Kết nối doanh nghiệp với người tiêu dùng
LSO-Thời gian qua, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” luôn được tỉnh quan tâm triển khai. Qua đó, tác động tích cực đến tâm lý tiêu dùng của người dân từ thành thị đến nông thôn. Để có được kết quả đó, ngành công thương tỉnh đã thực hiện nhiều chương trình kết nối doanh nghiệp Việt với người tiêu dùng trên địa bàn.
Người dân huyện Tràng Định tham quan, mua sắm tại phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn |
Để hàng Việt đến được tay người tiêu dùng thì nguồn hàng là vấn đề quan trọng. Ngành công thương đã tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp phân phối hàng hóa trên địa bàn ưu tiên nhập và kinh doanh mặt hàng sản xuất trong nước, có thương hiệu, uy tín và chất lượng. Từ năm 2010 đến nay, ngành công thương thường xuyên tổ chức các phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn, trung bình mỗi năm từ 3 đến 5 phiên, nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phân phối tiếp cận, tìm hiểu thị trường cũng như tâm lý tiêu dùng của người dân nông thôn.
Chỉ tính gần 5 tháng đầu năm 2017, Trung tâm Xúc tiến thương mại, Sở Công thương đã phối hợp cùng Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp tổ chức chương trình đưa hàng Việt Nam chất lượng cao về nông thôn tại 3 huyện: Bình Gia, Văn Quan và Cao Lộc. Các chương trình đã thu hút được 20 nhà sản xuất hàng Việt lớn, có uy tín trong cả nước tham gia và hơn 30.000 lượt khách hàng đến tham quan, mua sắm.
Ông Bùi Văn Phấn, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại cho biết: Chương trình đưa hàng Việt về nông thôn tại các huyện được tổ chức đều có quy mô khoảng 30 gian hàng. Các doanh nghiệp phối hợp thực hiện chương trình không vì mục tiêu doanh thu và lợi nhuận. Điểm nổi bật là toàn bộ kinh phí thực hiện chương trình được xã hội hóa, các mặt hàng do trực tiếp nhà sản xuất đưa đến và đều là hàng Việt Nam chất lượng cao. Doanh nghiệp tham gia được Ban Tổ chức lựa chọn kỹ, đảm bảo về chất lượng, chiến lược thị trường phù hợp. Qua đó, giúp nhà sản xuất hàng Việt hiểu rõ nhu cầu tiêu dùng của người dân nông thôn Lạng Sơn cũng như chỗ đứng của hàng hóa mình trên thị trường.
Việc thực hiện chương trình kết nối với các doanh nghiệp Việt uy tín ở các tỉnh, thành khác trên cả nước không chỉ đạt hiệu quả trong thời điểm thực hiện chương trình mà còn mang lại một hiệu ứng tích cực đối với các nhà phân phối lớn trên địa bàn tỉnh. Đến nay, hầu hết các nhà phân phối hàng hóa trên địa bàn tỉnh đều chú trọng hàng Việt. Một số đơn vị lớn như: Công ty TNHH Thương mại và xây dựng Thiên Phú, Công ty TNHH Hoàng Nguyên, Công ty Cổ phần Thành Đô, Doanh nghiệp tư nhân Trần Lệnh Thương… đều phân phối trên 90% là hàng Việt. Các đơn vị đã xây dựng được mạng lưới bán hàng rộng khắp đến vùng sâu, vùng xa của các huyện.
Ông Trần Thế Kiên, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và xây dựng Thiên Phú cho biết: Công ty thường xuyên tham gia chương trình đưa hàng Việt về nông thôn. Hiện nay, gần 100% hàng do công ty phân phối là sản xuất trong nước. Cùng với đó, công ty xác định mục tiêu là thị trường khu vực nông thôn, theo chủ trương phân phối là đường ô tô đi được đến đâu thì đưa hàng về đến đó.
Được biết, từ nay đến cuối năm 2017, ngành công thương tiếp tục tổ chức 4 phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn, trong đó có 2 phiên cấp quốc gia và 2 phiên cấp tỉnh. Mục tiêu vẫn là phát huy vai trò của các nhà phân phối hàng Việt, ưu tiên những đơn vị mới, có sản phẩm hàng hóa đã được kiểm định và đang trong quá trình xây dựng thương hiệu, tìm kiếm thị trường.
Với sự nỗ lực của ngành chức năng, sự đồng thuận và hưởng ứng của cộng đồng doanh nghiệp, Lạng Sơn đang dần hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2020, hàng Việt sẽ chiếm lĩnh thị trường từ thành thị đến nông thôn và 100% người tiêu dùng có tâm lý mua sắm hàng Việt.
ANH DŨNG
Ý kiến ()