Kênh xúc tiến thương mại hiệu quả thời kỳ hội nhập
LSO-Trong hội nhập, các doanh nghiệp cần đề ra chiến lược và chính sách xúc tiến thương mại phù hợp với đặc điểm sản phẩm, cơ sở hạ tầng và tập quán tiêu dùng của khách hàng tiềm năng. Thực tế đã cho thấy hội chợ thương mại là một kênh rất hiệu quả để các doanh nghiệp tìm kiếm khách hàng, quảng bá sản phẩm và mở rộng thị trường.
Người dân chọn mua hàng tại Hội chợ Thương mại Quốc tế Việt – Trung năm 2013 |
Trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế, mọi thông tin về doanh nghiệp đều cần được công khai, minh bạch. Chất lượng sản phẩm hàng hóa sản xuất trong nước cần được nâng cao, thương hiệu phải được khẳng định không chỉ trên thị trường trong nước mà cả thị trường nước ngoài và trong lòng khách hàng. Chính về vậy, một kênh xúc tiến thương mại có hiệu quả cao và áp dụng được đối với đa số ngành hàng và thị trường hiện nay là tham gia các hội chợ thương mại tại thị trường mục tiêu.
Chỉ tính riêng trong năm 2013, trên địa bàn tỉnh đã tổ chức gần 20 hội chợ thương mại lớn, nhỏ tại các huyện, thành phố. Trong đó, đã có những hội chợ thành công hơn cả mong đợi của ban tổ chức. Tiêu biểu như Hội chợ Thương mại quốc tế Việt- Trung được tổ chức vào cuối tháng 11 năm 2013 với quy mô 375 gian hàng, thu hút trung bình mỗi ngày khoảng 10.000 lượt khách hàng đến tham quan, mua sắm và đạt tổng doanh thu gần 35 tỷ đồng trong một tuần tổ chức. Đặc biệt, trong thời gian diễn ra hội chợ, đã có hơn 50 biên bản ghi nhớ hợp tác kinh tế được các doanh nghiệp ký kết.
Thông qua các hội chợ, cộng đồng doanh nghiệp đã trực tiếp xây dựng được hình ảnh thân thiện với người tiêu dùng, ngoài ra còn có cơ hội tiếp xúc với các nhà phân phối sản phẩm tiềm năng, các đơn vị tư vấn quảng cáo, các showroom trưng bày sản phẩm cũng như những chuyên gia trong lĩnh vực xúc tiến thương mại.
Đồng thời, tại hội chợ, doanh nghiệp có thể áp dụng nhiều chính sách xúc tiến thương mại khác như: chương trình dùng thử sản phẩm, khuyến mại, phát các video quảng cáo hoặc quảng cáo bằng âm thanh, pa nô, cờ phướn, tờ rơi… Thông qua thu thập các ý kiến góp ý tại hội chợ cũng giúp doanh nghiệp định ra một chiến lược sản phẩm và kinh doanh hợp lý trong tương lai nhằm thoả mãn nhu cầu của khách hàng tại thị trường mục tiêu. Đối với các doanh nghiệp mới thành lập, sản phẩm còn mới lạ trên thị trường, thì tham gia hội chợ thương mại là cách nhanh nhất để giới thiệu sản phẩm một cách trực tiếp đến với khách hàng và cũng là cơ hội tốt nhất để thăm dò phản ứng của khách hàng đối với sản phẩm của mình.
Chị Nguyễn Thị Phượng, Giám đốc Công ty Mái nhà xanh tâm sự: Công ty mới thành lập đầu năm 2013 và chuyên sản xuất các loại nước rửa chén, bát. Là một sản phẩm có thương hiệu mới, trước mắt thị trường mục tiêu là tại địa bàn tỉnh. Do mới thành lập nên vốn đầu tư cho quảng cáo còn hạn chế, chính vì vậy, ban lãnh đạo công ty quyết định chọn phương án tham gia các hội chợ thương mại được tổ chức trên địa bàn tỉnh để quảng bá sản phẩm. Thực tế qua mỗi hội chợ mà công ty tham gia thì doanh số bán sản phẩm lại tăng, sản phẩm của công ty đã được khách hàng chấp nhận và dần khẳng định được uy tín trên thị trường. Cũng qua đó, công ty rút ra được những kinh nghiệm để xây dựng chiến lược kinh doanh, tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm và lấy được niềm tin của khách hàng. Khác với trường hợp của Công ty Mái nhà xanh, Công TNHH Chế biến và xuất khẩu nông, lâm sản Lạng Sơn lại có thị trường mục tiêu là ở các nước trên thế giới như Anh, Ấn Độ, Mỹ… nhưng công ty vẫn thường xuyên có gian hàng tại các hội chợ thương mại.
Chị Phạm Thu Giang, Giám đốc Công ty cho biết: công ty chuyên xuất khẩu hoa hồi và các sản phẩm từ hoa hồi ra thị trường thế giới. Tuy sản phẩm của công ty không phải là hàng tiêu dùng thông dụng trong nước nhưng công ty vẫn thường xuyên tham gia gian hàng tại các hội chợ thương mại được tổ chức trong và ngoài tỉnh. Qua những hội chợ, sản phẩm hoa hồi của công ty đã được nhiều đối tác biết đến, công ty đã tìm được thêm thị trường để xuất khẩu. Gần đây nhất là tại Hội chợ Thương mại Quốc tế Việt – Trung 2013, công ty đã ký kết hợp đồng với Công ty Cổ phần Tmory Việt Nam về việc xuất khẩu hoa hồi khô và các sản phẩm chế biến từ hồi sang thị trường các nước Trung Đông.
Hiệu quả xúc tiến thương mại từ việc tổ chức và tham gia các hội chợ thương mại thực tế đã rất rõ ràng. Tuy nhiên, để hoạt động xúc tiến thương mại góp phần thúc đẩy kinh tế – xã hội phát triển hơn nữa thì cần có sự quan tâm đồng bộ từ các cấp, chính quyền địa phương.
Ông Bùi Văn Phấn, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại, Sở Công thương cho biết: Trong thời gian tới đây, các cơ quan quản lý nhà nước và các tổ chức xúc tiến thương mại nên nghiên cứu đưa ra các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các chương trình xúc tiến thương mại hợp lý, dựa trên đặc điểm của địa phương cũng như từng giai đoạn nhất định và căn cứ trên nhu cầu thực tế của doanh nghiệp. Các định mức hỗ trợ cần được xây dựng hợp lý, phù hợp với giá cả và đặc điểm tình hình thị trường tại địa phương nhằm hướng tới phục vụ đại đa số doanh nghiệp với hiệu quả cao nhất. Ngoài ra, tăng cường hơn nữa tổ chức các sân chơi, các sự kiện xúc tiến thương mại tập thể, tập trung đông người và doanh nghiệp tham gia.
Cùng với đó là thực hiện công tác quản lý nhà nước theo hướng tạo điều kiện cho các tổ chức, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xúc tiến thương mại chân chính được phát huy khả năng của mình. Đồng thời, có các biện pháp xử lý đối với các hành vi gian lận, các đơn vị lợi dụng hoạt động xúc tiến thương mại để phổ biến các thông tin sai lệch, đánh lừa người tiêu dùng để thu lợi bất chính.
ANH DŨNG
Ý kiến ()