Kết nối giao thông: Tạo đà phát triển
– Trong những năm qua hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh không ngừng được nâng cấp, từng bước hoàn thiện với hệ thống các tuyến đường trục cao tốc Bắc – Nam, các tuyến đường ra cửa khẩu, khu vực vùng sâu khó khăn. Tuy nhiên, hệ thống giao thông còn thiếu đồng bộ. Vì thế, trong năm 2022, tỉnh tiếp tục huy động các nguồn lực đẩy mạnh triển khai các công trình hạ tầng giao thông có tính kết nối cao, lan toả mạnh để liên kết vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế và thu hút đầu tư.
Ưu tiên đầu tư các tuyến đường có tính kết nối liên tỉnh
Trong năm 2022, các dự án hạ tầng giao thông quan trọng có vai trò thúc đẩy kinh tế, quốc phòng – an ninh trên địa bàn tỉnh được ưu tiên thúc đẩy đầu tư gồm: Dự án Cao tốc Hữu Nghị – Chi Lăng dài 43 km (kết nối từ Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị với thủ đô Hà Nội); Dự án Cải tạo nâng cấp quốc lộ 4B đoạn km 3 700 đến km 18 và đoạn từ km 18 đến km 80 (kết nối phía Đông theo tuyến quốc lộ 4B đi tỉnh Quảng Ninh).
Thi công mặt cầu Tồng Lầy, xã Khánh Xuân, huyện Lộc Bình thuộc Dự án Cải tạo nâng cấp quốc lộ 4B đoạn km 3 700 đến km 18
Cả 3 dự án này đều đã được trung ương và tỉnh ghi kế hoạch vốn và đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025 và sử dụng nguồn vốn phục hồi kinh tế của trung ương với tổng mức đầu tư hơn 10 nghìn tỷ đồng.
Trong đó, Dự án Cải tạo, nâng cấp quốc lộ 4B đoạn km 3 700 đến km 18 với tổng mức đầu tư 988 tỷ đồng đang được tỉnh đầu tư xây dựng (khởi công năm 2021). Đây là dự án được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cấp ba, mặt đường rộng 24 m gồm 4 làn ô tô và 2 làn xe máy, vận tốc thiết kế 80 km/giờ. Tính đến hết tháng 11/2022, khối lượng thi công toàn dự án ước đạt 50% kế hoạch, trong đó, hạng mục mở mới nền, mặt đường đạt 60%, hoàn thành xây dựng 6/8 cầu trên toàn tuyến. Theo kế hoạch dự án sẽ hoàn thành trong tháng 6/2024.
Còn Dự án Cao tốc Hữu Nghị – Chi Lăng và Dự án Cải tạo nâng cấp quốc lộ 4B đoạn km 18 đến km 80 đang được tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng của tỉnh và các đơn vị liên quan khẩn trương thực hiện khâu chuẩn bị đầu tư, dự kiến khởi công trong năm 2023.
Theo Quyết định số 1454/QĐ-TTg ngày 1/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 – 2030 tầm nhìn đến năm 2050, đoạn cao tốc Hữu Nghị – Chi Lăng có chiều dài 43 km được quy hoạch 6 làn xe. Theo phân kỳ đầu tư, giai đoạn 1 thực hiện giải phóng mặt bằng theo quy hoạch mặt đường 32,25 m nhưng đầu tư quy mô 4 làn xe. Giai đoạn 2 đầu tư hoàn chỉnh đoạn tuyến theo quy hoạch được duyệt và thực hiện đầu tư tiếp đoạn đấu nối cao tốc với Cửa khẩu Tân Thanh và Cốc Nam với chiều dài khoảng 17 km. Trong đó đoạn kết nối Cửa khẩu Tân Thanh và Cốc Nam giải phóng mặt bằng nền đường rộng 17,5 m, 2 làn xe cơ giới và 2 làn dừng xe khẩn cấp quy mô nền mặt đường 13,5 m.
Để thực hiện 2 dự án này, tỉnh đã cân đối nguồn vốn từ ngân sách tỉnh để thực hiện giải phóng mặt bằng, xây dựng khu tái định cư và tham gia thi công xây lắp với kinh phí khoảng 3.400 tỷ đồng. Trong đó, bố trí vốn cho Dự án Cao tốc đoạn Hữu Nghị – Chi Lăng 2.500 tỷ đồng và bố trí thực hiện Dự án Cải tạo nâng cấp quốc lộ 4B đoạn km 18 đến km 80 là 900 tỷ đồng.
Như vậy, với việc đã và đang triển khai các công trình giao thông trọng điểm trong năm 2022, đến năm 2025, hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ của tỉnh sẽ có một diện mạo mới, tạo sức lan toả cao cả về kinh tế và xã hội. Trong đó, tâm điểm là dự án đoạn tuyến cao tốc Hữu Nghị – Chi Lăng hoàn thành kết nối với đoạn tuyến cao tốc Chi Lăng – Bắc Giang và Dự án Cải tạo nâng cấp toàn tuyến quốc lộ 4B địa bàn tỉnh Lạng Sơn dài 80 km sẽ kết nối với cao tốc Hạ Long – Tiên Yên của tỉnh Quảng Ninh.
Tăng cường đầu tư hạ tầng giao thông đến xã đặc biệt khó khăn, tuyến đường kết nối khu cụm công nghiệp
Năm 2022 cũng là năm tỉnh tiếp tục triển khai có hiệu quả các công trình hạ tầng giao thông đến các xã vùng đặc biệt khó khăn và các tuyến đường kết nối khu, cụm công nghiệp.
Ông Dương Công Vĩ, Giám đốc Sở Giao thông – Vận tải cho biết: Trong năm 2022, việc triển khai các công trình hạ tầng giao thông đối mặt với nhiều thách thức như diễn biến thời tiết mưa bão bất thường, nhiều công trình giao thông bị hư hỏng, công tác giải phóng mặt bằng dự án trọng điểm gặp nhiều vướng mắc liên quan đến đất đai, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, giá cả vật tư vật liệu biến động tăng… Tuy nhiên, ngành giao thông vận tải và các sở, ngành đã tập trung cao độ từng bước tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy thực hiện phát triển kết cấu hạ tầng giao thông kết nối liên vùng đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận.
Theo thống kê, trong năm 2022, toàn tỉnh thực hiện gần 200 công trình hạ tầng giao thông, trong đó có 20 dự án đầu tư tập trung cải tạo nâng cấp các tuyến quốc lộ, đường tỉnh và đường huyện kết nối với các xã vùng sâu và các tuyến đường kết nối khu cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Tính đến đầu tháng 12/2022, các đơn vị được giao chủ đầu tư đã hoàn thành xây lắp, đưa vào sử dụng một số dự án có tính kết nối cao như đường Trung Thành – Tân Minh đấu nối với đường tuần tra biên giới huyện Tràng Định dài 25 km; đường Hoa Thám – Quý Hoà – Vĩnh Yên, huyện Bình Gia dài 23 km; đường 245 xã Hoà Thắng, huyện Hữu Lũng dài 11 km; đường Hải Yến – Công Sơn – Mẫu Sơn, huyện Cao Lộc dài 7 km; đường Pác Ve – Điềm He, huyện Văn Quan dài 8 km; cải tạo nâng cấp một số đoạn tuyến trên quốc lộ 3B huyện Tràng Định với chiều dài 10 km…
Bên cạnh đó, trong năm 2022, tỉnh đã triển khai một số dự án hạ tầng giao thông kết nối với khu cụm công nghiệp liên tỉnh như dự án nút giao cao tốc với khu công nghiệp Hữu Lũng; đường giao thông kết nối giữa cảng Mỹ An (Bắc Giang) với Khu công nghiệp Hữu Lũng. Các công trình đã giúp mạng lưới giao thông kết nối của tỉnh ngày càng hoàn chỉnh giữa quốc lộ với đường tỉnh và đường huyện.
Bà Đinh Thị Oanh, Chủ tịch UBND xã Tân Minh, huyện Tràng Định cho biết: Tuyến đường tỉnh Trung Thành – Tân Minh đấu nối với tuyến đường tuần tra biên giới được hoàn thành, đưa vào khai thác đã giải toả được những ách tắc và là cú hích quan trọng để xã đẩy mạnh phát triển kinh tế, nâng cao đời sống Nhân dân cũng như thực hiện tốt nhiệm vụ củng cố quốc phòng an ninh khu vực xã biên giới Tân Minh nói riêng và các xã lân cận nói chung.
Chủ trương phát triển hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại được tỉnh đề ra trong những năm qua và đang được các ngành, chủ đầu tư tổ chức thực hiện một cách quyết liệt sẽ là cơ sở quan trọng để Lạng Sơn đẩy mạnh thu hút đầu tư và bứt phá phát triển nhanh, bền vững trong những năm tới.
Nêu cao trách nhiệm trong giải phóng mặt bằng
– Để triển khai hiệu quả các công trình hạ tầng giao thông trọng điểm trong năm 2022, các chủ đầu tư và UBND các huyện đã tích cực phối hợp, nêu cao tinh thần trách nhiệm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong giải phóng mặt bằng (GPMB) nhằm thúc đẩy việc triển khai các hạng mục.
Ông Hoàng Đình Tuệ, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh: “Tăng cường phối hợp với UBND các huyện để đẩy nhanh GPMB”
Trong năm 2022, Ban triển khai 10 công trình hạ tầng giao thông với tổng chiều dài khoảng 160 km. Để tạo mặt bằng thi công, ban đã tăng cường phối hợp với các địa phương nhằm thúc đẩy công tác bồi thường, GPMB Cụ thể, hằng tháng, lãnh đạo ban và UBND các huyện có dự án giao thông trọng điểm tổ chức họp đánh giá công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư các dự án. Cá biệt như Dự án Cải tạo nâng cấp quốc lộ 4B đoạn km 3 700 đến km 18, ban và UBND huyện Cao Lộc tổ chức họp kiểm điểm đánh giá công tác GPMB theo tuần. Nhờ đó, nhiều khó khăn vướng mắc về mặt bằng các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm đã được tháo gỡ, góp phần đẩy nhanh thi công các dự án.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Ban quản lý xây dựng và bảo trì các công trình hạ tầng giao thông (Sở Giao thông Vận tải): “Thiết lập tổ công tác hỗ trợ UBND các huyện thực hiện GPMB”
Mặt bằng sạch để tổ chức xây lắp các hạng mục công trình giao thông là vấn đề quan trọng nhất, quyết định đến tiến độ các công trình. Do đó, khi thực hiện các công trình hạ tầng giao thông ban đều thiết lập tổ chuyên trách gồm các cán bộ chuyên môn giỏi nghiệp vụ để hỗ trợ các huyện thúc đẩy công tác GPMB. Trong năm 2022, ban đã thành lập 5 tổ công tác của chủ đầu tư, mỗi tổ 3 cán bộ để hỗ trợ UBND các huyện thực hiện GPMB. Việc chủ động tham gia hỗ trợ UBND các huyện đã góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án như: Dự án Cải tạo nâng cấp quốc lộ 4A, Dự án Đường Tân Tri – Nghinh Tường, huyện Bắc Sơn.
Ông Nguyễn Mạnh Tuấn, Chủ tịch UBND huyện Bình Gia: “Huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc thực hiện GPMB”
Huyện Bình Gia đang được đầu tư 2 công trình hạ tầng giao thông trọng điểm của tỉnh gồm đường Hoa Thám – Quý Hoà – Vĩnh Yên dài 23 km và đường Tân Văn – Hồng Thái – Bình La dài hơn 10 km. Khi triển khai dự án, huyện đã huy động cả hệ thống chính trị từ cấp huyện đến cơ sở phối hợp với chủ đầu tư và các sở, ngành liên quan để thực hiện có hiệu quả công tác GPMB. Đặc biệt, huyện yêu cầu các phòng, ban chuyên môn phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư và UBND các xã tham mưu, đề xuất tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong GPMB. Nhờ đó, đến nay, huyện đã hoàn thành 100% khối lượng cần thực hiện GPMB đối với 2 công trình giao thông trọng điểm của tỉnh.
Ý kiến ()