chúng ta đã tổ chức bốn lần Hội nghị toàn quốc về tổ chức và hoạt động của HĐND và UBND. Mỗi một lần tổ chức đều có những đặc điểm, có ý nghĩa, mang lại tác dụng thiết thực, tùy tình hình và yêu cầu cụ thể. Hội nghị lần này vượt tầm cao hơn, vì lần này diễn ra vào lúc chúng ta kết thúc thập niên đầu của thế kỷ 21, chuẩn bị kết thúc nhiệm kỳ Đại hội toàn quốc lần thứ X, tiến hành Đại hội Đảng bộ các cấp để tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XI của Đảng, và dự kiến họp vào đầu tháng 1-2011. Chúng ta đang chuẩn bị tổng kết nhiệm kỳ QH khóa XII và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2004 – 2011 để tiến hành bầu cử HĐND các cấp cùng một ngày với ngày bầu cử QH theo quyết định của QH. Lần này chúng ta đang tổng kết 20 năm thực hiện Cương lĩnh năm 1991, nhìn lại 25 năm đổi mới. Trên cơ sở đó tiếp tục bổ sung, phát triển Cương lĩnh năm 1991 cho phù hợp thời kỳ mới. Bên cạnh đó, chúng ta lại đang thí điểm một loạt vấn đề, về bầu trực tiếp ở trong Đảng một số chức danh, một số nơi bầu trực tiếp Chủ tịch UBND xã, thí điểm không tổ chức HĐND quận, huyện, phường ở 10 tỉnh trong cả nước.
Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng cho rằng, Hội nghị đã thống nhất về nhận định, đánh giá những kết quả, thành tựu hoạt động của HĐND và UBND các cấp trong 7 năm qua. Qua đó chỉ ra những thành tựu cũng như hạn chế chủ yếu nhất, tìm ra những nguyên nhân, bài học kinh nghiệm của tình hình thực tế. Trong 7 năm qua, HĐND, UBND các cấp hoạt động gối đầu trong hai nhiệm kỳ Đại hội lần thứ IX và Đại hội lần thứ X của Đảng, hai nhiệm kỳ của QH khóa XI và QH khóa XII trong bối cảnh có rất nhiều hoạt động sôi động về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, QP – AN, đối ngoại… Và đất nước ta đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, vị thế đất nước ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế. Điều đó khẳng định sự chung sức, chung lòng của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, toàn thể hệ thống chính trị, đặc biệt sự tham gia của hệ thống chính quyền các cấp, trong đó có HĐND, UBND, MTTQ và các đoàn thể nhân dân.
Tuy nhiên, Chủ tịch QH cũng cho rằng, thực tế vẫn còn những hạn chế, còn những việc hình thức, có những việc chúng ta muốn làm nhưng chưa làm được do vướng cơ chế, vướng về tổ chức bộ máy, về bố trí cán bộ, vướng do luật pháp chưa đồng bộ, do phối hợp chưa hiệu quả. Có những nơi hoạt động chưa đều, chất lượng còn kém, ở cấp xã, huyện còn lúng túng. Các đại biểu tại Hội nghị đã thống nhất phương hướng sắp tới phải tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả hiệu lực của HĐND và UBND các cấp trong mối quan hệ với Ủy ban MTTQ Việt Nam. Không vì có những mô hình đang làm thí điểm, còn có những ý kiến khác nhau mà nản lòng, tư tưởng “chợ chiều” cuối nhiệm kỳ, làm việc qua loa. Nếu đã là đại biểu nhân dân là những công bộc của dân, thì dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, càng khó khăn phải càng nỗ lực, cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ, không nản chí, phân tâm.
Theo Chủ tịch QH, thời gian tới, cần tiếp tục đi sâu nghiên cứu, tổng kết, tạo sự thống nhất cao. Chúng ta phải tiếp tục nâng cao hơn nữa, đầy đủ, sâu sắc, toàn diện hơn nữa về vai trò, vị trí của HĐND, UBND các cấp, đặt ra trong yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam thật sự của dân, do dân, vì dân. Phải nhận thức sâu sắc hơn nữa điểm mới của Đại hội toàn quốc lần thứ X của Đảng tiếp tục đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới. Chủ tịch QH khẳng định: Đổi mới hệ thống chính trị không phải là đổi mới chế độ chính trị, không phải đổi mới bản chất chế độ của nhân dân, của chính quyền nhân dân. Mà là đổi mới tổ chức và phương thức hoạt động của hệ thống chính trị. Đổi mới kinh tế là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt và phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội. Ba chân kiềng đó phải vững để bảo đảm phát triển bền vững. Trong đó phải quán triệt sâu sắc vấn đề xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam và tư tưởng chính quyền của dân, bao nhiêu lợi ích đều vì dân, tất cả là do dân quyết định. Bài học vô cùng sâu sắc của chúng ta là đại đoàn kết toàn dân tộc.
Về vấn đề thí điểm không tổ chức HĐND quận, huyện, phường tại 10 tỉnh, Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng cho rằng, đây là vấn đề lớn, rất hệ trọng, rất nhạy cảm, không chỉ liên quan một số luật, nhiều luật, mà đặc biệt còn liên quan Hiến pháp. Vừa qua Trung ương, Bộ Chính trị quyết định làm thí điểm và QH ra Nghị quyết làm thí điểm trong điều kiện Hiến pháp chưa sửa đổi, để qua đó tổng kết. Và phải tổng kết thật kỹ, từ đó cân nhắc, chọn ra giải pháp tối ưu trong điều kiện cho phép và mang tính khả thi, phải đạt đồng thuận cao, biết lắng nghe, chắt lọc.
Ý kiến ()