Kết nối giao thương nông lâm thủy sản Việt Nam – Trung Quốc qua tỉnh Vân Nam
Từ tháng 2/2022, Sở Nông nghiệp, nông thôn tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) cùng với Sở NN&PTNT 4 tỉnh Lào Cai, Hà Giang, Lai Châu và Điện Biên đã thiết lập cơ chế hợp tác hữu nghị. Đây là cơ chế hợp tác đầu tiên trong lĩnh vực nông nghiệp mà trực tiếp các bí thư tỉnh ủy làm việc với nhau để kết nối giao thương nông sản, mang lại hiệu quả thiết thực.
Ngày 31/5, đoàn công tác của Bộ NN&PTNT do Thứ trưởng Trần Thanh Nam làm Trưởng đoàn đã tham dự Diễn đàn kết nối giao thương nông lâm thủy sản Việt Nam – Trung Quốc qua tỉnh Vân Nam.
Tại diễn đàn, ông Lưu Xảo Tuyền, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp, nông thôn của tỉnh Vân Nam cho biết, một số tỉnh của Việt Nam và tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) có vị trí địa lý kề cận, có quan hệ mật thiết, phong tục tập quán tương đồng. Hợp tác nông nghiệp giữa hai bên có lịch sử lâu đời và duy trì đà phát triển tốt, đồng thời chiếm vị trí quan trọng trong hợp tác song phương.
Trong những năm gần đây, hợp tác nông nghiệp hai bên về cơ bản đã hình thành một mô hình trao đổi và hợp tác nông nghiệp nhiều cấp bậc, rộng và toàn diện. Hai bên cũng đang tích cực thúc đẩy hợp tác thương mại nông sản và đầu tư nông nghiệp.
Về thủy sản, tỉnh Vân Nam cũng có nhu cầu nhập thủy sản từ Việt Nam. Hiện Hải quan Trung Quốc cho phép đăng ký nhập khẩu thủy sản thông qua các nền tảng thông minh trên các website. Ngoài ra, Hải quan Trung Quốc cũng lấy mẫu độc lập để kiểm nghiệm, không liên quan và gây tốn chi phí cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Doanh nghiệp muốn đưa thủy sản Việt Nam vào Vân Nam, điều cần thiết là tuân thủ các quy định chung trên toàn thế giới.
Với các sản phẩm khô, phía Trung Quốc yêu cầu phải có tên khoa học theo phiên âm La tinh vì những mặt hàng này rất khó nhận diện. Do đó, khi đăng ký, đóng gói các doanh nghiệp buộc phải sử dụng thông tin chính xác nhất để xây dựng các chứng nhận, phục vụ khai báo hải quan, đại diện phía Vân Nam cho biết.
Để tăng cường hơn nữa hợp tác nông nghiệp địa phương, ông Lưu Xảo Tuyền đưa ra 3 đề xuất. Một là mở rộng hơn nữa các chuyến thăm và trao đổi lẫn nhau giữa các sở nông nghiệp và nông thôn của hai bên, tổ chức hội nghị trao đổi và hợp tác nông nghiệp lần thứ hai giữa Vân Nam và 4 tỉnh Tây Bắc của Việt Nam, tăng cường giao lưu và kết nối chiến lược phát triển nông nghiệp, đồng thời tìm thêm nhiều điểm hợp tác cùng có lợi.
Hai là tăng cường giao lưu, hợp tác khoa học kỹ thuật nông nghiệp, tiếp tục đẩy mạnh hợp tác đào tạo cán bộ kỹ thuật quản lý nông nghiệp, thị phạm khoa học kỹ thuật nông nghiệp, quảng bá giống cải tiến, phối hợp phòng chống dịch bệnh động thực vật xuyên biên giới, chia sẻ kinh nghiệm và công nghệ cho nhau.
Ba là tiếp tục mở rộng hợp tác thương mại và đầu tư nông nghiệp, cùng tổ chức các cuộc họp xúc tiến đầu tư nông nghiệp, gặp gỡ kết nối doanh nghiệp nông nghiệp, quảng bá môi trường đầu tư nông nghiệp, xây dựng nền tảng đối thoại, và khuyến khích thêm nhiều doanh nghiệp tham gia phát triển nông nghiệp.
Ông Lưu Xảo Tuyền nhấn mạnh: “Vân Nam đã mời các ngành và doanh nghiệp của Việt Nam đến Vân Nam để khảo sát, giao lưu và tham gia hội chợ. Vân Nam sẽ tạo dựng một môi trường kinh doanh quốc tế hóa, thuận lợi hóa và thị trường hóa và cung cấp dịch vụ toàn diện”.
Tại diễn đàn, Thứ trưởng Trần Thanh Nam đề nghị hai bên tiếp tục hướng tới giải pháp xây dựng chuỗi cung ứng nông sản. Cụ thể, lãnh đạo Bộ NN&PTNT đề xuất thành lập Hiệp hội Doanh nghiệp nông sản giữa doanh nghiệp của Vân Nam và Việt Nam. Trên cơ sở đó, các cơ quan quản lý nhà nước sẽ phối hợp tạo điều kiện giao thương hàng hóa.
Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhấn mạnh, để đảm bảo chất lượng nông sản xuất khẩu vào Vân Nam nói riêng và Trung Quốc nói chung, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo các đơn vị liên quan thực hiện nghiêm Lệnh 248 và Lệnh 249 của Tổng cục Hải quan Trung Quốc.
Với việc nâng cao giá trị chuỗi cung ứng nông sản, Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho biết, Chính phủ Việt Nam đang xúc tiến xây dựng chuỗi logistics, kho lạnh. Nhiều doanh nghiệp rất muốn tham gia, đầu tư. Đây chính là nền tảng tạo ra nguồn hàng ổn định, bền vững, chất lượng. Bên cạnh đó, Việt Nam đã xây dựng được nhiều vùng an toàn dịch bệnh với chăn nuôi. Nhu cầu đầu tư các khu chế biến vật nuôi ở biên giới là rất cần thiết.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam nhấn mạnh: “Với hơn 700 km biên giới, tiếp giáp với 4 tỉnh của Việt Nam là Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên, Hà Giang, đều có nhiều lợi thế về nông nghiệp với các sản phẩm như chè, mía, cây ăn trái, tôi hoàn toàn tin tưởng chúng ta sẽ cùng nhau phát triển trong một thị trường rộng mở, đa nhu cầu”.
Ý kiến ()