Kênh quan trọng giúp ngành giáo dục vượt khó
Cắt băng khánh thành phòng máy vi tính do Tập đoàn FPT tặng trường THCS xã Mai Sao, huyện Chi Lăng |
Nhìn ngôi trường rất khang trang, đầy đủ tiện nghi được xây dựng và trang bị bằng nguồn hỗ trợ 20 tỷ đồng của Ngân hàng Cổ phần thương mại Bưu điện Liên Việt, thầy và trò trường THCS xã Mai Sao, huyện Chi Lăng không khỏi ngỡ ngàng. Cô giáo Đặng Thị Liên, hiệu trưởng nhà trường nói vui rằng: như một giấc mơ, như kết thúc có hậu của một câu chuyện cổ tích thời hiện đại. Thật vậy, nếu không có sự hỗ trợ, với những khó khăn của ngành GD&ĐT nói chung và huyện Chi Lăng nói riêng, việc có được một ngôi trường trị giá 20 tỷ đồng để trở thành trường chuẩn quốc gia chỉ như một giấc mơ xa. Khi nghe tin trường mình sẽ được khởi công với nguồn hỗ trợ 10 tỷ đồng của Ngân hàng Nông nghiệp& Phát triển nông thôn, thầy và trò Trường Phổ thông dân tộc Bán trú THCS xã Tri Lễ, huyện Văn Quan thật vui, vì rồi đây nhà trường không chỉ có những phòng học đẹp, mà ngay khu bán trú, nơi phục vụ cũng được cải thiện nhiều. Tăng cường công tác XHH, ngành GD&ĐT Lạng Sơn tháo gỡ được 3 vấn đề lớn: giảm tải cho các trường công lập, đỡ gánh nặng cho nhà nước. Đầu tư trực tiếp vào các công trình ở các nhà trường để cải thiện điều kiện giảng dạy học tập và nâng cao đời sống của học sinh. Giúp đỡ trực tiếp học sinh để các em có điều kiện đến trường, giảm thiểu tình trạng bỏ học do gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Thực hiện các chính sách về XHH giáo dục, khơi thông sự ách tắc, phối hợp “công- tư” tạo điều kiện cho giáo dục ngoài công lập phát triển là giải pháp tốt để các tổ chức, cá nhân tham gia vào công tác giáo dục. Cuối năm học 2013-2014, toàn tỉnh đã có 6 trường mầm non dân lập và 14 cơ sở mầm non tư thục, thu hút hàng chục ngàn học sinh vào học.
Đồng chí Ngô Hiền, Trưởng phòng GD&ĐT thành phố Lạng Sơn cho rằng: 5 trường và 12 cơ sở mầm non ngoài công lập trên địa bàn thành phố đã giúp cho cấp học này giảm tải rất nhiều. Với cơ sở vật chất trị giá hàng trăm tỷ đồng, trang thiết bị đồng bộ, đội ngũ giáo viên có “nghề” để thu hút hàng ngàn học sinh vào học, chính là biểu hiện sinh động của công tác XHH trên địa bàn thành phố. Theo thống kê của ngành GD&ĐT, trong năm học 2013-2014, nguồn lực từ các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm trong xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị cho các nhà trường đã là gần 60 tỷ đồng. Trong đó phải kể đến sự tham gia nhiệt tình và có hiệu quả của các doanh nghiệp lớn ở Trung ương như các ngân hàng, công ty bảo hiểm; các tổ chức chính trị, xã hội và các nhà hảo tâm.
Đáng chú ý Tập đoàn FPT tặng 2 phòng máy tính cho Trường THCS xã Mai Sao, huyện Chi Lăng và THCS xã Tô Hiệu, huyện Bình Gia trị giá mỗi phòng 250 triệu đồng; Ngân hàng Đầu tư & phát triển hỗ trợ 2 tỷ đồng cho các cơ sở giáo dục bổ sung thêm máy vi tính; Tỉnh đoàn Lạng Sơn hỗ trợ 600 triệu đồng để xây nhà bán trú cho học sinh vùng khó khăn… Để thiết thực giúp đỡ học sinh có hoàn cảnh khó khăn được đến trường, ngoài sự hỗ trợ của các dnah nghiệp, nhà hảo tâm, Công đoàn ngành giáo dục đã tổ chức phong trào “Hũ gạo tình thương” và quyên góp được gần 30,50 tấn gạo, trên 896 triệu đồng giúp đỡ trên 7.500 học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Cán bộ viên chức ngành giáo dục đã đóng góp gần 1,5 tỷ đồng xây dựng 10 phòng học, mua chăn, áo ấm tặng học sinh nghèo. Trong kỳ thi tốt nghiệp vừa qua, các nhà trường đã huy động được gần 150 triệu đồng, giúp đỡ trên 5.800 học sinh ở xa có điều kiện ăn ở để dự thi tốt nghiệp. Công tác XHH đã góp phần giảm thiểu học sinh bỏ học. Nếu năm học 2012-2013, toàn tỉnh có 1.759 học sinh bỏ học, chiếm tỷ lệ 0,99%, thì năm học 2013-2014 chỉ còn 854 em, tỷ lệ 0,53%.
Hiệu quả công tác XHH giáo dục đã rõ, song cần phải thực hiện công tác này rộng hơn, sâu hơn để mang lại hiệu quả cho từng trường, từng học sinh. Phát biểu tại buổi làm việc tại Sở GD&ĐT cuối tháng 8/2014, đồng chí Vy Văn Thành, Chủ tịch UBND tỉnh ghi nhận sự vào cuộc của các tổ chức, cá nhân nhằm giảm bớt khó khăn cho ngành GD&ĐT và mong rằng ngành giáo dục, hội khuyến học cần chủ động tác động hơn nữa đến các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp địa phương để khơi dậy trách nhiệm xã hội của họ. Đồng chí nói: “Nếu các tập đoàn, danh nghiệp lớn ở Trung ương có thể hỗ trợ lớn, xây dựng từng trường, thì doanh nghiệp nhỏ ở địa phương có thể hỗ trợ từng phòng học hoặc phòng chức năng. Như vậy, không những ngành giáo dục giảm bớt tình trạng phòng học mượn, học nhờ, mà dấu ấn của các doanh nghiệp đó sẽ rất rõ…”
Ý kiến ()