Kết nối văn hóa đọc: Một tuyển tập du ký giá trị
Từ khi văn tự ra đời, ghi chép, lưu giữ các sự kiện lịch sử, xã hội, phong tục, cảnh quan của đất nước trở thành nhu cầu ngày càng trở nên mạnh mẽ hơn.
Sự ra đời của các tác phẩm ký như "Phủ biên tạp lục" của Lê Quý Đôn, "Vũ trung tùy bút" của Phạm Đình Hổ, "Thượng kinh ký sự" của Lê Hữu Trác, "Công dư tiệp ký" của Vũ Phương Đề... từ thời trung đại đã đáp ứng nhu cầu đó. Bước sang thế kỷ 20, sự giao lưu Đông-Tây ngày càng sâu rộng, với sự ra đời và phát triển của báo chí thì các tác phẩm ký càng xuất hiện rầm rộ hơn, tác động mạnh hơn đến đời sống con người. Nổi bật là các ấn phẩm đăng trên Nam phong tạp chí (xuất bản ở Hà Nội từ năm 1917-1934). Bên cạnh những hạn chế mang tính lịch sử, do chế độ kiểm duyệt và định hướng tư tưởng của chế độ thực dân, phong kiến đương thời, Nam phong tạp chí đã có những đóng góp cho sự phát triển của báo chí và văn học Việt Nam trong thời kỳ hiện đại, góp phần bảo tồn, phát triển văn hóa dân tộc.
Tuyển tập “Du ký Việt Nam trên Nam phong tạp chí” (Nhà xuất bản Trẻ, 2024) do PGS, TS Nguyễn Hữu Sơn (nguyên Phó viện trưởng Viện Văn học) sưu tầm và giới thiệu được tái bản có chỉnh lý, bổ sung lần này được biên tập công phu, gồm hai tập với 1.773 trang, là tài liệu quý để những nhà nghiên cứu và đông đảo bạn đọc tìm hiểu, nghiên cứu, chiêm ngưỡng cảnh quan, phong tục, lịch sử và nhiều bình diện văn hóa phong phú của đất nước ta và một số quốc gia mà các tác giả du ký đặt chân tới.
Du ký là một thể trong loại ký, ghi chép những điều tác giả chứng kiến, trải nghiệm trong những cuộc hành trình. Xuất phát từ đặc điểm cơ bản này mà nội dung của tác phẩm du ký rất phong phú, đa dạng tùy vào tầm quan sát, trải nghiệm và sự quan tâm của người viết. Từ danh lam thắng cảnh thiên tạo và nhân tạo, từ các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, từ tín ngưỡng, tôn giáo đến phong tục, lễ hội, từ lịch sử đến địa lý, văn nghệ dân gian đều được ghi lại trong các thiên du ký. Chỉ cần đọc qua tên của các bài du ký như: “Mười ngày ở Huế” (1918), “Một tháng ở Nam Kỳ” (1918-1919), “Cùng các phái viên Nam Kỳ” (1920), “Thăm đảo Phú Quốc” (1927), “Pháp du hành trình nhật ký” (in 27 kỳ, 1922-1925) và “Thuật chuyện du lịch ở Paris” (1922), “Du lịch xứ Lào” (1931)... đã thấy bức tranh đời sống được các tác giả mang lại cho người đọc thật đa dạng, phong phú biết bao.
Trong bài du ký “Thăm đảo Phú Quốc”, thi sĩ Đông Hồ nhấn mạnh vị thế miền đảo thắng tích: “Đảo Phú Quốc là một cái hải đảo ở về Tây Bắc xứ Hà Tiên, là một cõi đất có nhiều danh lam thắng tích, đã từng có tên tuổi trong sử sách, đã từng có trải qua dấu vết của tiền nhân, thì người có lòng hoài cổ, có hồn văn chương sao không thăm qua được”. Trên cơ sở ý thức chủ quyền và niềm tự hào về truyền thống xây dựng, bảo vệ, giữ gìn các vùng biển, đảo, các tác phẩm du ký cũng chú trọng tái hiện cuộc sống muôn màu muôn vẻ của cư dân miền biển và nhấn mạnh khả năng phát huy, phát triển các giá trị lịch sử-văn hóa biển, đảo, góp phần củng cố sức mạnh mọi mặt của đất nước.
Qua tuyển tập “Du ký Việt Nam trên Nam phong tạp chí”, hậu thế có thể hiểu rõ hơn ý thức chủ quyền và tình yêu Tổ quốc, không khí lịch sử, hiện thực đời sống, xã hội, phong tục tập quán, lối sống, nếp cảm nếp nghĩ của nhân ta trên nhiều vùng đất nước. Đó cũng là nhận thức của những người trong cuộc, người chứng nghiệm, trải nghiệm cuộc sống xã hội Việt Nam dưới thời thực dân phong kiến nửa đầu thế kỷ 20, giai đoạn đất nước cũng đang chịu nhiều đau thương, mất mát đang tìm đường thoát khỏi kiếp sống nô lệ để vươn lên cuộc sống tốt đẹp hơn.
Ý kiến ()