Kết nối văn hóa đọc: Cuốn sách giúp hiểu thêm làng Việt cổ truyền
“Bách khoa thư làng Việt cổ truyền” (Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật) của PGS, TS Bùi Xuân Đính (Viện Dân tộc học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) vừa đoạt giải B Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ 6, giúp độc giả có thêm thông tin, kiến thức cơ bản liên quan đến các khía cạnh đời sống cả về vật chất lẫn tinh thần của làng Việt cổ truyền.
“Bách khoa thư làng Việt cổ truyền” là kết quả của hơn 40 năm nghiên cứu, tìm hiểu, khám phá, gắn bó với đề tài làng xã của PGS, TS, nhà nghiên cứu dân tộc Bùi Xuân Đính. Công trình là kết quả tổng hợp sự trải nghiệm, khảo cứu của tác giả về làng xã Việt từ truyền thống tới hiện tại trên địa bàn các tỉnh vùng Bắc Bộ và Trung Bộ nước ta.
Ban đầu, tác giả nung nấu ý định biên soạn cuốn từ điển làng xã. Do từ điển có đặc điểm câu ngắn gọn, trong khi thực tế, rất nhiều khái niệm liên quan đến khía cạnh của đời sống làng quê có nội hàm rất rộng nên không thể chuyển tải hết được thông tin, kiến thức. Chính vì vậy, ông chuyển hướng biên soạn thành cuốn “Bách khoa thư làng Việt cổ truyền”.
Bìa cuốn sách. |
Trong cuốn sách, tác giả giới thiệu các khía cạnh của làng Việt cổ truyền từ cách tiếp cận của một cuốn từ điển-bách khoa thư, thông qua các mục từ theo những chủ đề: Phần thứ nhất: “Các mục từ chung về làng xã” với 16 mục từ. Phần thứ hai: “Các mục từ về kinh tế, văn hóa vật chất” với 105 mục từ. Các mục từ ở phần này cho thấy văn hóa trồng cây lúa nước của người Việt và các hoạt động sản xuất, buôn bán… xoay quanh nó. Phần thứ ba: “Các mục từ về cơ cấu tổ chức và quan hệ xã hội làng xã” với 88 mục từ. Ở phần này, các mục từ thể hiện khá đầy đủ tổ chức, sinh hoạt và các mối quan hệ làng xã của người Việt cổ truyền như quan hệ hôn nhân, huyết thống, dòng tộc, quan hệ cộng đồng…; các tổ chức, thiết chế của làng như chức quan, các loại hương ước, tục lệ, các hội phường… từ xa xưa cho đến hiện nay. Phần thứ tư: “Các mục từ về di tích, tín ngưỡng, lễ thức, phong tục, tập quán, lễ tiết” với 80 mục từ. Phần thứ năm: “Các mục từ về văn hóa, văn nghệ, di văn Hán-Nôm” với 23 mục từ.
Mỗi mục từ được tác giả làm rõ nguồn gốc xuất hiện hoặc bối cảnh ra đời, nội dung, bản chất của khía cạnh đời sống cùng sự biến đổi của khía cạnh đó theo thời gian. Bên cạnh nét chung, nhiều trường hợp khía cạnh được phản ánh, minh họa thêm bằng những ví dụ cụ thể từ các làng quê, giúp bạn đọc thấy được tính đa dạng, phong phú của làng Việt. Tác giả chú trọng đến các yếu tố dân tộc học, nhân học, văn hóa học khi giới thiệu những mặt đời sống mà các từ được phản ánh. Đây là điểm độc đáo, mới lạ và hấp dẫn của cuốn sách này so với các công trình đã công bố.
Sự phân định các từ theo cụm từ trên, theo tác giả chỉ mang tính chất tương đối, vì rất nhiều từ hàm chứa nội dung cả về kinh tế, xã hội và văn hóa đan xen lẫn nhau. Chẳng hạn, từ “đình làng” dùng để chỉ ngôi nhà chung của làng vốn thuộc văn hóa vật chất, song lại hàm chứa các yếu tố văn hóa-xã hội (là nơi sinh hoạt chính trị-xã hội của dân làng) và văn hóa tinh thần, văn hóa tâm linh (nơi thờ thành hoàng và diễn ra các nghi thức tế lễ, các trò diễn trong hội làng, các hình thức sinh hoạt văn hóa). Bởi thế, khi đặt một từ ở mục nào, tác giả căn cứ vào nội dung nổi trội nhất mà nó phản ánh.
Được biên soạn công phu, nghiêm túc, giải thích cặn kẽ, cuốn sách là tài liệu tham khảo có giá trị đối với các nhà hoạch định chính sách nông nghiệp, nông thôn, với các nhà nghiên cứu khoa học, nghiên cứu sinh, học viên cao học, sinh viên và tất cả những ai quan tâm đến chủ đề làng xã Việt Nam.
Theo qdnd.vn
Ý kiến ()