Kết quả bước đầu ở Lạng Sơn
LSO-Khai thác tài nguyên thiên nhiên là một trong những hoạt động kinh tế góp phần quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội và tăng trưởng GDP.
Tuy nhiên điều này cũng để lại hậu quả cho môi trường không thể khắc phục được, đó là sự biến đổi cảnh quan, đe dọa tính bền vững của quá trình phát triển và gây nên những tác động xấu, tiêu cực cho môi trường. Vì vậy, Nhà nước đã có những quy định pháp luật đối với hoạt động khai thác tài nguyên thiên nhiên trong Luật Bảo vệ môi trường (BVMT), Luật Khoáng sản, các văn bản pháp quy dưới luật… Trong đó có quy định về ký quỹ phục hồi môi trường đối với tài nguyên khoáng sản.
Thực hiện đo mức độ ô nhiễm tại mỏ đá Lũng Tém, xã Bình Trung, huyện Cao Lộc |
Hiện nay, cơ chế ký quỹ phục hồi môi trường được quy định tại Quyết định số 18/2013/QĐ-TTg ngày 29/3/2013 (thay thế Quyết định số 71/QĐ-TTg ngày 29-5-2008) của Thủ tướng Chính phủ về ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường đối với hoạt động khai thác khoáng sản (KTKS). Về phương thức ký quỹ, trường hợp giấy phép KTKS có thời hạn dưới 3 năm phải thực hiện ký quỹ một lần. Mức tiền ký quỹ bằng 100% số tiền được phê duyệt. Trường hợp giấy phép KTKS có thời hạn 3 năm trở lên thì được phép ký quỹ nhiều lần. Theo đó, đối với giấy phép KTKS có thời hạn dưới 10 năm thì mức ký quỹ lần đầu bằng 25% tổng số tiền ký quỹ; đối với giấy phép KTKS có thời hạn từ 10 năm đến dưới 20 năm thì mức ký quỹ lần đầu bằng 20% tổng số tiền ký quỹ; đối với giấy phép KTKS có thời hạn từ 20 năm trở lên thì mức ký quỹ lần đầu bằng 15% tổng số tiền ký quỹ. Số tiền ký quỹ những lần sau được tính bằng tổng số tiền ký quỹ trừ đi số tiền ký quỹ lần đầu, chia đều cho các năm theo dự án đầu tư được phê duyệt hoặc thời gian còn lại theo Giấy phép KTKS.
Ở Lạng Sơn, hoạt động khai khoáng chủ yếu tập trung vào KTKS làm vật liệu xây dựng, khoáng sản kim loại và than… Trong đó, các dự án KTKS làm vật liệu xây dựng (đá, cát, sỏi, sét) có công nghệ khai thác từ bán cơ giới kết hợp thủ công ở các mỏ nhỏ đến cơ giới hóa cao, đầu tư lớn, khai thác quy mô công nghiệp. Còn các mỏ kim loại có trữ lượng nhỏ nên quy mô đầu tư và công nghệ khai thác rất hạn chế mang tính ngắn hạn. Theo ông Nguyễn Đình Duyệt, Phó Giám đốc Sở TN&MT cho biết: Thực hiện Quyết định của Chính phủ về ký quỹ, cải tạo phục hồi môi trường đối với hoạt động KTKS, tỉnh đã thành lập quỹ bảo vệ môi trường và đi vào hoạt động từ cuối năm 2009 với vốn điều lệ ban đầu là trên 1 tỷ đồng. Trên cơ sở đó, Sở đã tăng cường kiểm tra đôn đốc các đơn vị KTKS trên địa bàn thực hiện việc lập dự án cải tạo, ký quỹ phục hồi môi trường, trình các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 74 mỏ ký quỹ cải tạo phục hồi môi trường với tổng số tiền 16 tỷ đồng; riêng năm 2013 tỉnh phê duyệt 4 dự án cải tạo, phục hồi môi trường. Như vậy, 100% các mỏ KTKS ở tỉnh đều thực hiện ký quỹ môi trường. Từ nguồn quỹ này, tỉnh đã tiến hành cho vay với lãi suất ưu đãi để thực hiện các dự án bảo vệ môi trường theo đúng quy định cho các công ty vay số tiền 2,7 tỷ đồng, từ đó góp phần cải thiện môi trường sống.
Mặc dù đã đạt được kết quả bước đầu nhưng việc thực hiện ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường chỉ quy định với từng dự án nhỏ, còn đối với dự án diện rộng như quy mô liên mỏ, do nhiều tổ chức, cá nhân cùng khai thác thì chưa có quy định cụ thể. Bên cạnh đó, nhận thức của cộng đồng về quyền lợi người dân khu vực có KTKS còn thấp. Hiện nay, đối với công tác quản lý nhà nước còn một số khó khăn khi chưa có hướng dẫn cụ thể; chế độ kiểm tra, quản lý hoạt động ký quỹ, hồ sơ, thủ tục hoàn trả tiền ký quỹ; trình tự, báo cáo về công tác thẩm định, kiểm tra và xác nhận hoàn thành nội dung việc thực hiện các nội dung của dự án và yêu cầu của quyết định phê duyệt cải tạo phục hồi môi trường.
Để việc thực hiện Quyết định số 18 của Chính phủ trong ký quỹ môi trường đối với các doanh nghiệp KTKS đạt hiệu quả và chất lượng cao hơn nữa thì việc tăng cường đội ngũ cán bộ chuyên môn trong lĩnh vực môi trường ở các huyện, thành phố, nhất là ở các địa phương có nhiều điểm khai thác mỏ là cần thiết. Các ngành chức năng cần đẩy mạnh công tác kiểm tra, thanh tra về công tác bảo vệ môi trường, xử lý nghiêm các doanh nghiệp vi phạm Luật Bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật. Tăng cường tuyên truyền pháp luật về bảo vệ môi trường nói chung và hoạt động khoáng sản nói riêng là rất cần thiết. Một giải pháp rất cần thiết nữa là đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ sạch, thân thiện với môi trường trong lĩnh vực khai thác, chế biến khoáng sản…
XUÂN HƯƠNG
Ý kiến ()