Kết nối du lịch vùng Nam Trung Bộ
Các tỉnh Bình Ðịnh, Phú Yên và Khánh Hòa đều có chung thế mạnh về biển đảo, có thể kết nối để tạo nhiều sản phẩm du lịch mới. Song, cho tới nay, vẫn chưa có nhiều hoạt động liên kết, kết nối cụ thể, thiết thực; cho nên chưa có những sản phẩm du lịch mang tính đặc trưng chung của cả vùng.
Các tỉnh Bình Ðịnh, Phú Yên và Khánh Hòa đều có chung thế mạnh về biển đảo, có thể kết nối để tạo nhiều sản phẩm du lịch mới. Song, cho tới nay, vẫn chưa có nhiều hoạt động liên kết, kết nối cụ thể, thiết thực; cho nên chưa có những sản phẩm du lịch mang tính đặc trưng chung của cả vùng.
Phát huy lợi thế
Theo TS Trần Du Lịch và nhóm tư vấn hợp tác vùng duyên hải miền trung, các tỉnh trong khu vực nói chung, các tỉnh Bình Ðịnh, Phú Yên và Khánh Hòa nói riêng có tiềm năng to lớn trong phát triển loại hình du lịch biển, đảo với các sản phẩm nghỉ dưỡng biển, thể thao trên biển, du lịch sinh thái biển, lặn biển… Ðây được coi là những sản phẩm du lịch đặc sắc của các địa phương này. Song vấn đề đặt ra là làm thế nào để không chỉ mỗi địa phương đều có sản phẩm đặc trưng, mà khu vực cũng có những sản phẩm chung, mang tính toàn vùng.
Những năm gần đây, lợi thế du lịch biển, đảo của Khánh Hòa đang được phát huy, mang lại hiệu quả kinh tế – xã hội cao. Nhiều thương hiệu du lịch được thế giới đánh giá cao thể hiện qua các cuộc bình chọn như: Khu du lịch suối khoáng nóng I-resort Nha Trang, Khu nghỉ dưỡng An Lâm Ninh Vân bay Villas, Khu nghỉ mát Ana Mandara, Vinpearl Land… Thời điểm này, so với cùng kỳ năm 2012, số lượt khách du lịch quốc tế đến Nha Trang (Khánh Hòa) tăng 35%, trong đó, khách du lịch là người Nga tăng tới 190%; riêng trong tháng 10, số ngày khách quốc tế lưu trú tại TP Nha Trang đạt 2,41 ngày/người, cao hơn mức trung bình thời gian lưu trú trong 10 tháng đầu năm 2013…
Bên cạnh việc khai thác các điểm văn hóa – lịch sử, như các tháp Chăm, Bảo tàng Quang Trung, nghệ thuật tuồng, bài chòi… tỉnh Bình Ðịnh tiếp tục đầu tư hình thành công trình Ðàn tế trời đất cũng như tôn tạo các di tích Bến Trường Trầu, thành Hoàng Ðế, tháp Dương Long… Nhiều tua du lịch trên các tuyến này được khai thác có hiệu quả, thu hút lượng lớn du khách. Ðến nay, Bình Ðịnh có hơn 120 cơ sở kinh doanh lưu trú. Ngoài các khách sạn lớn, một số cơ sở lưu trú đã chú trọng đầu tư nâng cấp. Giám đốc khách sạn Hải Âu Nguyễn Văn Phúc cho biết: “Khách sạn đã khai thác loại hình du lịch MICE (du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, triển lãm, tổ chức sự kiện, du lịch khen thưởng của các công ty cho nhân viên, đối tác) đem lại hiệu quả rất tốt.
Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Yên, những năm gần đây, khách quốc tế, trong đó có nhiều du khách Nga chọn Phú Yên làm điểm dừng chân nghỉ dưỡng, số lượng năm sau tăng hơn năm trước. Nếu năm 2012 chỉ có khoảng 1.000 lượt khách người Nga thì trong chín tháng đầu năm 2013, Phú Yên đón hơn 41.000 lượt khách quốc tế, trong đó du khách Nga chiếm số lượng lớn.
Tại tỉnh Khánh Hòa, lượng du khách Nga đến tham quan có mức tăng trưởng rất cao trong ba năm trở lại đây, chiếm tỷ lệ cao nhất trong tổng số khách nước ngoài đến TP Nha Trang (Khánh Hòa). Ông Ngô Võ Bách Việt, Trưởng văn phòng đại diện Công ty TNHH Du lịch Ánh Dương (đơn vị lữ hành khách Nga) tại TP Nha Trang cho biết: Chỉ trong chín tháng đầu năm 2013, công ty đã đạt 100 nghìn lượt khách Nga.
Chưa thể so với TP Ðà Nẵng hay TP Nha Trang, thời gian gần đây các tỉnh Phú Yên, Bình Ðịnh cùng một số tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ cũng trở thành điểm đến được nhiều du khách Nga biết đến và lựa chọn. Nguyên nhân khiến khách Nga đến Việt Nam nhiều là vì sức hút của biển đảo, điều kiện thời tiết, khí hậu lý tưởng và giá cả dịch vụ hợp lý. Ðiều kiện tự nhiên, xã hội khu vực các tỉnh Bình Ðịnh, Phú Yên và Khánh Hòa có nhiều nét tương đồng, thích hợp để du khách Nga lưu trú tránh mùa đông. Ðây là điều kiện thuận lợi để du lịch các địa phương nói trên thu hút lượng lớn du khách Nga trong thời gian tới.
Theo đánh giá của Tổng cục Du lịch, tiềm năng thị trường khách du lịch Nga là rất lớn. Ði du lịch chủ yếu là để nghỉ dưỡng, du khách Nga rất thích tắm biển, tắm nắng, khám phá cảnh đẹp thiên nhiên; thích đến các khu nghỉ dưỡng biển, nhất là những khu nghỉ dưỡng biển cao cấp. Nhiều điểm đến như Ðà Nẵng, Mũi Né, Nha Trang, Vũng Tàu, Phú Quốc…, từng bước đáp ứng được yêu cầu ấy cho nên đã tạo được sức hút ngày càng lớn đối với du khách Nga. Cũng theo Tổng cục Du lịch, các tỉnh Phú Yên, Bình Ðịnh và Khánh Hòa cần phối hợp trong việc đầu tư nghiên cứu, xây dựng các sản phẩm du lịch phù hợp nhiều phân khúc thị trường khác nhau, bởi đất nước Nga rất rộng lớn, đặc điểm, tâm lý, sở thích của những phân khúc khách du lịch có khác nhau.
Trên cơ sở đó, các địa phương có thể cùng đề ra các nhóm giải pháp, cơ chế hợp tác liên ngành, liên vùng để tăng hiệu quả thực hiện nghiên cứu thị trường của Nga, nắm vững nhu cầu của từng phân khúc riêng biệt; duy trì sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng biển; nâng cấp và đa dạng hóa các dịch vụ du lịch biển; tăng khả năng chi tiêu, kéo dài ngày lưu trú của khách Nga ở Việt Nam; xây dựng các sản phẩm du lịch tổng hợp và chuyên đề phục vụ các đối tượng khách Nga…
Xét về điều kiện chung thì thuận lợi, song để khai thác tốt nhất tiềm năng thị trường du khách Nga hiện vẫn đang là bài toán rất khó không chỉ đối với Bình Ðịnh, Phú Yên mà ngay cả đối với Khánh Hòa, địa phương được đánh giá là trội hơn một chút về điều kiện thu hút du khách. Ðơn cử, thực tế hiện nay, ở Nha Trang tìm được một hướng dẫn viên du lịch nói tiếng Nga là rất khó. Ðiều này cho thấy, chúng ta đã chưa có bước “đón đầu” thật tốt.
Khách du lịch nước ngoài lặn khám phá biển ở TP Nha Trang. Ảnh: LÊ MINH
Kết nối còn hạn chế
Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Phú Yên Ngô Văn Ðịnh cho biết, sau khi được thành lập và tiến hành đại hội lần thứ nhất, hiệp hội du lịch ba tỉnh Phú Yên, Bình Ðịnh và Khánh Hòa đã có sự liên kết, cùng giúp nhau phát triển. Trong đó, Khánh Hòa và Bình Ðịnh vốn có bước phát triển sớm hơn về các sản phẩm du lịch, như Bình Ðịnh có Festival võ cổ truyền quốc tế, Khánh Hòa có Festival biển. Năm 2014 tỉnh Phú Yên dự định sẽ tổ chức Festival thủy sản. Vấn đề đặt ra là cần phải có sự liên kết như thế nào giữa ba sự kiện này để phát huy hiệu quả một cách cao nhất, tránh chồng chéo, kém hiệu quả.
Xét về tiềm năng, Bình Ðịnh, Phú Yên và Khánh Hòa đều có chung thế mạnh về biển đảo, song lại có những nét rất riêng như Bình Ðịnh gắn thêm với du lịch văn hóa, lịch sử; Phú Yên gắn với du lịch văn hóa, lễ hội, tham quan; Khánh Hòa gắn với du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cao cấp. Ba địa phương có thể nối kết nhiều mặt để tạo nhiều sản phẩm du lịch mới. Chẳng hạn như du lịch nghỉ dưỡng biển là điểm tương đồng. Song sự liên kết, kết nối cho tới nay vẫn nặng hình thức, chưa có nhiều những hoạt động cụ thể, thiết thực. Cho nên, những giá trị của tiềm năng chưa được đánh thức, phát huy một cách đúng mức.
Theo các chuyên gia về du lịch, cả ba tỉnh có lợi thế du lịch và cơ cấu kinh tế tương đối giống nhau, vì vậy cần phải liên kết thật chặt chẽ để cùng phát triển. Thí dụ như các hiệp hội du lịch ba tỉnh Bình Ðịnh, Phú Yên và Khánh Hòa cùng hỗ trợ nhau trong phát triển thị trường khách du lịch nước Nga. Theo đó, các tỉnh sẽ tổ chức tua theo kiểu chia sẻ khách lưu trú cho nhau một cách phù hợp theo các phân khúc, phân đoạn như đã nói ở trên.
Một trong những hạn chế cơ bản của du lịch cả ba tỉnh Bình Ðịnh, Phú Yên và Khánh Hòa là, hoạt động kinh doanh du lịch của các thành phần kinh tế trên địa bàn tuy có bước phát triển nhưng số lượng, quy mô, loại hình kinh doanh còn nhỏ, đơn điệu, sản phẩm du lịch chưa phong phú, chất lượng chưa cao, sức cạnh tranh kém. Việc xác định sản phẩm du lịch đặc thù, chủ lực của từng địa phương hiện vẫn còn mờ nhạt; chưa có sự kết nối các sản phẩm du lịch nhằm khai thác lợi thế quy mô vùng; chưa đầu tư đúng mức để tạo ra các sản phẩm du lịch vượt trội. Nhiều hạn chế cố hữu của các địa phương còn chậm được khắc phục, như cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch chưa đồng bộ, nguồn nhân lực du lịch chưa bảo đảm, toàn vùng còn thiếu các cơ sở đào tạo chuyên sâu, trình độ ngoại ngữ của đội ngũ ngành du lịch hạn chế. Ðặc biệt, sự liên kết phát triển du lịch giữa các địa phương chưa có nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả, chưa có sự liên kết thật sự đúng mức để tạo nên những sản phẩm du lịch mang tính vùng miền…
Cần một tầm nhìn, bước đi thích hợp
Theo đánh giá của ngành du lịch, sản phẩm du lịch được đánh giá có tính liên kết nổi bật là “Con đường di sản” của du lịch Trung Bộ kết nối ba địa phương trong vùng là Thừa Thiên – Huế, Ðà Nẵng và Quảng Nam. Bài học rút ra ở đây là muốn có kết nối, bản thân từng địa phương phải xác định cho được sản phẩm đặc thù của mình là gì, có vai trò, vị trí như thế nào trong chuỗi liên kết. Xác định được như vậy mới có thể có định hướng xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm một cách bền vững.
Có thể lấy thí dụ như Khánh Hòa đã làm rất nhiều việc để thu hút du khách Nga và xác định đây là thị trường chiến lược. Khi đã xác định như vậy, Khánh Hòa đang và sẽ có những giải pháp, bước đi phù hợp để tạo môi trường tốt nhất thu hút du khách Nga. Trong kế hoạch phát triển du lịch của địa phương, Phú Yên xác định rõ cần đặc biệt chú trọng đến du khách Nga trong phát triển thị trường khách quốc tế. Trên cơ sở đó, tỉnh đã có định hướng, ưu tiên đầu tư để đáp ứng thị hiếu, nhu cầu của đối tượng khách này. Có thể nói, với điều kiện thực tế cũng như tiềm năng sẵn có, việc kết nối giữa ba địa phương nhằm khai thác hiệu quả thị trường du khách Nga là một hướng đi mới, nhiều triển vọng, bởi đây là một thị trường có tiềm năng rất lớn.
Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 định hướng vùng duyên hải Nam Trung Bộ là một trong bảy vùng du lịch của cả nước, có vai trò hết sức quan trọng trong phát triển du lịch Việt Nam. Xuất phát từ cơ sở đó, rất cần có một quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng đến năm 2020 và tầm nhìn 2030, xác định cụ thể hướng xây dựng các loại hình, sản phẩm du lịch đặc trưng của từng địa phương và của toàn vùng cũng như bước đi thích hợp trong đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng; xây dựng chiến lược xúc tiến; tạo thương hiệu du lịch riêng cho vùng duyên hải miền trung.
Theo Nhandan.vn

Ý kiến ()