Kết nối văn hóa đọc: Khám phá trò chơi trẻ em ngày xưa
Trẻ em sống trong khu vực đồng bằng Bắc Bộ xưa có kho tàng trò chơi hết sức đồ sộ, phong phú. Là người đam mê chuyên ngành dân tộc học, nhà nghiên cứu Ngô Quý Sơn đã dành nhiều công sức để thu thập, hệ thống lại kho tàng ấy để đăng trên Tập san của Viện Nghiên cứu về con người Đông Dương năm 1943.
Năm 2022, cuốn sách “Trò chơi của trẻ em ở Bắc Kỳ” dịch từ bản tiếng Pháp của Ngô Quý Sơn được Nhà xuất bản Thế giới phát hành. Cuốn sách được xem là một trong những nghiên cứu đầu tiên về các trò chơi dân gian của trẻ nhỏ khu vực Bắc Bộ những năm đầu thế kỷ 20.
“Trò chơi của trẻ em ở Bắc Kỳ” đăng tải các tài liệu nghiên cứu được thu thập từ những năm 1940, 1941. Trong đó, các trò chơi của trẻ em được tác giả Ngô Quý Sơn hệ thống lại một cách cụ thể như: Các trò chơi liên quan đến vận động cơ thể; các trò chơi dùng que; các trò chơi dùng sỏi, đánh đáo, chơi diều; các trò chơi may rủi và tìm kiếm; các trò giải trí khác; các trò ma thuật; các trò chơi dùng lời nói; các trò ức hiếp giễu nhại và các bài đồng dao.
Bìa cuốn sách “Trò chơi của trẻ em ở Bắc Kỳ”. |
Trong cuốn sách, nhà nghiên cứu Ngô Quý Sơn chủ yếu khảo sát, mô tả lại các trò chơi phổ biến theo kết cấu tuần tự từ bắt đầu đến kết thúc, thời gian, không gian, đối tượng người chơi. Như trong trò chơi “Rồng rắn”, tác giả viết: “Một trẻ đóng vai thầy thuốc. Trẻ này ngồi ở một chỗ tương đối cao so với mặt đất. Năm trẻ khác xếp hàng nối đuôi nhau, trẻ này bám vào thắt lưng trẻ kia, tạo thành một hàng dài, gọi là rồng rắn. Trẻ đứng đầu hàng dẫn cả hàng tới gần thầy thuốc rồi hai bên hỏi đáp”. Các trò chơi, bài vè, ngạn ngữ, đồng dao được mô tả tỉ mỉ, cung cấp rõ địa danh và các phiên bản khác nhau. Đơn cử như trò “Nu na nu nống”, tác giả ghi chú: “Trẻ trai, trẻ gái. Chơi chung hoặc riêng. Quanh năm. Phổ biến”. Bên cạnh đó, tác giả cũng gợi ý một số phiên bản trò chơi khác như ở Hà Đông, Bắc Ninh để người đọc có sự so sánh.
Cùng với việc mô tả một cách chi tiết, cuốn sách còn có tranh minh họa, sơ đồ màu hướng dẫn cách chơi một cách sinh động cho từng trò cụ thể. Độc giả có thể hiểu và hình dung về cách chơi, cách sử dụng các vật dụng để tham gia trò chơi của trẻ em xưa. Chính những tưởng tượng bằng hình ảnh và ngôn ngữ giúp người đọc có thể nhập vai vào thế giới trò chơi vô tư, hồn nhiên từng tồn tại trong đời sống làng xã xưa.
Thông qua “Trò chơi của trẻ em ở Bắc Kỳ”, người đọc có thể hiểu được phần nào những tập tục, truyền thống trong văn hóa, sinh hoạt dân gian mang tính cộng đồng được gửi gắm, cất giữ qua những trò chơi của trẻ em. Như tác giả Ngô Quý Sơn đã đúc rút: “Nếu một bé gái tung một số lượng hòn sỏi nhất định lên không trung rồi dùng mu bàn tay đỡ lấy, sau đó lại tung chúng lên không trung rồi ngửa lòng bàn tay đỡ lấy, thì đó không chỉ là hành động giải trí của trẻ con mà còn là ấn tượng ban đầu về công việc sảy thóc”. Nhiều trò chơi dường như cũng là ước lệ cho việc rèn giũa những đứa trẻ khi chúng bước vào lứa tuổi lớn hơn với các hoạt động, nghĩ suy trưởng thành.
Ngày nay, với sự phát triển của khoa học-công nghệ, tính cộng đồng, tập thể trong các trò chơi của trẻ em không còn được như trước. Cũng vì thế, đa số trò chơi được mô tả trong cuốn sách như “Giần con sàng”, “Đáo điệu”, “Rối hến”… đã mất đi tính phổ biến, thậm chí không còn tồn tại. Đặt trong hoàn cảnh ấy, ngoài việc được định danh là một công trình nghiên cứu dân tộc học, cuốn sách “Trò chơi của trẻ em ở Bắc Kỳ” của tác giả Ngô Quý Sơn góp phần mang đến những thông tin, trải nghiệm bổ ích cho độc giả khi được sống lại những trò chơi bị lãng quên theo thời gian.
Nguồn:https://www.qdnd.vn/van-hoa/sach/ket-noi-van-hoa-doc-kham-pha-tro-choi-tre-em-ngay-xua-730291
Ý kiến ()