Kéo dài thời gian hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp đến hết năm 2021
* Khẩn trương ứng phó hạn hán, xâm nhập mặn
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 22/2019/QĐ-TTg ngày 26-6-2019 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp.
Theo đó, kéo dài thời gian thực hiện hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp. Cụ thể, thời gian thực hiện hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp từ ngày Quyết định số 22/2019/QĐ-TTg có hiệu lực (26-6-2019) đến hết ngày 31-12-2021 (quy định cũ là 31-12-2020). Quyết định cũng sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 4 về mức hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp. Cụ thể, cá nhân sản xuất nông nghiệp thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo theo quy định của pháp luật về chuẩn nghèo đa chiều quốc gia áp dụng cho giai đoạn 2021 – 2025 được hỗ trợ 90% phí bảo hiểm nông nghiệp.
* Trung tâm dự báo Khí tượng – Thủy văn quốc gia cho biết, không khí lạnh đã ảnh hưởng đến hầu hết các nơi ở phía tây Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Hôm nay 29-1, do ảnh hưởng của không khí lạnh, ở Bắc Bộ trời rét, vùng núi có nơi rét đậm với nhiệt độ thấp nhất từ 12 đến 15 0C, vùng núi từ 9 đến 12 0C, vùng núi cao dưới 6 0C. Ở các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế trời rét với nhiệt độ thấp nhất ở khoảng từ 15 đến 18 0C. Trên biển, khu vực bắc và giữa Biển Đông, vùng biển từ Quảng Trị đến Cà Mau và vùng biển phía tây khu vực nam Biển Đông gió đông bắc mạnh cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8, biển động mạnh; sóng biển ở khu vực bắc và giữa Biển Đông cao từ 3,0 đến 5,0 m, ở vùng biển từ Quảng Trị đến Cà Mau cao từ 2,0 đến 4,0 m. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do gió mạnh trên biển: Cấp 1.
* Cũng theo Trung tâm dự báo Khí tượng – Thủy văn quốc gia, xâm nhập mặn vùng đồng bằng sông Cửu Long mùa khô năm 2020 – 2021 ở mức cao hơn trung bình nhiều năm, nhưng không nghiêm trọng như mùa khô năm 2019 – 2020; các đợt xâm nhập mặn cao nhất ở cửa sông Cửu Long khả năng tập trung trong tháng 2 (từ 10 đến 15-2, từ 26-2 đến 2-3), tháng 3 (từ 12-3 đến 16-3, từ 25-3 đến 29-3); riêng các sông Vàm Cỏ, Cái Lớn vào tháng 3, 4 (từ 9-4 đến 14-4, từ 24-4 đến 28-4), sau giảm dần. Các địa phương khu vực đồng bằng sông Cửu Long cần chủ động các biện pháp phòng, chống xâm nhập mặn.
* Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Cà Mau cho biết, từ hôm nay đến 31-1, độ mặn trên các sông, rạch ở Cà Mau có xu hướng tăng nhẹ. Theo đó, dự báo độ mặn tại trạm TP Cà Mau là 21,5 phần nghìn và tại trạm Sông Đốc là 29,5 phần nghìn; cấp độ rủi ro thiên tai xâm nhập mặn trên các sông, rạch, ảnh hưởng của triều cường có khả năng ở cấp 1.
* Ngày 28-1, UBND tỉnh Tiền Giang tổ chức đắp đập ngăn mặn, trữ ngọt trên kênh Nguyễn Tấn Thành (xã Song Thuận và xã Bình Đức, huyện Châu Thành) và bảy đập khác trên địa bàn tỉnh. Hiện, mặn đã xâm nhập và ảnh hưởng trực tiếp đến hai nhà máy nước sinh hoạt chủ lực của tỉnh Tiền Giang. Độ mặn đo được vào sáng 27-1 tại TP Mỹ Tho là 1,73 g/l và cống Xoài Hột là 1,03 g/l, vượt ngưỡng cho phép về nước sinh hoạt.
* Để phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn trong mùa khô năm nay, UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu các huyện Nga Sơn, Thọ Xuân, thị xã Bỉm Sơn, thị xã Nghi Sơn, TP Thanh Hóa đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm công tác tưới thông suốt từ đầu mối đến mặt ruộng. Đồng thời, yêu cầu UBND các huyện khẩn trương hoàn thiện kế hoạch phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn trong mùa khô năm 2021.
Ý kiến ()