Kết nối thành phố thông minh - Giải pháp cho đô thị hóa ĐBSCL
Ngày 4/9, tại Cần Thơ, Đại học Salford, Vương quốc Anh phối hợp cùng Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu (Viện DRAGON-Mekong), Đại học Cần Thơ tổ chức hội thảo với chủ đề “Kết nối với các thành phố thông minh – giải pháp nhằm giải quyết các thách thức hiện tại của Đồng bằng sông Cửu Long” theo Chương trình Kết nối Nhà khoa học (Researcher Links) trong khuôn khổ Quỹ Newton (Newton Fund).
Phó giáo sư, tiến sỹ Lê Anh Tuấn (Phó Viện trưởng Viện Biến đổi khí hậu, Đại học Cần Thơ) cho biết Hội thảo quy tụ các nhà nghiên cứu đến từ Vương quốc Anh và Việt Nam từ nhiều lĩnh vực khác nhau, bao gồm môi trường xây dựng, kỹ thuật, quản lý, khoa học máy tính và khoa học xã hội… cùng bàn thảo, đưa ra những giải pháp nhằm giải quyết những thách thức về đô thị hóa và sự phát triển mà khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đang phải đối mặt, thông qua các sáng kiến liên quan đến thành phố thông minh và dữ liệu lớn.
Hội thảo tập trung vào các sáng kiến của Thành phố thông minh, bao gồm Internet Vạn vật (Internet-of-Things), Hệ thống không gian mạng thực-ảo (Cyber-Physical Systems) và Trí thông minh nhận biết môi trường xung quanh (Ambient Intelligence), để cung cấp một giải pháp hữu hiệu trước những thách thức trên.
Từ đó, xây dựng mối quan hệ hợp tác giữa các viện nghiên cứu và các doanh nghiệp Việt Nam và Vương quốc Anh, tập trung vào việc cải thiện các khía cạnh về xã hội, môi trường và kinh tế của khu vực đô thị.
Giáo sư Hisham Elkadi (Đại học Salford, Vương quốc Anh) bàn về mối liên kết giữa các viện, trường với ngành công nghiệp, những thách thức trong vận hành quan hệ Trường-Ngành công nghiệp (UI) để giải quyết bài toán về đô thị hóa.
Chìa khóa của vấn đề này nằm ở việc phát triển dựa trên công nghệ 4.0, Internet kết nối vạn vật (IoT).
Tuy nhiên, giáo sư Hisham Elkadi lưu ý vấn đề xây dựng chính sách cần phải chặt chẽ, thống nhất và khuyến khích phát triển, vì đây là một mảng mới, nếu chính sách không “chạy theo cho kịp” sẽ tạo độ vênh, gây nhiều bất lợi khi đưa mô hình “thành phố thông minh” vào vận hành trong thực tiễn.
Ông Ngô Bá Hùng (Đại học Cần Thơ) đưa ra cái nhìn tổng quan về mô hình “thành phố thông minh” dựa trên công nghệ Big Data. Theo đó, tất cả cơ sở hạ tầng như đường xá, hệ thống điện, nước, cây xanh… đều được lập trình và hoạt động dựa trên công nghệ cao.
Việc kết nối và truy xuất, chia sẻ dữ liệu giảm trung bình từ hai ngày xuống còn hai phút, chi phí giảm 5 lần so với phương thức hoạt động truyền thống. Mô hình thành phố thông minh, với những kết nối chặt chẽ sẽ giúp giảm sức người, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, dự báo sớm và chính xác các nguy cơ…
Tuy nhiên, do được vận hành trên nền tảng công nghệ thông tin, nên vấn đề bảo mật thông tin mạng cần được đảm bảo hàng đầu, bằng việc cần thực hiện đồng bộ các giải pháp Xây dựng một đội phản ứng khẩn cấp máy tính (CERT); Xây dựng quyền sở hữu rõ ràng; Phối hợp giữa các tài nguyên tư nhân và nhà nước; Phân loại sự cố phù hợp; Kiểm tra thường xuyên năng lực và quy trình phản ứng sự cố.
Đặc biệt, nhấn mạnh đến vai trò quan trọng của những “công chức số” – là những người làm trong bộ máy nhà nước có đủ năng lực làm chủ công nghệ./.
Theo Vietnamplus
Ý kiến ()