Kết quả chăm lo toàn diện
Nhờ xã hội hóa, Trường MN xã Hưng Vũ có thêm phòng học và sân chơi cho trẻ em |
TĂNG CƯỜNG VẬT CHẤT
Bước vào thực hiện phổ cập, Trường Mầm non (MN) xã Trấn Yên chỉ có 19 phòng học, trong đó có 8 phòng học nhờ và tạm; riêng mẫu giáo 5 tuổi có 9 phòng thì đã có tới 5 phòng nhờ và tạm. Bếp ăn với diện tích hẹp, không đảm bảo. Đặc biệt vẫn còn tới 5 phân trường lẻ chưa có nhà vệ sinh theo chuẩn, chưa có nước sạch, hằng ngày phụ huynh phải mang nước từ nhà đến cho con em mình sinh hoạt; có 8 điểm trường chưa có sân chơi riêng. Trong bối cảnh đó, nhà trường huy động xây dựng bằng 2 nguồn: nguồn địa phương đầu tư từ chương trình 135 và nguồn xã hội hóa. Từ các nguồn này, trong 3 năm qua, nhà trường đã được đầu tư xây mới phòng học, nhà vệ sinh, nâng cấp bếp ăn… trị giá hơn 2 tỷ đồng; huy động trên 2.000 m2 đất, hàng trăm triệu đồng và hàng ngàn ngày công từ nguồn xã hội hóa. Hiện chỉ còn 2 phòng ở 2 phân trường là Nà Keo và Pá O, trong thời gian trước mắt sẽ được tập trung thực hiện “ 3 cứng”.
Không chỉ xã Trấn Yên, trên bước đường phổ cập, Nhất Tiến cũng là một đơn vị rất khó khăn, nhất là cơ sở vật chất (CSVC) trường lớp học. Được sự hỗ trợ từ nhiều nguồn như Công đoàn giáo dục, Đoàn thanh niên, Quỹ bảo trợ trẻ em… và bằng nội lực của xã, đến nay, Nhất Tiến đã có phòng học mầm non đến từng thôn bản, giảm thiểu phòng học nhờ, học tạm. Học kỳ I vừa qua, địa phương đã có thêm 334 triệu đồng, huy động 12 tấn xi măng, 18 khối đá, 16 khối cát cho xây dựng bổ sung phòng học. Cô giáo Nguyễn Thị Hồng, Hiệu trưởng Trường MN xã Nhất Tiến cho biết, với điều kiện của Nhất Tiến, nếu không có sự tổng hợp từ nhiều nguồn để xây dựng thì không biết đến bao giờ cấp học MN của xã mới thoát ra khỏi cảnh phòng học nhờ, lớp học tạm, thiếu nhà vệ sinh…
Thống kê của Phòng GD&ĐT Bắc Sơn cho biết, trong học kỳ I năm học 2014-2015, riêng kênh xã hội hóa các trường MN trong toàn huyện đã huy động được gần 1,2 tỷ đồng, trên 16 ngàn ngày công, 50 tấn xi măng, 400 viên gạch không nung, 28 khối đá và 16 khối cát để xây dựng CSVC cho các nhà trường.
NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG NUÔI DẠY
Có CSVC, đội ngũ giáo viên được tăng cường, các nhà trường đẩy mạnh việc chăm lo cho học sinh cấp học mầm non bằng cách thực hiện đầy đủ chế độ cho học sinh từ 3-5 tuổi theo chính sách hiện hành. Học kỳ I năm học 2014-2015, toàn huyện đã thực hiện hỗ trợ tiền ăn trưa cho 3.403 trẻ từ 3-5 tuổi ( chiếm 70,3% tổng số học sinh và chiếm 89,4% tổng số học sinh từ 3-5 tuổi) với tổng kinh phí gần 3,4 tỷ đồng. Ngoài ra, các trường MN đã huy động sự đóng góp của đội ngũ giáo viên được trên 10 triệu đồng, 110 kg gạo để giúp đỡ 119 lượt trẻ mầm non.
Trẻ 3-5 tuổi được thực hiện chi trả chế độ tiền ăn trưa, trẻ 2 tuổi con gia đình có hoàn cảnh khó khăn được các nhà trường giúp đỡ để có điều kiện đi học, nên tỷ lệ trường lớp và học sinh học 2 buổi/ngày đạt 100%. Tỷ lệ trẻ được ăn bán trú đạt 96,5%, trong đó, tỷ lệ trẻ trong độ tuổi nhà trẻ được ăn bán trú đạt 99,53%, tỷ lệ trẻ mẫu giáo được ăn bán trú đạt 95,6%. Khó khăn như xã Nhất Tiến cũng đạt tỷ lệ 80% số trẻ ra lớp được ăn bán trú, trong đó 71% trẻ 5 tuổi ra lớp được ăn bán trú.
Hội thi đầu bếp giỏi các Trường MN huyện Bắc Sơn |
Do có sự quan tâm một cách thiết thực nên đến đầu năm 2015, tất cả 20 xã, thị trấn của huyện Bắc Sơn đều có trường MN độc lập. Tỷ lệ huy động ra lớp độ tuổi nhà trẻ đạt 36,4%, có những xã đạt rất cao như Đồng Ý 54,9%, Vũ Sơn 47,7%; tỷ lệ huy động trẻ mẫu giáo đạt 99,2%, có 14 xã đạt 100%; tỷ lệ huy động trẻ 5 tuổi ra lớp đạt 100%. Đã có 15/20 xã đạt chuẩn phổ cập GDMN cho trẻ em 5 tuổi.
Ý kiến ()