Kết quả kiểm tra giá nhập khẩu xăng, dầu
* Các doanh nghiệp nhập khẩu đầu mối không lỗ Ngày 19-12, Bộ Tài chính đã họp báo công bố kết quả kiểm tra giá nhập khẩu xăng, dầu tại bốn doanh nghiệp kinh doanh xăng, dầu đầu mối là Tổng công ty xăng, dầu Việt Nam (Petrolimex), Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil), Công ty TNHH MTV Dầu khí TP HCM (Saigon Petro) và Công ty Thương mại Dầu khí Đồng Tháp vào thời điểm từ ngày 30-6 đến 26-8-2011.Kết quả rà soát giá vốn các mặt hàng nhập khẩu trong kỳ, tình hình sản xuất - kinh doanh (SX-KD) đã cho thấy, thị trường kinh doanh xăng, dầu còn bị phụ thuộc nhiều vào doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh (là Petrolimex) hoặc nhóm doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh. Từ đó, việc Nhà nước thực hiện các biện pháp kiểm soát và điều hành giá bán lẻ xăng, dầu là giải pháp hợp lý để góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội.Bên cạnh đó, Bộ Tài chính khẳng định: Việc điều chỉnh giảm giá bán lẻ xăng, dầu tại thời điểm ngày...
Kết quả rà soát giá vốn các mặt hàng nhập khẩu trong kỳ, tình hình sản xuất – kinh doanh (SX-KD) đã cho thấy, thị trường kinh doanh xăng, dầu còn bị phụ thuộc nhiều vào doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh (là Petrolimex) hoặc nhóm doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh. Từ đó, việc Nhà nước thực hiện các biện pháp kiểm soát và điều hành giá bán lẻ xăng, dầu là giải pháp hợp lý để góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính khẳng định: Việc điều chỉnh giảm giá bán lẻ xăng, dầu tại thời điểm ngày 26-8-2011 của liên bộ là có căn cứ hợp lý khi kết quả kinh doanh xăng, dầu nội địa của các DN từ ngày 1-7 đến 26-8 về cơ bản không lỗ lớn hoặc có lãi (Petrolimex báo cáo ước lãi 130 tỷ đồng; Saigon Petro báo cáo lỗ 44,6 tỷ đồng, nhưng nếu thực hiện chi phí theo chi phí kinh doanh định mức để tính giá cơ sở thì có lãi 48 tỷ đồng; Công ty TM DK Đồng Tháp báo cáo lỗ 55,23 tỷ đồng, nhưng nếu thực hiện chi phí theo định mức chi phí kinh doanh để tính giá cơ sở thì có lãi 22 tỷ đồng). Việc điều chỉnh giá tại thời điểm trên là một trong những giải pháp thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP, tạo tiền đề tích cực góp phần cùng các giải pháp tiền tệ và tài khóa khác để kiềm chế lạm phát, và mức chỉ số giá tiêu dùng CPI từ tháng 8 đến nay đã giảm rất nhanh. Bên cạnh đó, qua kiểm tra, một số vi phạm trong công tác quản trị tại doanh nghiệp đã được xác định rõ và các doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm về các vi phạm này.
Về chi phí kinh doanh thực tế của doanh nghiệp vượt định mức chi phí kinh doanh để tính giá cơ sở, chi thù lao đại lý tại một số thời điểm cao hơn định mức chi phí kinh doanh để tính giá cơ sở, Bộ Tài chính khẳng định: Trong điều kiện nhà nước thực hiện chính sách bình ổn giá thì doanh nghiệp đầu mối và các Tổng đại lý/đại lý phải có chính sách tiết giảm chi phí để cùng Nhà nước và người tiêu dùng thực hiện tốt Nghị quyết 11/CP. Vì vậy, việc chi vượt định mức chi phí kinh doanh cần phải xem xét và phải có quy định khống chế chi phí kinh doanh và thù lao đại lý. Riêng việc doanh nghiệp thực hiện chính sách bình ổn giá, bán hàng cho các Tổng đại lý/đại lý dưới giá vốn, Bộ Tài chính chỉ đạo các đơn vị chức năng tiếp tục kiểm tra làm rõ.
Về nội dung Quỹ bình ổn giá xăng, dầu, Bộ Tài chính cho rằng, về cơ bản, các doanh nghiệp đã chấp hành việc trích lập, sử dụng quỹ BOG theo quy định, và việc duy trì quỹ bình ổn giá xăng, dầu là cần thiết để thực hiện giữ ổn định giá bán xăng, dầu trong giai đoạn vừa qua. Thực tế nếu không có cơ chế trích lập và sử dụng quỹ BOG như thời gian qua thì tần suất điều chỉnh giá sẽ cao, gây bất ổn cho sản xuất – kinh doanh và đời sống nhân dân. Cũng do có cơ chế trích lập Quỹ BOG mà doanh nghiệp tiết giảm được một phần chi phí lãi tiền vay do việc giảm trừ lãi tiền vay tương ứng với số dư nguồn Quỹ BOG trong từng thời kỳ từ khi hình thành Quỹ đến nay là 115 tỷ đồng (Petrolimex: 49 tỷ; Saigon Petro: 27 tỷ; PV Oil 25 tỷ; Công ty TMDK Đồng Tháp 14 tỷ đồng).
Tuy nhiên, kết quả kiểm tra cho thấy, cơ chế trích, quản lý và sử dụng Quỹ BOG tại các doanh nghiệp còn một số bất cập và khó kiểm soát. Về việc xác định giá cơ sở xăng, dầu, kết quả kiểm tra cho thấy, công thức xác định giá cơ sở quy định tại Nghị định số 84/2009/NĐ-CP và Thông tư số 234/2009/TT-BTC cơ bản là hợp lý, tuy vậy còn một số điểm cần được nghiên cứu điều chỉnh cho phù hợp hơn như chu kỳ điều chỉnh tăng giảm giá và bước tính giá bình quân theo giá Platt’s còn tương đối dài (30 ngày); việc để lợi nhuận định mức trong công thức tính giá cơ sở có thể gây hiểu lầm và thiếu minh bạch trong xác định lãi lỗ kinh doanh xăng, dầu. Ngoài ra còn có kết quả kiểm tra về mức hao hụt, về việc đầu tư ra ngoài DN, về rủi ro tỷ giá, về dự trữ và lưu thông hàng hóa.
Từ thực tế kết quả kiểm tra và các vấn đề nêu trên, để hoàn thiện và nâng cao chất lượng hiệu quả trong công tác quản lý, điều hành kinh doanh xăng, dầu theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, Bộ Tài chính cũng đã đưa ra những kiến nghị với các cơ quan hữu quan, trong đó có kiến nghị Bộ Công thương chủ trì phối hợp Bộ Tài chính tổng kết tình hình thực hiện Nghị định 84/2009/NĐ-CP để trên cơ sở đó trình Chính phủ các giải pháp để bổ sung và hoàn thiện cơ chế quản lý điều hành kinh doanh xăng, dầu phù hợp với các quy định của Luật Cạnh tranh và theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước; bổ sung điều kiện về năng lực tài chính đối với các doanh nghiệp thực hiện nhiệm vụ đầu mối; hoàn thiện cơ chế xây dựng giá cơ sở và đổi mới cơ chế quản lý và sử dụng Quỹ Bình ổn giá theo hướng sát với thị trường, thuận tiện cho doanh nghiệp nhưng vẫn bảo đảm sự quản lý, giám sát chặt chẽ của Nhà nước, cơ chế minh bạch thông tin và chế tài xử lý vi phạm.
Khẩn trương xây dựng và ban hành định mức hao hụt xăng, dầu và định mức thù lao đại lý phù hợp từng loại hình kinh doanh xăng, dầu theo tinh thần trên, tạo cơ sở để các doanh nghiệp xăng, dầu đầu mối cạnh tranh bình đẳng trong điều kiện giá xăng, dầu còn có sự quản lý của nhà nước, tránh việc tuỳ tiện nâng mức thù lao đại lý để cạnh tranh thiếu bình đẳng, tăng chi phí kinh doanh, gây sức ép tăng giá; Nghiên cứu sửa đổi bổ sung cơ chế xác định giá xăng, dầu và trích lập, sử dụng quỹ BOG cho phù hợp thực tiễn; kịp thời khắc phục những bất cập trong cơ chế lương thưởng tại các doanh nghiệp này; đề nghị Ngân hàng Nhà nước có cơ chế bảo đảm nguồn ngoại tệ cho việc nhập khẩu xăng, dầu và ổn định tỷ giá, tạo cơ sở để liên Bộ Tài chính – Công thương điều hành giá xăng, dầu và các doanh nghiệp chủ động, kịp thời trong việc nhập tạo nguồn hàng.
Bộ Tài chính cũng đề nghị, trong khi chính sách mới chưa được ban hành, các cơ quan quản lý nhà nước theo chức năng được phân công cần tăng cường quản lý, giám sát các doanh nghiệp đầu mối trong việc thực hiện các quy định của nhà nước trong kinh doanh xăng, dầu theo Nghị định 84/2009/NĐ-CP và Thông tư số 234/2009/TT-BTC. Riêng đối với các doanh nghiệp kinh doanh xăng, dầu đầu mối cần được thanh tra hoặc kiểm toán hằng năm và thực hiện công khai kết quả thanh tra, kiểm tra để việc xác định và điều hành giá xăng, dầu ngày càng rõ ràng, minh bạch, bảo đảm hài hòa lợi ích của người dân, doanh nghiệp và Nhà nước.
Theo Nhandan
Ý kiến ()