Kết nối cung - cầu hàng hóa giữa “ba nhà” tại khu vực phía bắc
Ngày 1-10, Bộ Công thương phối hợp UBND Thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị "Kết nối cung - cầu hàng hóa giữa các cơ sở công nghiệp nông thôn với hệ thống phân phối khu vực phía bắc năm 2015" nhằm thúc đẩy việc tiêu thụ sản phẩm hàng hóa trong nước, đề xuất các giải pháp để gắn chặt mối liên kết giữa ba nhà gồm: nhà quản lý, nhà sản xuất và nhà phân phối.
Mục tiêu của hội nghị nhằm tạo điều kiện kết nối và tăng cường phối hợp giữa các cơ sở công nghiệp nông thôn với các doanh nghiệp đầu mối tiêu thụ và phân phối sản phẩm, hàng hóa trong nước; thông qua các kênh phân phối định hướng sản xuất, kinh doanh phù hợp, hình thành chuỗi cung ứng bền vững và hiệu quả nhằm góp phần thực hiện thành công Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Báo cáo tại Hội nghị, ông Hoàng Chính Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp địa phương (Bộ Công thương) cho biết: Chín tháng đầu năm 2015 sản xuất công nghiệp trong khu vực có mức tăng trưởng khá, cơ cấu nội bộ ngành công nghiệp chuyển dịch tích cực, với tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục tăng cao (chín tháng đầu năm 2015 tăng 19,9% so với cùng kỳ năm 2014), đóng góp lớn vào mức tăng của toàn ngành công nghiệp.
Các sản phẩm đầu vào cho sản xuất như ngành điện, ngành khai khoáng có mức tăng trưởng đã cho thấy sự phục hồi của sản xuất. Xuất khẩu hàng hoá tiếp tục duy trì tăng trưởng khá. Xuất khẩu của nhóm hàng công nghiệp điện, điện tử, dệt may, nông sản… tiếp tục góp phần quan trọng vào tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu chung. Các doanh nghiệp đã tận dụng khai thác nhiều hơn lợi thế hàng hóa xuất khẩu được hưởng ưu đãi thuế quan do các Hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương mà Việt Nam đã ký kết để đẩy mạnh xuất khẩu vào các thị trường này. Kim ngạch nhập khẩu tăng tập trung chủ yếu ở nhóm hàng phục vụ cho nhu cầu sản xuất hàng tiêu dùng và xuất khẩu.
Tại khu vực phía bắc, nổi bật là các hoạt động kết nối của TP Hà Nội với tỉnh Bắc Giang, Hải Dương tiêu thụ trái cây, nông sản như vải, ổi, na… Thông qua chương trình, các doanh nghiệp, ban quản lý chợ của TP Hà Nội cam kết tiếp tục đẩy mạnh, kết nối tiêu thụ cho vải thiều và nông sản tỉnh Hải Hương, Bắc Giang trong năm 2015 và các năm tiếp theo. Một số doanh nghiệp Hà Nội đã tích cực hỗ trợ tiêu thụ vải thiều với số lượng lớn như hệ thống siêu thị Co.opmart tiêu thụ 55 tấn, Hệ thống siêu thị Fivi-mart tiêu thụ 35 tấn, Hệ thống siêu thị Vinmart tiêu thụ 30 tấn, Hệ thống siêu thị Big C thiêu thụ 25 tấn. Tỉnh Thái Bình đã tổ chức liên kết tiêu thụ nông sản thực phẩm, thủy sản với Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh. Tỉnh Lạng Sơn đã liên kết với Cao Bằng, Bắc Giang, Hà Nội, Bắc Cạn, Yên Bái nhằm khai thác, chế biến sâu khoáng sản, tạo sản phẩm có giá trị cao, hướng tới thay thế hàng nhập khẩu.
Như vậy, cùng với các khu vực miền trung – Tây Nguyên, phía nam, tại khu vực phía bắc, việc phát triển mạng lưới phân phối tại các tỉnh/thành trong thời gian qua đã giúp gắn kết với việc thu mua, tiêu thụ sản phẩm, giải quyết lao động và thực hiện nhiệm vụ bình ổn thị trường tại các địa phương. Sau gần hai năm thực hiện hoạt động kết nối cung cầu hàng hóa lan tỏa với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp trong cả nước, đã được Lãnh đạo các tỉnh/thành đánh giá rất cao và đã được nhân rộng trong thời gian qua.
Phát biểu tại hội nghị, bà Hồ Thị Kim Thoa, Thứ trưởng Công thương khẳng định: Đây là cơ hội tốt để các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn tiếp xúc trực tiếp với hệ thống phân phối, đề xuất nhu cầu cung ứng và tiêu thụ hàng hóa công nghiệp nông thôn với các hệ thống phân phối truyền thống và hiện đại, Ngoài ra, hội nghị còn tạo sự gắn kết giữa nhà quản lý, nhà sản xuất và nhà phân phối, từ đó xây dựng chiến lược phù hợp trong việc nghiên cứu, phát triển và mở rộng thị trường, định hướng sản xuất phù hợp, hình thành chuỗi cung ứng bền vững, hiệu quả.
Tham luận tại hội nghị, ông Sébastien Lestang, Giám đốc điều hành Hệ thống siêu thị BigC, khu vực phía bắc đã có đánh giá cao tiềm năng, thế mạnh của hàng Việt Nam và khẳng định, ngay từ khi mới thành lập, BigC đã đặt mục tiêu tập trung kinh doanh hàng Việt Nam và trở thành cầu nối đưa hàng Việt Nam ra thị trường thế giới.
Ông Sébastien Lestang khẳng định, các mục tiêu và chiến lược kinh doanh của BigC luôn gắn chặt với mục tiêu quảng bá hàng Việt và được cụ thể hóa bằng nhiều hoạt động cụ thể nhằm đồng hành cùng hàng Việt, như chú trọng phát triển các gian hàng Việt trong siêu thị (95% hàng hóa trong siêu thị là hàng hóa sản xuất tại Việt Nam) và tích cực quảng bá đến người tiêu dùng, với chính sách thu mua – ưu tiên hàng nội.
Cũng tại hội nghị, đã có hơn 40 biên bản thỏa thuận được ký kết giữa đơn vị phân phối tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp sản xuất. Bên cạnh đó, Ban Tổ chức cũng đã bố trí khu trưng bày để các doanh nghiệp giới thiệu sản phẩm đặc trưng đến các đại biểu và người tiêu dùng.
Theo Nhandan.org.vn
Ý kiến ()