Kết luận của BCH T.Ư Ðảng (khóa XI) một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị từ trung ương đến cơ sở
Ngày 28-5-2013, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thay mặt BCH T.Ư Ðảng đã ký ban hành Kết luận số 64-KL/T.Ư Hội nghị T.Ư 7 (khóa XI) một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị từ trung ương đến cơ sở. Kết luận nêu rõ:
Ngày 28-5-2013, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thay mặt BCH T.Ư Ðảng đã ký ban hành Kết luận số 64-KL/T.Ư Hội nghị T.Ư 7 (khóa XI) một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị từ trung ương đến cơ sở. Kết luận nêu rõ:
Ban Chấp hành Trung ương đã xem xét Tờ trình của Bộ Chính trị về Ðề án “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị từ trung ương đến cơ sở”; kết luận về tình hình và nguyên nhân. Kết luận đã nêu rõ quan điểm, mục tiêu và giải pháp tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị từ trung ương đến cơ sở. Về quan điểm, nội dung bản Kết luận chỉ rõ: Ðổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị phải bám sát, cụ thể hóa, thể chế hóa các quan điểm của Cương lĩnh, Ðiều lệ, Văn kiện Ðại hội XI của Ðảng, đồng bộ với nội dung sửa đổi Hiến pháp năm 1992; bảo đảm tăng cường vai trò lãnh đạo của Ðảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước, phát huy quyền làm chủ của nhân dân; giữ vững ổn định chính trị, xã hội, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong thời kỳ mới.
Ðổi mới, hoàn thiện đồng bộ giữa các tổ chức trong hệ thống chính trị, đồng bộ với đổi mới thể chế kinh tế, phù hợp với đổi mới nội dung và phương thức lãnh đạo của Ðảng trong điều kiện Ðảng duy nhất cầm quyền, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Ðổi mới, kiện toàn tổ chức bộ máy phải gắn với hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức; xác định rõ quan hệ giữa tập thể lãnh đạo với cá nhân phụ trách; quyền hạn đi đôi với trách nhiệm và đề cao trách nhiệm của người đứng đầu.
Về tổ chức bộ máy, không nhất thiết ở T.Ư có tổ chức nào thì ở địa phương cũng có tổ chức đó. Căn cứ điều kiện cụ thể, tiêu chí và quy định khung của trung ương, địa phương có thể lập (hoặc không lập) tổ chức sau khi được sự đồng ý của cấp trên có thẩm quyền. Về biên chế, cần tăng cường kiêm nhiệm một số chức danh trong các tổ chức của hệ thống chính trị. Ðổi mới mạnh mẽ về tổ chức và cơ chế hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công.
Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị cần thực hiện mạnh mẽ với quyết tâm chính trị cao. Những vấn đề thực tiễn đòi hỏi, đã đủ rõ, chín muồi thì kiên quyết thực hiện. Những vấn đề chưa đủ rõ thì khẩn trương nghiên cứu, làm thí điểm và tổng kết thực tiễn để làm rõ, có bước đi thích hợp, không nóng vội, chủ quan, duy ý chí. Những chủ trương đã thực hiện, nhưng thực tiễn khẳng định là không phù hợp thì điều chỉnh, sửa đổi ngay.
Về mục tiêu, được xác định rõ trong Kết luận: Ðổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị từ trung ương đến cơ sở nhằm xây dựng tổ chức bộ máy đồng bộ, tinh gọn, có tính ổn định, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có số lượng hợp lý, có phẩm chất chính trị, đạo đức, trình độ, năng lực chuyên môn nghiệp vụ ngày càng cao, đáp ứng được yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chính trị và có tiền lương, thu nhập bảo đảm cuộc sống.
Kết luận đã xác định các nhiệm vụ, giải pháp. Trong đó nêu nội dung cụ thể: Ðối với tổ chức đảng; Ðối với Nhà nước; Ðối với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị – xã hội; Giải pháp về biên chế và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Bản Kết luận cũng nêu những yêu cầu và nội dung tổ chức thực hiện để bảo đảm việc thực hiện thống nhất, đồng bộ, đạt kết quả cao.
Theo Nhandan
Ý kiến ()