Kết nối Đông Bắc Ấn Độ và Vịnh Bengal với Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương
Cao ủy Australia tại Ấn Độ nhấn mạnh việc kết nối khu vực Đông Bắc Ấn Độ và Vịnh Bengal với một Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương bền vững và thịnh vượng là rất quan trọng với quá trình phát triển kinh tế.
Giới chuyên gia, các nhà hoạch định chính sách Nhật Bản, Australia và Ấn Độ đã tham gia cuộc đối thoại về chủ đề: “Một Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương thịnh vượng: Tăng cường hợp tác ở các nước láng giềng Đông và Đông Bắc của Ấn Độ” do nền tảng trực tuyến The Asian Confluence (Ấn Độ) phối hợp với Tổng Lãnh sự quán Australia tại thành phố Kolkata (Ấn Độ) tổ chức.
Phóng viên TTXVN tại New Delhi dẫn tờ The Economic Times ngày 28/7 cho biết đại diện 3 nước tham gia đối thoại đã nhấn mạnh đến sự phát triển bền vững của khu vực Đông Bắc Ấn Độ bằng cách tạo ra các chuỗi giá trị linh hoạt, tạo thuận lợi cho thương mại, phát triển hơn nữa cơ sở hạ tầng kết nối đồng thời phù hợp với nguyện vọng của người dân trong khu vực.
Tham gia cuộc đối thoại trên có một số học giả, nhà đầu tư, doanh nhân với nhiều ý tưởng sáng tạo góp phần thúc đẩy quan hệ đối tác Ấn Độ-Australia ở cấp độ song phương trong các lĩnh vực như khai khoáng, giáo dục, năng lượng…
Trong bài phát biểu khai mạc, Cao ủy Australia tại Ấn Độ Barry O ‘Farrell nhấn mạnh việc kết nối khu vực Đông Bắc Ấn Độ và Vịnh Bengal với một Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương bền vững và thịnh vượng là rất quan trọng đối với quá trình phát triển kinh tế.
Thông qua kết nối và thương mại được tăng cường, khu vực Đông Bắc có thể trở thành cửa ngõ đến các nước láng giềng và ASEAN.
Theo ông, sự gián đoạn do COVID 19 gây ra đã làm gia tăng nhu cầu xây dựng các chuỗi cung ứng linh hoạt không chỉ cho cung ứng y tế và dược phẩm thiết yếu mà còn cho nông nghiệp, sản xuất…
Về phía Ấn Độ, Thứ trưởng Ngoại giao phụ trách phương Đông Riva Ganguly Das cho biết Ấn Độ đã công bố Sáng kiến Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (IPOI) với 7 trụ cột và Sáng kiến SAGAR (an ninh và tăng trưởng cho tất cả mọi người trong khu vực).
Bên cạnh đó, ông Kengo Akamine, Đại diện cấp cao của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Ấn Độ, đã trình bày về các dự án mà Nhật Bản đang thực hiện trong khu vực và nhấn mạnh sự cần thiết của việc thiết lập ưu tiên cho các dự án theo cách thức chiến lược.
Quan hệ đối tác ba bên Ấn Độ-Australia-Nhật Bản có thể được khai thác sâu hơn trong khu vực trong các lĩnh vực phát triển kết nối và tạo thuận lợi thương mại.
Trong khi đó, cựu Thứ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Anil Wadhwa cho rằng du lịch bền vững, xuất khẩu trà, đồ gỗ, thương mại kỹ thuật số… là những lĩnh vực hợp tác có nhiều tiềm năng.
Hiện nay có 1.500 công ty Nhật Bản ở Ấn Độ, nhưng không có bất kỳ dây chuyền sản xuất nào ở khu vực Đông Bắc Ấn Độ./.
Ý kiến ()