Kết quả 5 năm thi hành Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước
Sau 5 năm triển khai thực hiện Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, đến ngày 30/6/2023, các cơ quan có trách nhiệm bồi thường trên cả nước đã thụ lý, giải quyết 168 vụ việc yêu cầu bồi thường thiệt hại; trong đó, 103 vụ đã có văn bản giải quyết bồi thường có hiệu lực pháp luật, với tổng số tiền Nhà nước phải bồi thường là gần 77 tỷ đồng, còn lại có 22 vụ việc đã đình chỉ, 43 vụ việc đang tiếp tục giải quyết.
Quang cảnh hội nghị. |
Trong số 168 vụ việc yêu cầu bồi thường, hoạt động quản lý hành chính chiếm 64 vụ việc, hoạt động tố tụng có 79 vụ việc, hoạt động thi hành án có 25 vụ việc.
Ngày 14/11, tại Hà Nội, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả 5 năm thi hành Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, với sự tham gia của 30 đơn vị đại diện các Sở Tư pháp, Tòa án, Viện kiểm sát, Cục thi hành án dân sự các địa phương khu vực phía bắc.
Cục trưởng Cục Bồi thường Nhà nước (Bộ Tư Pháp), ông Nguyễn Văn Bốn cho biết: Luật Trách nhiệm bồi thường Nhà nước năm 2017 chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2018. Sau 5 năm triển khai thi hành, Luật đã góp phần nâng cao trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước trong công tác thực thi công vụ, tạo thuận lợi cho việc giải quyết bồi thường, bảo đảm tốt hơn quyền lợi của người bị thiệt hại.
Công tác thụ lý, giải quyết yêu cầu bồi thường của người bị thiệt hại theo quy định của Luật được các cơ quan giải quyết bồi thường thực hiện kịp thời, chủ động, hiệu quả hơn so với Luật năm 2009. Vai trò, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước phát huy kịp thời, đầy đủ, bảo đảm trách nhiệm của các cơ quan giải quyết bồi thường, cũng như quyền lợi cho người bị thiệt hại.
Đồng thời, đây cũng là công cụ pháp lý hữu hiệu để người bị thiệt hại trong hoạt động quản lý hành chính, tố tụng, thi hành án… khôi phục các quyền, lợi ích hợp pháp đã bị xâm phạm và được hưởng mức bồi thường thích đáng đối với các thiệt hại đã phải chịu.
Ở Trung ương, với vai trò là cơ quan đầu mối giúp Chính phủ, Bộ Tư pháp thường xuyên theo dõi, nắm bắt, dự báo và hướng dẫn địa phương chủ động chuẩn bị các điều kiện cần thiết phục vụ cho việc giải quyết bồi thường cũng như việc tham gia giải quyết bồi thường của cơ quan quản lý Nhà nước về công tác bồi thường Nhà nước tại địa phương.
Qua quá trình thực thi cho thấy, Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước đáp ứng yêu cầu và mục tiêu tạo cơ chế đặc thù, khả thi để người bị thiệt hại thực hiện quyền yêu cầu bồi thường. Đồng thời, bảo đảm sự ổn định của hoạt động công vụ, bảo đảm giải quyết hài hòa lợi ích giữa một bên là Nhà nước, cơ quan Nhà nước, người thi hành công vụ và một bên là cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp bị thiệt hại.
Từ đó, nâng cao lòng tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước, góp phần giảm thiểu những vụ việc khiếu nại, khiếu kiện kéo dài, bảo đảm quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân theo Hiến pháp năm 2013.
Tuy nhiên, sau 5 năm triển khai thi hành Luật trách nhiệm bồi thường Nhà nước cho thấy, các quy định vẫn còn một số hạn chế, bất cập. Một số quy định còn chưa rõ ràng, chồng chéo gây khó khăn trong việc áp dụng Luật; mức thiệt hại được bồi thường theo quy định của Luật trách nhiệm bồi thường Nhà nước còn thấp, chưa bù đắp được thiệt hại thực tế, nhất là thiệt hại về tinh thần trong hoạt động tố tụng…
Tại hội nghị, các báo cáo tham luận đến từ Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tài chính, Bộ Công an, Liên đoàn luật sư và một số sở tư pháp đã nêu bật những kết quả đạt được cũng như những khó khăn, hạn chế của Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước. Từ đó, đưa ra những kiến nghị, đề xuất để tháo gỡ, nhằm nâng cao hiệu quả công tác bồi thường nhà nước trong thời gian tới.
Một trong những giải pháp cụ thể mà các ý kiến tập trung kiến nghị đó là, cần nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong thực hiện quản lý Nhà nước về công tác bồi thường nhà nước. Trong đó, chú trọng giải quyết các vụ việc tồn đọng, kéo dài và giải quyết các vụ việc mới đúng quy định của pháp luật.
Theo nhandan.vn
Ý kiến ()