Kết quả tích cực từ tái cơ cấu ngành nông nghiệp
LSO-Nhằm xây dựng nền sản xuất nông nghiệp, nông thôn theo hướng hiện đại, bền vững, thời gian qua huyện Hữu Lũng đã đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững một cách đồng bộ, có hiệu quả.
Mô hình chăn nuôi lợn cho thu nhập 200 triệu đồng/năm của người dân xã Vân Nham |
Không phải loay hoay với việc tìm đầu ra cho sản phẩm như trước đây, từ khi được doanh nghiệp ký kết thu mua sản phẩm, ông Nguyễn Văn Lạng, thôn Kép 1, xã Quyết Thắng yên tâm phát triển kinh tế từ cây măng bát độ. Ông Lạng cho biết: Được sự hướng dẫn của ngành chuyên môn, tôi đầu tư trồng măng tre bát độ từ năm 2014, với diện tích 1 ha, đến năm 2016 bắt đầu cho thu hoạch (do là mới cho khai thác nên sản lượng chưa nhiều), mang lại cho gia đình tôi thu nhập gần 50 triệu đồng. Vụ măng năm 2017 đang chuẩn bị cho thu hoạch và kéo dài đến tháng 8, dự tính cho thu khoảng 80 triệu đồng. Qua đó, giúp gia đình tôi từng bước có cuộc sống ổn định hơn. Qua trao đổi được biết, trước khi chuyển sang trồng măng bát độ, gia đình ông Lạng chủ yếu trồng lúa, ngô, đời sống gặp nhiều khó khăn.
Hiện nay, việc trồng măng bát độ đang phát triển mạnh mẽ tại xã Quyết Thắng, nhiều hộ đã có kinh tế ổn định, thoát nghèo từ loại cây này… Đặc biệt, việc trồng măng bát độ đã có sự liên kết với doanh nghiệp, tạo đầu ra cho sản phẩm. Ông Triệu Văn Thọ, Chủ tịch UBND xã Quyết Thắng cho biết: Việc bao tiêu sản phẩm măng bát độ được ký kết với Công ty Cổ phần Chế biến thực phẩm G.O.C, theo đó, công ty G.O.C cam kết thu mua toàn bộ sản phẩm trên địa bàn. Việc phát triển trồng tre măng bát độ góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng và nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp.
Thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, những năm qua huyện Hữu Lũng đã triển khai nhiều giải pháp. Qua đó, hình thành các vùng sản xuất chuyên canh, tập trung, đã có sự gắn kết tổ chức sản xuất, tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị và theo quy trình sản xuất đối với các nông sản có hiệu quả kinh tế cao. Cụ thể như: phát triển và hình thành vùng nguyên liệu tre bát độ lấy măng; vùng trồng dưa ở các xã Đồng Tân, Yên Thịnh, Tân Thành, Yên Bình; trồng ngô ngọt, muồng trâu ở Yên Thịnh; vùng nguyên liệu thuốc lá tại 13 xã… Để tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp cho người dân, huyện đã ký hợp đồng về việc xây dựng vùng nguyên liệu và bao tiêu một số loại rau, củ, quả xuất khẩu, thuốc lá với Công ty Cổ phần Chế biến thực phẩm G.O.C, Công ty TNHH Long Hà, Công ty Cổ phần thuốc lá Ngân Sơn.
Trong lĩnh vực chăn nuôi, người dân đã đưa giống lợn thịt siêu nạc cho năng suất cao vào chăn nuôi, sử dụng chế phẩm sinh học để xử lý chất thải, ứng dụng đệm lót sinh học… Đặc biệt, đã hình thành nhiều mô hình gia trại chăn nuôi tập trung cho hiệu quả kinh tế cao như: mô hình nuôi gà tại các xã Đồng Tiến, Minh Tiến, Tân Lập, Thiện Kỵ, Hòa Thắng; mô hình nuôi lợn ở xã Minh Sơn, Vân Nham… Về lâm nghiệp có bước phát triển nhanh do thực hiện tốt các chính sách khuyến khích đầu tư phát triển nghề rừng. Hằng năm, huyện trồng rừng mới đạt trên 1.500 ha, góp phần nâng độ che phủ rừng trên 55%. Song song với đó, để thực hiện tái cơ cấu ngành hiệu quả, huyện mở nhiều lớp tập huấn chuyển giao khoa học, kỹ thuật về chăn nuôi, trồng trọt cho hàng nghìn lượt người tham gia. Với việc đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tổng sản lượng lương thực ngày càng tăng, năm 2013 đạt 48,9 nghìn tấn, đến 2016 đạt 50,2 nghìn tấn; đàn lợn từ 51,9 nghìn con (năm 2013), tăng lên 54,2 nghìn con (năm 2016); đàn gia cầm từ 950 nghìn con (năm 2013) tăng lên 1,1 triệu con (năm 2016)…
Ông Hoàng Văn Hùng, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện đạt được kết quả nhất định. Trong đó, sản xuất nông nghiệp phát triển khá toàn diện, bước đầu đã hình thành một số vùng sản xuất hàng hóa tập trung, các mô hình chăn nuôi gia trại quy mô hàng trăm con; đã có sự liên kết giữa người dân với các doanh nghiệp trong sản xuất và bao tiêu sản phẩm. Đặc biệt, huyện đã và đang tiến đến sản xuất theo hướng liên kết nhãn hàng hóa cho sản phẩm táo đại, từng bước hướng tới nhãn hiệu sản phẩm măng bát độ.
ĐỖ HOẠT
Ý kiến ()