Kết nối lý thuyết và thực hành trong đào tạo đại học
Đường đến ngôi vô địch
Năm 2002, lần đầu tiên Trường đại học sư phạm kỹ thuật (ĐH SPKT) Hưng Yên tham dự sân chơi trí thức Robocon do Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức nhưng đã bị loại từ vòng bảng. Đến năm 2009, bốn đội tuyển của nhà trường mới xuất sắc vượt qua hơn 100 đội tuyển khu vực miền bắc lọt vào vòng 1/16. Kết quả năm đó, một đội đoạt giải ba toàn quốc và một đội đoạt giải ý tưởng sáng tạo cuộc thi. Cũng từ năm 2009, các đội tuyển của trường luôn là đối thủ lớn cho các đội tuyển khu vực phía bắc và toàn quốc. Một năm sau, năm 2010, trường có sáu đội tuyển lọt vào chung kết toàn quốc, một đội giành giải ba chung cuộc. Từ năm 2011 đến 2014, trường đều có từ ba đến năm đội lọt vào vòng chung kết toàn quốc, nhưng chưa một lần giành vị trí cao nhất.
Ngay sau khi Đài Truyền hình Việt Nam công bố chủ đề cuộc thi Robocon 2015 là “Đánh cầu lông đôi” với yêu cầu lập trình sao cho hai robot có thể đánh và đỡ trúng quả cầu lông, đồng thời tạo được những pha phát, đỡ cầu đẹp mắt, trường đã phát động và tổ chức cuộc thi ý tưởng, thiết kế các giải pháp cơ khí và các giải thuật điều khiển. Hàng nghìn sinh viên đều có cơ hội ngang nhau. Sáu đội tuyển ra đời được lựa chọn từ những sinh viên hội đủ kiến thức, niềm đam mê, sáng tạo và nhiệt huyết của các khoa Điện -Điện tử, Cơ khí…
Thầy giáo Vũ Đình Đạt, chỉ đạo viên đội tuyển Robocon Trường ĐH SPKT Hưng Yên cho biết: “Ngay sau khi thành lập các đội tuyển, các em sinh viên rất hào hứng và thể hiện quyết tâm giành ngôi vô địch. Có thể nói, trong giai đoạn chuẩn bị, các em gần như ăn ngủ cùng robot…”. Với sự chuẩn bị bài bản, tại vòng loại khu vực miền bắc, trong số 24 đội được lọt vào vòng chung kết toàn quốc, Trường ĐH SPKT Hưng Yên xuất sắc góp mặt bốn đội.
Tối 17-5, tại Nhà thi đấu đa năng TP Cần Thơ là một buổi tối không thể quên đối với toàn thể cán bộ, giảng viên và hàng chục nghìn sinh viên Trường ĐH SPKT Hưng Yên khi lần đầu tiên, hai đội của trường là FR1 và FIRE WIN lần lượt vượt qua hai đội mạnh ở trận bán kết (trong đó có đội đương kim vô địch Robocon khu vực châu Á – Thái Bình Dương 2014) giành quyền vào trận chung kết. FR1 giành chiến thắng trước đội Fire Win với tỷ số 5-3 và trở thành quán quân của cuộc thi năm 2015, đại diện cho Việt Nam tham dự cuộc thi Robocon châu Á -Thái Bình Dương diễn ra ở Inđô-nê-xi-a vào tháng 8. Có thể thấy, chặng đường 13 năm đến ngôi vương cuộc thi Robocon toàn quốc của Trường ĐH SPKT Hưng Yên là chặng đường kiên trì nỗ lực để chinh phục đỉnh cao tri thức.
Hiệu quả từ cách làm đúng
Trưởng khoa Điện – Điện tử, Trường ĐH SPKT Hưng Yên Nguyễn Phúc Đáo chia sẻ: Khoa đang xây dựng giáo trình dạy về robot, tổng hợp kiến thức kỹ năng về robot theo nhiều ứng dụng khác nhau. Nhà trường xác định bộ môn Robocon là một trong những chương trình học cơ bản. Để đáp ứng nhu cầu của thực tiễn và theo kịp sự phát triển xã hội, nhà trường xây dựng mối quan hệ với các trường đại học hàng đầu của các nước như Séc, Đức, Ô-xtrây-li-a Nhật Bản, Hàn Quốc… cử giảng viên đến các nước học tập, cập nhật những kiến thức, kỹ thuật mới.
Theo PGS, TS Trương Ngọc Tuấn, Phó hiệu trưởng Trường ĐH SPKT Hưng Yên: Thành công của đội Robocon Trường ĐH SPKT Hưng Yên khẳng định kết quả của cả một chủ trương, chiến lược đào tạo của nhà trường. Chúng tôi xác định đây là một hội thi khoa học, giúp sinh viên vừa nghiên cứu, sáng tạo kết hợp với thực hành, từ đó phong trào nghiên cứu Robocon lan rộng, giúp sinh viên không chỉ được bổ sung kiến thức lý thuyết, mà còn có thể học được những kiến thức thực tiễn bổ ích.
Cũng theo PGS, TS Trương Ngọc Tuấn, xác định sinh viên mới ra trường thường thiếu những kỹ năng gì, các nhà quản lý cần những gì từ sinh viên mới tốt nghiệp, nhà trường đã tìm hiểu, thiết lập mối quan hệ hợp tác với các doanh nghiệp trong việc đào tạo, chuyển giao công nghệ, thực tập, tuyển dụng việc làm cho sinh viên. Các doanh nghiệp là đối tác của nhà trường như: Ford, Toyota, Nissan, Canon, VNPT, Viettel, Mobiphone, May Đức Giang, May 10, Xi-măng Hoàng Thạch… Qua hợp tác giúp sinh viên khi ra trường được trang bị đầy đủ kỹ năng mềm, kiến thức thực tế…
Do có sự gắn kết đào tạo và thực tiễn cho nên số sinh viên ra trường có việc làm đúng ngành nghề đạt hơn 90%. Nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước đóng trên địa bàn tỉnh và các tỉnh lân cận đã tìm đến trường “đặt hàng” những sinh viên các khoa như Điện -Điện tử, Cơ khí, May… sau khi ra trường. Em Nguyễn Minh Phụng (xã Ngọc Long, Yên Mỹ) – một cựu sinh viên Khoa Điện – Điện tử, cũng là một thành viên đội Robocon của trường năm 2013, hiện làm Tổ trưởng tổ KCS Công ty Samsung Vina cho biết: “Sau khi ra trường, em tự nộp hồ sơ và qua những buổi phỏng vấn trực tiếp, em đã trúng tuyển vào làm tại tập đoàn lớn này. Phần lớn các bạn cùng lớp đều đã xin được việc làm đúng ngành đã được đào tạo…”. Ngày 21-5 vừa qua, trong ngày hội việc làm do trường tổ chức, đại diện nhà tuyển dụng Canon Việt Nam đã đánh giá rất cao sự năng động, sáng tạo và kỹ năng thực tế của sinh viên các khoa Điện – Điện tử, Cơ khí, Tự động hóa, Công nghệ thông tin… Nhất là những sinh viên trong các đội tuyển Robocon.
Trong khi đó, sinh viên ngành tự động hóa K9, Khoa Điện – Điện tử – thành viên đội vô địch Robocon 2015, cho biết: “Tới đây, khi ra trường, em hoàn toàn tự tin với tấm bằng kỹ sư Điện – Điện tử khi đi xin việc. Bởi trong quá trình học tập tại trường, em thường xuyên được thực hành, cọ sát với những tình huống thực tiễn đặt ra. Được tham gia cuộc thi Robocon là cơ hội rất tốt trong việc kết nối giữa lý thuyết và thực hành, qua đó, em có thể lập trình tự động hóa, lập trình một số ứng dụng nhỏ bằng vi điều khiển, tự thiết kế các bảng mạch điện tử có thể áp dụng cải tiến trong các nhà máy, xí nghiệp…”.
Ý kiến ()