Kết nối hai nền kinh tế Việt Nam-Lào về cả thể chế và hạ tầng
Hai bên tăng cường hoạt động xúc tiến đầu tư thương mại, tập trung đẩy thúc đẩy tăng trưởng kim ngạch thương mại, phấn đấu đạt múc tăng ổn định từ 10% trở lên so với năm 2021.
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong Thỏa thuận về Kế hoạch hợp tác giữa Việt Nam-Lào năm 2022 là kết nối hai nền kinh tế Việt Nam-Lào về cả thể chế và hạ tầng.
Chủ tịch Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam-Lào, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đưa ra thông tin trên tại cuộc họp báo kết quả Kỳ họp lần thứ 44 Ủy ban liên Chính phủ về hợp tác song phương Việt Nam-Lào đã được tổ chức sáng 10/1 tại Hà Nội.
Cuộc họp báo do Chủ tịch Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam-Lào, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng và Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiêm Chủ tịch Ủy ban hợp tác Lào-Việt Nam Sonexay Siphandone đồng chủ trì.
Thông tin sâu về kết quả kỳ họp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết tại kỳ họp này, hai bên đã bàn, thống nhất, cụ thể hóa các ý kiến kết luận của hai Bộ Chính trị vào Thỏa thuận Kế hoạch hợp tác giữa hai nước năm 2022.
Tại kỳ họp đã diễn ra lễ ký kết, trao 9 văn kiện hợp tác giữa hai bên, dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ hai nước, gồm thỏa thuận về Kế hoạch hợp tác Việt Nam-Lào năm 2022; Biên bản Kỳ họp lần thứ 44 Ủy ban liên Chính phủ về hợp tác song phương Việt Nam-Lào; 1 thỏa thuận triển khai dự án trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp; 5 thỏa thuận triển khai dự án trong lĩnh vực xây dựng.
Song song đó, Chủ tịch Ủy ban hợp tác hai nước đã trao bản cam kết giữa 3 cổ đông Việt Nam và Lào về việc thực hiện tăng tỷ lệ sở hữu của Chính phủ Lào từ 20% lên 60% vốn điều lệ tại Công ty cổ phần Cảng quốc tế Lào-Việt.
Trên cơ sở nội dung được cụ thể hóa vào các văn kiện kỳ họp mà hai Chủ tịch Ủy ban hợp tác hai nước vừa ký kết nêu trên, hai bên cùng thể hiện quyết tâm thực hiện ngay từ đầu năm nhằm thúc đẩy hợp tác trên tất cả các lĩnh vực chính trị, đối ngoại, an ninh quốc phòng, đầu tư-thương mại.
Chủ tịch Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam-Lào khẳng định với phương châm đổi mới, hành động quyết liệt, ngay sau kỳ họp này, Chính phủ sẽ quyết liệt chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, đơn vị liên quan, phối hợp chặt chẽ với các đối tác bạn Lào, triển khai ngay và thực hiện có hiệu quả các cam kết tại kỳ họp. Chính phủ cũng sẽ đặt ra mục tiêu tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh tại thị trường Lào.
Chủ tịch Ủy ban hợp tác Lào-Việt Nam nhấn mạnh những nội dung và định hướng trao đổi tại kỳ họp lần này có ý nghĩa quan trọng trong việc cụ thể hóa các thỏa thuận hợp tác cấp cao, giúp các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp hai nước thuận lợi hơn trong quá trình triển khai các hoạt động hợp tác, hướng tới thực hiện thành công thỏa thuận về Kế hoạch hợp tác hai nước năm 2022.
Về định hướng hợp tác kinh tế trong thời gian tới, hai bên đã thống nhất tập trung thực hiện tốt các tuyên bố chung; thỏa thuận hai Bộ Chính trị và các thỏa thuận khác; trong đó, có Thỏa thuận tại Kỳ họp 44. Đặc biệt, năm 2022, hai bên tăng cường hoạt động xúc tiến đầu tư thương mại, tập trung đẩy thúc đẩy tăng trưởng kim ngạch thương mại, phấn đấu đạt múc tăng ổn định từ 10% trở lên so với năm 2021.
Trong lĩnh vực hợp tác đầu tư, hai bên thống nhất tăng cường thu hút các tập đoàn, công ty có tiềm năng về tài chính, chuyên môn, ưu tiên đầu tư vào các lĩnh vực nông nghiệp sạch, công nghiệp chế biến chế tạo, khu vực có tiềm năng dọc theo biên giới Việt Nam-Lào.
Ngoài ra, hai bên sẽ đánh giá, phân tích, từ đó tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ và thúc đẩy triển khai thực hiện các dự án đầu tư quy mô lớn như thủy điện Xekaman 3, thủy điện Luang Prabang, khai thác và chế biến quặng bauxite và xây dựng nhà máy Alumina tại huyện Đắk Chưng tỉnh Sekong, Tổ hợp chăn nuôi bỏ và chế biến sữa tại tỉnh Xieng Khouang.
Về phía Việt Nam sẽ tiếp tục hỗ trợ những dự án mới được phía Lào cấp phép như dự án khai thác mỏ của Cavico tại tỉnh Bolikhamxay, dự án khai thác khoáng sản sắt của Tổng công ty Hợp tác kinh tế (COECCO)… để sớm triển khai, đóng góp vào việc phát triển kinh tế Lào.
Việt Nam-Lào tiếp tục thúc đẩy triển khai có hiệu quả Bản ghi nhớ giữa Chính phủ về Chiến lược hợp tác trong lĩnh vực giao thông vận tải giai đoạn 2016-2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Lào Phankham Viphavanh chụp ảnh chung Kỳ họp lần thứ 44 Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam-Lào. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Hai bên nhất trí giao Bộ Giao thông Vận tải Việt Nam và Bộ Công chính và Vận tải Lào để xuất thứ tự ưu tiên các dự án; trước mắt, tập trung nghiên cứu xây dựng và nâng cấp tuyến đường kết nối hành lang kinh tế Đông-Tây và kết nối với khu vực trong dự án phát triển giao thông vận tải trong các nước ASEAN và GMS và dự án xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Hà Nội-Vientiane.
Hai bên cũng nhất trí hoàn thành hạng mục khảo sát, lập báo cáo đánh giá tác động môi trường và xã hội của Dự án nâng cấp tuyến đường 18B vào bước nghiên cứu khả thi nâng cấp tuyến đường 18B bằng nguồn vốn viện trợ của Chính phủ Việt Nam dành cho Chính phủ Lào trong năm 2022.
Theo thỏa thuận về Kế hoạch hợp tác hai nước năm 2022, về phía Lào đồng ý về nguyên tắc điều chỉnh thời hạn BOT là 25 năm kể từ ngày nhà máy thủy điện Xekaman 3 phát điện trở lại. Hai bên cũng xem xét điều chỉnh giá bán điện phù hợp với tình hình thực tế. Bên cạnh đó, liên quan đến dự án mỏ sắt Phu Nhuon tại bản Na To, huyện Khuôn, tỉnh Xieng Khouang, phía Lào cam kết có giải pháp phù hợp nhằm đảm bảo quyền lợi của Công ty Vinacomin Lào, là đơn vị đã thực hiện khảo sát và thăm dò.
Bên cạnh các nội dung thỏa thuận liên quan đến hợp tác kinh tế, thỏa thuận về Kế hoạch hợp tác hai nước năm 2022 cũng ghi nhận nhiều điều khoản liên quan đến quan hệ chính trị, ngoại giao; hợp tác quốc phòng, an ninh; hợp tác giáo dục, phát triển nguồn nhân lực và đào tạo nghề; cũng như hợp tác trong các lĩnh vực khác…
Năm 2022, Việt Nam-Lào sẽ tổ chức Năm Đoàn kết hữu nghị Việt Nam-Lào, kỷ niệm 60 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao và 45 năm Ngày ký Hiệp ước hữu nghị Việt Nam-Lào và Lào-Việt Nam.
Với những kết quả tốt đẹp đạt được tại kỳ họp này, hai bên tin tưởng đây sẽ động lực mới, đưa hợp tác giữa hai nước ngày càng đi vào thực chất, hiệu quả, góp phần quan trọng vào việc củng cố và tăng cường mối quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam-Lào./.
-
Thủ tướng Phạm Minh Chính đón Thủ tướng Lào Phankham Viphavanh đến dự kỳ họp lần thứ 44 Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam-Lào. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Ý kiến ()