Kết nối văn hóa đọc: Chuyển đổi số để đưa tài liệu lưu trữ tới bạn đọc
Lưu trữ lâu nay luôn bị xem là ngành trầm lắng, ít người biết đến. Để các tài liệu lưu trữ trở nên sinh động, hấp dẫn công chúng thì việc chuyển đổi số là yêu cầu tất yếu.
Trong công cuộc chuyển đổi số, ngành lưu trữ không thể đứng ngoài cuộc. Tuy nhiên, chuyển đổi số thế nào, phương thức hoạt động ra sao là điều đáng bàn. Ông Đặng Thanh Tùng, Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước, nhận định: “Tài liệu lưu trữ không chỉ mang tính văn hóa, lịch sử mà còn lưu giữ bí mật quốc gia. Do đó, chúng ta cần chọn lọc những tài liệu nào có thể truyền thông, tra cứu rộng rãi. Thêm vào đó, nguồn lực của cơ quan lưu trữ cũng có hạn nên cần ưu tiên những gì mà công chúng quan tâm. Theo đó, ngoài việc áp dụng những thành tựu của khoa học kỹ thuật thì những người trong cuộc cần phải thay đổi nhận thức. Công nghệ là rất quan trọng trong chuyển đổi số ngành lưu trữ, song con người mới là chủ đạo”.
Kể từ tháng 9-2021, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I (Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước, Bộ Nội vụ) đã tổ chức hai cuộc triển lãm trực tuyến là “Giáo dục triều Nguyễn-Vang vọng còn lại” và “Hồ Gươm, giao lộ Đông-Tây”. Thông qua nền tảng kỹ thuật số, đồ họa 3D, những hình ảnh, tài liệu, hiện vật được tái hiện sinh động thu hút sự quan tâm và phản hồi tích cực từ đông đảo công chúng. Bà Trần Thị Mai Hương, Giám đốc trung tâm cho biết: “Lượng tương tác của công chúng cho hai triển lãm trên khiến chúng tôi thật sự bất ngờ. Có những bình luận đã chạm đến trái tim, khiến chúng tôi phải suy nghĩ, trăn trở làm thế nào để đưa tài liệu lưu trữ đến công chúng nhanh nhất, hấp dẫn nhất. Việc tổ chức triển lãm trực tuyến là công việc hoàn toàn mới với ngành lưu trữ. Điều đó đòi hỏi mỗi cán bộ, nhân viên ở trung tâm phải trưởng thành hơn, tự trang bị kiến thức về công nghệ thông tin để bắt kịp với xu thế”.
Theo nhận định của các chuyên gia, các cơ quan lưu trữ phải xác định rõ mục tiêu của chuyển đổi số là gì, để phục vụ công chúng hay phục vụ học giả, bởi nhu cầu của hai đối tượng này rất khác nhau. Công chúng quan tâm đến lịch sử xã hội, còn nhà nghiên cứu quan tâm đến cách vận hành thể chế, thông tin, lịch sử tư liệu. TS Vũ Đức Liêm, giảng viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, cho rằng: “Người dân quan tâm đến quá khứ sống động của văn bản, vai trò của văn bản trong xã hội như một phần trong bức tranh lớn của lịch sử. Việc giới thiệu tài liệu lưu trữ trực tuyến sẽ khơi gợi sự tò mò, đam mê khám phá để giới trẻ tìm đến với những tài liệu gốc”.
Hình ảnh 3D tại Triển lãm trực tuyến “Giáo dục triều Nguyễn-Vang vọng còn lại”. Ảnh: Archives.org.vn |
Thời đại công nghệ số, đối tượng phục vụ của ngành lưu trữ không nên gói gọn là công chúng ở một quốc gia mà cần phải được lan tỏa trên thế giới. Nghiên cứu sinh Trần Thị Xuân, Trung tâm Nghiên cứu Văn bản viết tay, Trường Đại học Hamburg (Đức), chia sẻ: “Đề tài nghiên cứu của tôi là về Châu bản triều Nguyễn. Trong quá trình nghiên cứu tại Đức, tôi gặp không ít khó khăn trong việc tiếp cận văn bản. Gần đây, thông qua Triển lãm trực tuyến “Giáo dục triều Nguyễn-Vang vọng còn lại”, tôi không chỉ được tiếp cận với một số tài liệu lưu trữ mà con được trực tiếp xem và tương tác với ban tổ chức. Tôi mong rằng, những di sản thế giới như Châu bản triều Nguyễn cần được quảng bá rộng rãi để công chúng trên toàn thế giới có dịp tiếp cận và tìm hiểu”.
Ý kiến ()