Kết quả bước đầu thực hiện mô hình học sinh, sinh viên nội trú học nghề
Đảm bảo bữa ăn đầy đủ cho học sinh sinh viên nội trú học nghề tại bếp ăn tập thể của nhà trường |
Ông Lê Quang Hồng, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Mô hình HSSV nội trú học cao đẳng, trung cấp nghề hướng đến đối tượng HSSV là dân tộc thiểu số, hộ nghèo, cận nghèo, khuyết tật, tốt nghiệp trường phổ thông dân tộc nội trú hoặc có hộ khẩu thường trú tại vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số, biên giới… Mục đích của mô hình là thu hút đối tượng trên trực tiếp học nghề tại nhà trường, trở thành lao động có tay nghề, đáp ứng nhu cầu của xã hội. Do đó, hơn 1 năm qua, nhà trường luôn nỗ lực thực hiện các chế độ, chính sách nội trú kịp thời, đúng, đủ theo quy định.
Nếu trước kia, nhà trường rất khó khăn để tuyển sinh đạt chỉ tiêu tỉnh giao thì từ khi triển khai mô hình, trong 2 năm học 2016 – 2017 và 2017 – 2018, nhà trường đều tuyển đủ chỉ tiêu HSSV. Trên cơ sở đó, trường tổ chức xét duyệt hồ sơ HSSV được hưởng chế độ nội trú học cao đẳng, trung cấp nghề. Ông Nguyễn Mạnh Đạt, Trưởng khoa Dân tộc nội trú cho biết: Năm học 2016 – 2017 có 390 HSSV; đợt 1 năm học 2017 – 2018 có trên 210 HSSV. Dự kiến cả 2 khóa học sẽ có trên 500 HSSV được hưởng chế độ trên. Các em đều được tạo điều kiện thuận lợi và đảm bảo đúng quy định về chế độ học phí, học bổng, chế độ ăn, ở, sinh hoạt theo Quyết định số 53/2015/QĐ-TTg ngày 20/10/2015 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách nội trú đối với HSSV học cao đẳng, trung cấp.
Theo đó, HSSV thuộc diện hưởng chính sách học nghề nội trú tại nhà trường được miễn hoàn toàn học phí; được cấp học bổng khuyến khích học tập từ 60% – 100% mức tiền lương cơ sở/tháng đối với từng đối tượng học. Bên cạnh đó, các em đều được hỗ trợ 1 lần số tiền 1 triệu đồng/khóa để mua đồ dùng cá nhân, quần áo bảo hộ lao động theo nghề đào tạo. Dịp Tết Nguyên đán sẽ hỗ trợ 150 nghìn đồng/HSSV ở lại trường. Mỗi năm 1 lần, mỗi HSSV được hỗ trợ 1 lần tiền đi lại từ nơi học về gia đình và ngược lại…
Em Phún Văn Hinh, dân tộc Dao, xã Kiên Mộc, Đình Lập, học sinh lớp trung cấp Cơ điện 15 cho biết: Gia đình em rất khó khăn, khi theo học tại Trường Cao đẳng Nghề Lạng Sơn, em vừa được học nghề, vừa được hưởng chính sách ưu đãi, gia đình không phải mất bất kỳ chi phí gì nên bố mẹ em và bản thân em rất yên tâm.
Để tạo thuận lợi cho HSSV nội trú, nhà trường giao nhiệm vụ cụ thể cho Khoa Dân tộc nội trú; huy động ban công tác HSSV và cán bộ, nhân viên các bộ phận thực hiện tốt công tác quản lý ký túc xá, quản sinh, thu chi, nấu ăn, y tế… Cùng với đó, hơn 1 năm qua, nhà trường đầu tư trên 500 triệu đồng mở rộng, sửa chữa phòng ở, lắp đặt điện, nước, chuẩn bị chỗ ăn, cải tạo xưởng thực hành… cho HSSV. Hiện nhà trường có trên 30 phòng ở, 1 nhà ăn và trên 20 lớp học nghề cho HSSV nội trú. Cùng với học nghề, nhiều hoạt động được xây dựng và duy trì, thu hút sự tham gia của HSSV nội trú như: tư vấn, hỗ trợ kỹ năng sống cho HSSV; câu lạc bộ võ thuật, nhảy dân vũ, bóng đá, bóng chuyền…
Ông Lê Quang Hồng, Hiệu trưởng nhà trường cho biết thêm: Chính sách ưu đãi cho HSSV nội trú đã giúp các em thuộc đối tượng ưu tiên có điều kiện theo học cao đẳng, trung cấp nghề; về lâu dài giúp các em cơ hội tìm được việc làm, ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, sau hơn 1 năm thực hiện mô hình, nhà trường vẫn cần được quan tâm đầu tư đồng bộ, thay thế cơ sở vật chất xuống cấp, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu, nhiệm vụ được giao.
Ý kiến ()