Hội đồng Thống đốc ADB đã nhất trí cho rằng, là một khu vực kinh tế năng động với tốc độ tăng trưởng cao và khả năng phục hồi mạnh mẽ sau khủng hoảng, châu Á cần khẳng định vai trò lớn hơn trong việc tham gia giải quyết các vấn đề đặt ra trong quá trình phát triển kinh tế toàn cầu; đặc biệt là cải cách hệ thống tiền tệ thế giới, góp phần tạo lập sự cân bằng và ổn định bền vững của hệ thống tài chính. Các Thống đốc đã dành nhiều thời gian để thảo luận và đề ra phương hướng đối phó các thách thức hiện hữu của khu vực và thế giới như lạm phát cao, biến đổi khí hậu, an ninh lương thực, vượt bẫy thu nhập trung bình…
Hội đồng Thống đốc bày tỏ mong muốn ADB, với tư cách là một định chế tài chính đa phương hoạt động vì mục tiêu giảm đói nghèo ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương, ưu tiên hơn nữa trong việc hỗ trợ các quốc gia thành viên phát triển hạ tầng, giải quyết các 'nút thắt' tăng trưởng, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, phát triển khu vực tư nhân, hỗ trợ chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tái cấu trúc nền kinh tế…
Cũng tại Hội nghị thường niên lần này, ADB đã công bố Dự thảo báo cáo 'Châu Á 2050 – Xây dựng một thế kỷ châu Á', dự kiến sẽ được xuất bản vào tháng 8 tới. Theo đó, nếu vượt qua được những thách thức đang đặt ra và tiếp tục duy trì được đà tăng trưởng bền vững như đã đạt được trong vài thập kỷ vừa qua thì đến năm 2050, GDP của châu Á có thể đạt 148 nghìn tỷ USD, chiếm tới 51% GDP toàn cầu. Với vai trò là Chủ tịch Hội đồng Thống đốc tại Hội nghị thường niên ADB lần thứ 44, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu phát biểu ý kiến nêu rõ: 'Sự phát triển kinh tế của châu Á, đặc biệt là sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu gần đây, rõ ràng càng khẳng định tính năng động của khu vực. Khả năng phục hồi nhanh của khu vực cũng nói lên những cải cách và tái cơ cấu thành công của các nước sau cuộc khủng hoảng 1997-1998. Đồng thời, hợp tác mạnh mẽ đã giúp cho khu vực đối phó thành công cuộc khủng hoảng, giúp chúng ta tự tin tham gia hành động cùng hướng tới tăng trưởng toàn cầu mạnh mẽ, bền vững, cân bằng và thực hiện mục tiêu giảm nghèo thiên niên kỷ'.
Hội nghị thường niên ADB lần thứ 44 đã có gần 40 sự kiện, gồm các phiên họp toàn thể, các cuộc họp giữa các bộ trưởng tài chính, các phiên họp nhóm giữa các đoàn đại biểu các nước và vùng lãnh thổ…; gần 20 cuộc hội thảo và thuyết trình quốc gia… có quy mô lớn với sự tham gia của nhiều quan chức cấp cao, các diễn giả quốc tế và trong nước. Một trong những sự kiện góp phần làm nổi bật 'Dấu ấn Việt Nam' trong khuôn khổ hội nghị năm nay là 'Chương trình Ngày Việt Nam'. Đây là một trong những sáng kiến của Việt Nam được bạn bè quốc tế đánh giá cao mà điểm nhấn của chương trình là Hội nghị cấp cao về kinh doanh (Vietnam Business Summit) thu hút hơn 800 đại biểu là các nhà hoạch định chính sách, các học giả, lãnh đạo các tập đoàn tài chính – ngân hàng, doanh nghiệp lớn quốc tế và trong nước tham dự, minh chứng cho 'sự hấp dẫn Việt Nam' – một nền kinh tế năng động và có ảnh hưởng ngày càng lớn trong khu vực.
Ngay trước phiên khai mạc Hội nghị, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước và Chủ tịch ADB đã ký ba dự án tài trợ cho Việt Nam với tổng trị giá 1,38 tỷ USD. Đồng thời, đại diện Chính phủ Hàn Quốc và đại diện Chính phủ Việt Nam cũng ký kết Hiệp định tài trợ 200 triệu USD xây dựng cầu Vàm Cống; một số ngân hàng thương mại Việt Nam đã ký kết các thỏa thuận hợp tác với các định chế tài chính nước ngoài. Cùng với những thành công tốt đẹp của tất cả các chương trình và nội dung Hội nghị, công tác truyền thông, quảng bá, giới thiệu hình ảnh Việt Nam, công tác hậu cần, an ninh, lễ tân khánh tiết… đã được các bộ, ngành, cơ quan chức năng Việt Nam phối hợp và tổ chức bảo đảm trọng thị và chu đáo. Chủ tịch ADB, các đoàn đại biểu đánh giá cao công tác chuẩn bị chu đáo và tổ chức rất thành công của nước chủ nhà Việt Nam.
* Cùng ngày, tại phiên họp toàn thể lần thứ 2, các đại biểu cũng nhất trí thông qua một số nội dung quan trọng. Theo đó, Hội nghị thường niên ADB lần thứ 45 sẽ được tổ chức tại Ma-ni-la, Phi-li-pin từ ngày 4 đến 5-5-2012. Hội nghị thường niên ADB lần thứ 46 sẽ được tổ chức tại Niu Đê-li, Ấn Độ từ ngày 4 đến 5-5-2013, Hội nghị thường niên ADB lần thứ 47 sẽ được tổ chức tại Ca-dắc-xtan từ ngày 4 đến 5-5-2014. Phiên họp cũng thông qua danh sách các nước thuộc Ủy ban thủ tục vào năm 2011-2012. Thống đốc Phi-li-pin cũng được bầu làm Chủ tịch Hội đồng Thống đốc vào năm 2012. Phó Chủ tịch là Thống đốc của Đức và Nê-pan.
Ý kiến ()