Kết hợp hài hoà và tổng thể trong phát triển du lịch biển đảo
Du lịch biển, đảo đang trở thành một chiến lược phát triển của ngành du lịch Việt Nam trong giai đoạn trước mắt cũng như lâu dài. Năm Du lịch quốc gia 2011 với chủ đề “Du lịch biển, đảo” là cơ hội quảng bá du lịch biển, đảo Việt Nam trên quy mô toàn quốc, để du khách trong và ngoài nước khám phá những nét hoang sơ, kỳ thú của biển, đảo Việt Nam nói chung cũng như khu vực Nam Trung bộ và tỉnh Phú Yên nói riêng.
Việt Nam nằm trong những nước có nhiều bãi biển, vịnh và đảo đẹp nhất thế giới với 3.200km bờ biển từ Móng Cái đến Hà Tiên cùng những giá trị cảnh quan đa dạng của hơn 40 vũng, vịnh; các giá trị sinh thái vùng ven biển cùng hàng nghìn đảo lớn nhỏ. Nhiều bãi biển, vịnh biển của Việt Nam được du khách thế giới biết đến như vịnh Hạ Long, vịnh Nha Trang hay bãi biển Đà Nẵng được Tạp chí Forbes bầu chọn là một trong 6 bãi tắm quyến rũ nhất hành tinh đã chứng minh sức hút của biển Việt Nam đối với du khách trong và ngoài nước. Hiện có rất nhiều bãi biển thuận lợi cho việc phát triển du lịch, tiêu biểu như: Sầm Sơn (Thanh Hoá), Cửa Lò (Nghệ An), Nhật Lệ (Quảng Bình), Thuận An, Lăng Cô (Huế), Nha Trang, Vũng Tàu, Hà Tiên – Phú Quốc (Kiên Giang), Phan Thiết – Mũi Né (Bình Thuận)…
Cùng với các bãi biển thiên nhiên thu hút du khách, hệ thống cơ sở lưu trú vùng ven biển cũng không ngừng tăng lên, trong đó, các cơ sở lưu trú từ 3 sao trở lên phần lớn tập trung ở các địa phương ven biển. Theo thống kê, vùng ven biển có gần 1.400 cơ sở lưu trú với trên 45.000 buồng. Du lịch biển phát triển góp phần thúc đẩy sự phát triển của nhiều ngành kinh tế khác, tạo thêm việc làm, góp phần đảm bảo an ninh quốc phòng, bảo vệ môi trường biển. Các sản phẩm du lịch biển, đảo thu hút lượng khách du lịch đông nhất và mang lại doanh thu cao nhất. Du lịch biển đảo hiện chiếm khoảng 70% hoạt động của ngành du lịch Việt Nam, được xem là một trong 5 hướng đột phá về phát triển kinh tế biển và ven biển với mục tiêu phát triển du lịch biển giai đoạn 2011-2020 trở thành ngành động lực kinh tế của Việt Nam. Theo đó, phấn đấu đến năm 2020 du lịch biển Việt Nam phải đứng vào nhóm nước có du lịch biển phát triển nhất khu vực. Hình thành ít nhất 5 khu du lịch biển tầm cỡ có sức cạnh tranh cao trong khu vực là khu du lịch Hạ Long – Cát Bà, khu du lịch Lăng Cô – Sơn Trà – Hội An, khu du lịch Nha Trang – Cam Ranh, khu du lịch Phan Thiết – Mũi Né và khu du lịch Phú Quốc. Đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng các cảng du lịch chuyên dụng: Hạ Long, Đà Nẵng, Nha Trang, TP.HCM và Phú Quốc…
Nhiều chuyên gia nghiên cứu địa lý du lịch khẳng định, Việt Nam có vị trí đặc biệt thuận lợi để phát triển nhiều loại sản phẩm du lịch biển, tài nguyên du lịch của Việt Nam có lợi thế hơn hẳn các nước trong khu vực song năng lực cạnh tranh của ngành du lịch Việt Nam còn hạn chế. Việc xây dựng thương hiệu, xây dựng và phát triển bền vững tiềm năng du lịch biển đảo của Việt Nam rất cần sự kết hợp hài hoà, tổng thể của công tác quản lý, kinh doanh du lịch của nhiều cấp ngành, DN liên quan. Ông Nguyễn Văn Khoa, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Bình Thuận cho biết, trên nền sự phong phú và đa dạng của tài nguyên du lịch biển Việt Nam, những giá trị tài nguyên du lịch tiêu biểu có giá trị quốc tế như: Vịnh Hạ Long, vịnh Nha Trang… cần được khai thác trong khuôn khổ gìn giữ và bảo tồn, xem đó là lợi thế so sánh của du lịch biển Việt Nam với các nước trong khu vực.
Ông Huỳnh Anh Dũng – Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Ngọc Sương cho rằng, trong xây dựng và phát triển du lịch biển, cần nhận thức rõ việc gìn giữ môi trường, tạo cảnh quan đẹp, văn minh của làng quê… Mục tiêu trong tương lai du lịch Việt Nam cũng cần hướng đến là phát triển du lịch thân thiện và bền vững với môi trường, với các sản phẩm du lịch đa dạng gắn liền với phát triển bền vững. Việt Nam sở hữu một đường bờ biển dài và đẹp, nguyên sơ nhất châu Á và đây là yếu tố quan trọng để Việt Nam xây dựng thương hiệu điểm đến du lịch biển. Hơn nữa, Việt Nam có thể tự hào là một điểm đến du lịch an toàn và giá rẻ so với các quốc gia trong khu vực, nên chúng ta hoàn toàn có thể tự tin quảng bá để thu hút du khách đến nghỉ dưỡng.
Ngoài ra, việc khai thác thủy sản, bảo tồn các loài sinh vật quý hiếm phải được thực hiện đúng quy định pháp luật, nghiêm cấm khai phá bằng bom mìn, gây ô nhiễm và có thể hủy diệt các loài sinh vật trong nước, đặc biệt là các loài sinh vật quý hiếm như san hô sống… Vấn đề sinh thái rừng cũng rất quan trọng trong cấu trúc rừng, biển đảo và làng quê, vì vậy việc bảo vệ, tồn tu các quần thể rừng là việc vừa cấp bách vừa lâu dài, cần được quan tâm sâu sắc để mang lại môi trường sống chất lượng cho người dân nói chung và đáp ứng tốt nhu cầu của ngành du lịch nói riêng.
Ý kiến ()