Hội nghị Đầu tư và Phát triển đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) năm 2010, với chủ đề: “Liên kết và Phát triển” do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ và UBND 13 tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư trong khu vực được tổ chức tại Trung tâm Hội nghị Hoa Sứ, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ từ ngày 5 đến 6-9-2010.
Tham dự hội nghị, có khoảng 800 đại biểu đại diện Văn phòng Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo của 13 tỉnh, thành phố trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long; các hiệp hội, tập đoàn kinh tế, ngân hàng, các tổ chức, doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước; các Đại sứ quán, Tổng lãnh sự quán, Tham tán Thương mại của 12 quốc gia và vùng lãnh thổ thuộc châu Âu, châu Á, châu Mỹ và châu Úc. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, dự và chỉ đạo hội nghị.
Đây là dịp hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương trong khu vực đẩy mạnh thu hút đầu tư, khai thác có hiệu quả tiềm năng lợi thế, tăng nhanh tốc độ phát triển kinh tế – xã hội của từng địa phương và cả vùng. ĐBSCL với lợi thế so sánh về phát triển nông nghiệp, với nguồn lao động dồi dào và thị trường tiêu thụ hàng hóa lớn, là điều kiện để đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến nông, hải sản, các loại dịch vụ có giá trị gia tăng cao thúc đẩy công nghiệp tiêu dùng, phát triển thị trường trong nước và xuất khẩu. Hai chủ đề tọa đàm quan trọng tại Hội nghị với nhiều tham luận là “Liên kết để tạo đột phá trong phát triển vùng ĐBSCL bền vững” và “Chia sẻ kinh nghiệm đầu tư thành công tại vùng ĐBSCL”.
Phát biểu ý kiến chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: Vùng ĐBSCL hằng năm đóng góp khoảng 18% GDP của cả nước. Đây còn là vùng sản xuất nông nghiệp, thủy sản hàng hóa lớn nhất Việt Nam, hằng năm sản xuất khoảng 50% sản lượng lúa, 52% sản lượng thủy sản, đóng góp khoảng 90% lượng gạo xuất khẩu và khoảng 60% kim ngạch xuất khẩu thủy sản của cả nước. Kinh tế của vùng liên tục tăng trưởng với tốc độ khá cao, bình quân giai đoạn 2006 – 2010 đạt 10 – 12%/năm; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ trong GDP ngày càng tăng lên; kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội, nhất là cung cấp điện, giao thông, thủy lợi, y tế, giáo dục có bước phát triển quan trọng; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân tiếp tục được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm khá nhanh. Các bộ, ngành T.Ư đã xây dựng nhiều quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội vùng ĐBSCL. Tuy nhiên kết quả đạt được chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế to lớn của vùng, thu hút đầu tư trực tiếp của nước ngoài hạn chế, thấp xa so với các vùng khác. Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội, chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển. Thủ tướng vui mừng trước việc Ban Tổ chức lựa chọn chủ đề hội nghị khá thiết thực với sự phát triển của vùng ĐBSCL, như phát triển quy hoạch vùng và chính sách thu hút đầu tư, chương trình đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng giao thông; Định hướng phát triển nông nghiệp và quản lý nguồn nước, phát triển công nghiệp chế biến, phát triển nguồn nhân lực. Thủ tướng mong rằng các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL có sự liên kết một cách chặt chẽ hơn, cùng nhau xây dựng những cơ chế, chính sách thu hút và thúc đẩy đầu tư, phát triển mang tính liên vùng, khai thác thật tốt các tiềm năng, thế mạnh của cả vùng, huy động cao nhất các nguồn lực bên trong và bên ngoài, ngày càng có nhiều các dự án đầu tư đủ lớn, đủ tầm mang biểu tượng của sự liên kết vùng, sớm đem lại hiệu quả thiết thực cho sự phát triển kinh tế – xã hội bền vững, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân vùng ĐBSCL. Thủ tướng đề nghị chính quyền các tỉnh thuộc ĐBSCL tăng cường công tác rà soát, điều chỉnh quy hoạch, đẩy mạnh cải cách hành chính, có những cơ chế, chính sách phù hợp, thông thoáng để thu hút đầu tư trên nền các quy định chung, phù hợp điều kiện đặc thù của địa phương, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư triển khai sản xuất, kinh doanh hiệu quả, mang lại lợi ích cho cả các nhà đầu tư và phía Việt Nam.
Kết thúc hội nghị, có 10/122 dự án đầu tư thuộc tám lĩnh vực (cơ sở hạ tầng, năng lượng, du lịch, khu dân cư, khu công nghiệp, thương mại – dịch vụ chế biến thủy sản, giáo dục) tại Bạc Liêu, Trà Vinh, Bến Tre, Vĩnh Long và TP Cần Thơ được ký kết với tổng số vốn đầu tư gần 910 triệu USD.
Ý kiến ()