Kết nối doanh nghiệp giúp nông dân bán hàng
Tỉnh Long An hiện có gần 7.200 ha trồng cây chanh (chủ yếu là chanh không hạt), tập trung ở các huyện Bến Lức, Ðức Huệ, Thủ Thừa, Thạnh Hóa, trong đó nhiều nhất là Bến Lức với 4.200 ha. Theo quy hoạch đã được UBND tỉnh phê duyệt đến năm 2020, sẽ phát triển diện tích trồng chanh lên 10.000 ha (chủ yếu là chanh không hạt) theo hướng chuyên canh quy mô lớn.
Tuy nhiên, theo các hộ nông dân, cây chanh là một trong những loại cây trồng có hiệu quả kinh tế khá cao, lợi nhuận thu được hằng năm đạt từ 150 đến 250 triệu đồng/ha. Nhưng hiện đầu ra cho sản phẩm chưa ổn định, người dân phần lớn vẫn phụ thuộc vào thương lái, giá chanh quả hiện nay lên xuống thất thường, có lúc lên hơn 30.000 đồng/kg, nhưng có khi rớt giá thê thảm.
Do đó, để cây chanh phát triển một cách bền vững, người trồng mong muốn có sự đồng hành của các nhà khoa học hướng dẫn nông dân ứng dụng khoa học – kỹ thuật vào sản xuất, góp phần nâng cao sản lượng và chất lượng sản phẩm. Ðồng thời, cần có các doanh nghiệp đứng ra bao tiêu sản phẩm để có đầu ra ổn định với mức giá hợp lý. Bên cạnh đó, các ngành chức năng cần có nhiều chính sách quy hoạch hợp lý để bảo đảm hài hòa quan hệ cung cầu, tránh trường hợp cung vượt cầu làm giá xuống thấp; khuyến khích người dân ứng dụng khoa học – kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP…
Ðồng thời, xây dựng các chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu dùng để bảo đảm có đầu ra ổn định. Các ngành và các địa phương liên quan cùng đồng hành tháo gỡ khó khăn cho người nông dân và doanh nghiệp để mô hình trồng cây chanh có thể phát triển bền vững.
Theo Nhandan
Ý kiến ()