Kênh tín dụng giúp cựu chiến binh giảm nghèo
Nhờ có vốn vay ưu đãi của Nhà nước, nhiều cựu chiến binh nghèo trong cả nước đã thoát nghèo. Tính đến thời điểm hiện tại, toàn hệ thống Hội Cựu chiến binh Việt Nam (Hội CCB) có tới 32.330 Tổ tiết kiệm và vay vốn (Tổ TK&VV), với tổng dư nợ ủy thác của Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam (NHCSXH) cho 14 chương trình tín dụng đạt gần 15.400 tỷ đồng... Đây được coi là một kênh tín dụng ưu đãi xóa đói, giảm nghèo hiệu quả, trực tiếp góp phần cải thiện đời sống của các thành viên Hội CCB cũng như người dân ở vùng nông thôn...Nối dài cánh tay ngân hàngKết thúc năm 2011, chất lượng tín dụng ủy thác cho NHCSXH của Hội CCB có tín hiệu giảm sút, rõ nhất là ở khu vực Tây Nam Bộ và bảy tỉnh, thành phố khác rải rác ở các khu vực miền trung, Tây Nguyên, Tây Bắc. Trước thực tế đáng báo động trên, Trung ương Hội CCB đã thành lập Ban chỉ đạo củng cố, nâng cao chất lượng thực hiện ủy thác của NHCSXH ở các tỉnh khu vực Tây...
Nhờ có vốn vay ưu đãi của Nhà nước, nhiều cựu chiến binh nghèo trong cả nước đã thoát nghèo. |
Nối dài cánh tay ngân hàng
Kết thúc năm 2011, chất lượng tín dụng ủy thác cho NHCSXH của Hội CCB có tín hiệu giảm sút, rõ nhất là ở khu vực Tây Nam Bộ và bảy tỉnh, thành phố khác rải rác ở các khu vực miền trung, Tây Nguyên, Tây Bắc. Trước thực tế đáng báo động trên, Trung ương Hội CCB đã thành lập Ban chỉ đạo củng cố, nâng cao chất lượng thực hiện ủy thác của NHCSXH ở các tỉnh khu vực Tây Nam Bộ giai đoạn 2012 – 2015 do một Phó Chủ tịch Hội làm Trưởng ban.
Trên cơ sở phối hợp, tham khảo ý kiến của lãnh đạo NHCSXH Việt Nam, Ban chỉ đạo mở ngay các lớp tập huấn nghiệp vụ, ban hành quy chế và lập lại kỷ cương hoạt động ủy thác để các cấp hội huyện, xã và Tổ TK&VV thực hiện. Các bước khởi động nhiệm vụ ủy thác cấp vốn tín dụng NHCSXH của các cấp Hội CCB, trong sáu tháng đầu năm 2012, tuy chưa thật đồng đều, ổn định được như ý muốn nhưng về cơ bản đã có những tín hiệu tích cực đáng mừng. Tổng dư nợ ủy thác cho 14 chương trình tín dụng đạt gần 15.400 tỷ đồng, tăng 611 tỷ đồng so với cuối năm 2011; mức vay bình quân hộ từ 14,7 triệu đồng lên 15,3 triệu đồng; mức vay bình quân Tổ từ 454,7 triệu đồng lên 476 triệu đồng. Nhờ đó, có hơn 1.380 nghìn hộ là các thành viên của hội được vay vốn, tạo việc làm cho hơn 95 nghìn lao động là cựu chiến binh, con em cựu chiến binh và gia đình chính sách.
Đánh giá kết quả thực hiện các văn bản thỏa thuận đã được ký giữa Ngân hàng và Hội CCB về ủy thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, NHCSXH khẳng định: Tổ TK&VV của Hội CCB Việt Nam thật sự đã nối dài cánh tay ngân hàng đưa vốn tín dụng ưu đãi của Đảng và Nhà nước đến với cộng đồng nghèo và các hộ chính sách, hộ có công với đất nước, giúp họ làm ăn hiệu quả, rạng danh truyền thống “uống nước nhớ nguồn”. Điều đó được chứng minh, đến nay 100% số tỉnh hội, thành hội đều có dư nợ ủy thác khá cao, bình quân mỗi địa phương gần 244 tỷ đồng. Riêng sáu tháng đầu năm nay, tổng dư nợ ủy thác qua Hội CCB đã tăng 700 tỷ đồng (tăng 4,7% so với thời điểm 31-12-2011), trong đó các tỉnh có dư nợ tăng cao là: Nghệ An, Sơn La, Thái Nguyên, Phú Thọ… Cùng với việc tăng dư nợ ủy thác, các cấp Hội CCB đã thường xuyên chỉ đạo các Tổ TK&VV ở cơ sở xử lý thu hồi nợ quá hạn, tích cực thu hồi nợ tham ô chiếm dụng, vay ké. Chỉ tính riêng trong ba tháng đầu năm 2012 đã xử lý được 32 vụ, thu hồi được 386 triệu đồng, điển hình là ở các tỉnh Đác Lắc, Đác Nông, Long An, Thanh Hóa, Hà Giang, Hà Tĩnh, Lào Cai… Một số địa phương khác nợ quá hạn đã giảm so với cuối năm 2011.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tích đạt được, việc tổ chức thực hiện dịch vụ ủy thác của Hội vẫn còn một số hạn chế, cụ thể như: Chưa làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách tín dụng và các quy định về tín dụng của ngân hàng cho nên không ít khách hàng có đủ khả năng trả nợ nhưng cứ trông chờ, chây ỳ, coi đây là vốn cấp không của Nhà nước, dẫn đến nợ quá hạn không giảm mà còn tăng so với đầu năm (51 tỷ đồng); Một số địa phương chưa có sự phối kết hợp chặt chẽ thường xuyên giữa chính quyền, hội và NHCSXH trong khi năng lực và trình độ chuyên môn của số đông nhân viên trong Tổ TK&VV chỉ ở mức trung bình, nếu không nói là yếu kém (thí dụ: Bạc Liêu, Cà Mau, Gia Lai, Sơn La, Hà Giang, An Giang…) dẫn đến đồng vốn ủy thác chưa đến đúng địa chỉ, vay ké phát sinh, tham ô, chiếm dụng vốn lan tỏa, nhiều món vay chưa trả lãi trong thời gian dài, người làm sai cũng chưa được xử lý kịp thời để thu hồi vốn về cho ngân sách nhà nước…
Kiểm tra, giám sát việc thực hiện ủy thác
Từ những kết quả đạt được và những yếu kém nêu trên, NHCSXH Việt Nam và Trung ương Hội CCB đã có sự chuyển động, đổi mới hợp tác, thống nhất bàn bạc, xây dựng mối liên kết chặt chẽ và thường xuyên hơn trong nghiệp vụ của mình nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động dịch vụ ủy thác vốn cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách, đó là: Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện ủy thác của tổ chức hội các cấp, phát hiện kịp thời các sai sót, vướng mắc phát sinh, từ đó có giải pháp ngăn chặn, xử lý dứt điểm. Để làm tốt vấn đề này, NHCSXH Việt Nam có nhiệm vụ thường xuyên cung cấp thông tin về chất lượng, diễn biến động thái thực hiện ủy thác tín dụng ở các tỉnh hội, thành hội, đặc biệt là các sáng kiến, cách làm hay cũng như các vụ việc xâm phạm, chiếm dụng vốn vi phạm quy chế để các cấp hội nắm được, đưa vào nội dung công việc cụ thể của mình qua các buổi giao ban định kỳ. NHCSXH, từ đây sẽ có sự phối hợp chặt chẽ hơn với Hội CCB để tiếp tục củng cố, hoàn thiện Tổ TK&VV, không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ ủy thác, ngăn chặn nợ xấu phát sinh ra toàn hệ thống hội…
Để nguồn vốn tín dụng chính sách qua việc ủy thác cho vay ngày một đạt hiệu quả cao và bền vững hơn, một giải pháp quan trọng là cả Hội CCB và NHCSXH tiếp tục đi cơ sở, bám sát đặc điểm và phong tục tập quán làm ăn từng địa bàn, từ đó nghiên cứu, tổng hợp, phổ biến kinh nghiệm các nơi giúp người vay vốn xem xét áp dụng vào thực tiễn của mình như chăn nuôi, trồng trọt, phát triển ngành nghề… để đồng vốn sinh lời ngày một cao hơn.
Theo Nhandan
Ý kiến ()