Kết nối đầu tư cho 5 dự án xuất sắc về công nghệ giáo dục
5 nền tảng, giải pháp công nghệ giáo dục xuất sắc trong khuôn khổ hoạt động của làng công nghệ giáo dục của Techfest năm nay đã được các chuyên gia cố vấn, huấn luyện, chia sẻ kinh nghiệm và kết quả đã giành được sự quan tâm của các nhà đầu tư tại chỗ, các quỹ đầu tư online sau khi trình bày ý tưởng, các kế hoạch kinh doanh tại buổi thuyết trình kết nối đầu tư vừa diễn ra.
5 nền tảng, giải pháp đó là: Nền tảng tổng hợp, phân loại và phát sóng sự kiện qua công nghệ livestream (nhóm Baseslive); Dino đi học (Công ty CP Truyền thông IRIS); kính thông minh cho người khiếm thị (nhóm BTEK); mỹ phẩm trầm hương (nhóm khởi nghiệp đến từ Đại học Lâm nghiệp); hệ thống xử lý và tái chế rác thải tại các trường học (nhóm khởi nghiệp đến từ Trường đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội).
Các giải pháp đã trải qua cuộc thi “Tìm kiếm ngôi sao khởi nghiệp” nằm trong khuôn khổ hoạt động của làng công nghệ giáo dục năm nay và đã đoạt giải nhất, giải nhì của Cuộc thi.
Cuộc thi năm nay không chỉ nhằm phát hiện các giải pháp công nghệ phát triển giáo dục – văn hóa – thể thao và startups từ trường đại học, mà còn chú trọng hỗ trợ, đào tạo các nhóm startup, tăng tính ứng dụng của các dự án với sự tư vấn của hội đồng chuyên gia có chuyên môn về chuyển đổi số và giáo dục. Sau khi đoạt giải, các nhóm đã được các cố vấn là các doanh nhân có nhiều kinh nghiệm đào tạo, huấn luyện trong 3 tháng để phát triển ý tưởng kinh doanh của mình, cách thức kêu gọi vốn đầu tư.
Tại buổi thuyết trình, các nền tảng, giải pháp được đánh giá bắt kịp xu thế chuyển đổi số trong giáo dục. “Dino đi học” là ứng dụng giáo dục sớm dành cho trẻ độ tuổi 3 – 6, đã tích hợp 5 môn học tiểu học với 1.000 bài học, hơn 10 nghìn hoạt động học, và kho bài tập giúp phát triển các kỹ năng của trẻ như: ngôn ngữ, tiếng Anh, toán, kỹ năng sống và thể chất…
“Kính thông minh cho người khiếm thị” được Ban Giám khảo đánh giá là sản phẩm mang tính nhân văn. Nhóm đã phát triển mắt kính thông minh áp dụng trí tuệ nhân tạo để hỗ trợ người khiếm thị trong sinh hoạt và làm việc, với bốn chức năng chính: Trợ lý ảo, đọc văn bản, nhận dạng tiền mặt, mô tả không gian. Người khiếm thị khi sử dụng chỉ cần bật công tắc, chọn chức năng và sử dụng.
“Nền tảng tổng hợp, phân loại và phát sóng sự kiện qua công nghệ livestream” giúp cho trung tâm đào tạo hay các trường học tạo ra website dạy học trực tuyến hiệu quả, đáp ứng nhu cầu học online ngày càng tăng sau dịch Covid-19.
“Mỹ phẩm trầm hương” được đánh giá là táo bạo, sáng tạo trong việc sử dụng cao trầm hương và tinh dầu trầm hương để làm sản phẩm làm đẹp, chống lão hóa, dưỡng thần. Lợi thế của nhóm là có đội ngũ nghiên cứu phát triển sản phẩm và chủ động nguyên liệu tinh dầu trầm hương.
Tại buổi thuyết trình gọi vốn, các startup đều chia sẻ, điểm yếu của họ là thiếu kỹ năng phát triển thị trường, thiếu vốn, hạ tầng cho các ứng dụng, do đó mong muốn các nhà đầu tư đồng hành để đưa sản phẩm ra thị trường trong nước và nước ngoài.
Kết quả, bốn dự án ở giai đoạn ươm mầm đã nhận được sự quan tâm lớn và quyết định đầu tư của các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài. Dựa án “Dino đi học” được nhà đầu tư từ Singapore quan tâm và đề nghị đồng hành phát triển thị trường quốc tế. “Hệ thống xử lý và tái chế rác thải” tại các trường học ký với Quỹ SRI 10.000 USD, ký với hai nhà bao tiêu đầu ra và có một nhà đầu tư quan tâm, tiếp cận. Đội “Mỹ phẩm trầm hương” ký với Công ty HQH Holdings 1,1 tỷ đồng và một số nhà đầu tư quan tâm. “Nền tảng tổng hợp, phân loại và phát sóng sự kiện qua công nghệ livestream” giành 500 triệu đồng của một nhà đầu tư cá nhân. “Kính thông minh cho người khiếm thị” có nhà đầu tư từ Singapore, với 15.000 USD.
Ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết, quá trình huấn luyện của các chuyên gia rất có giá trị, giúp năm dự án điển hình của làng công nghệ giáo dục có thêm tư duy tầm nhìn, cách định vị thị trường và khách hàng, góp phần đưa đến kết quả gọi vốn thành công cho các startup.
Sự quan tâm của các nhà đầu tư đã chứng tỏ khả năng thuyết phục của các startup tốt và số tiền đầu tư nhận được chứng tỏ các em khẳng định được tài năng của mình với các nhà đầu tư. Các dự án sẽ tiếp tục dự Cuộc thi Techfest 2021 để có cơ hội kêu gọi thêm vốn đầu tư. Tin rằng, với sự đồng hành của các tập đoàn, truyền thông, các nhà cố vấn sẽ tạo được hệ sinh thái bền vững để các bạn trẻ vững vàng với những cách đi mới.
Ý kiến ()