Kênh ‘ngoại giao thể thao’ mở ra hy vọng
"Sức nóng" vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên tạm lắng dịu khi Triều Tiên tham gia Thế vận hội mùa Đông Pyeong Chang với việc đoàn thể thao liên Triều cùng diễu hành dưới một lá cờ chung, có đội khúc côn cầu chung…
Hơn thế, Triều Tiên còn cử phái đoàn cấp cao do Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Hội nghị Nhân dân Tối cao Kim Yong-nam dẫn đầu, với sự có mặt em gái nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, bà Kim Yo-jong với tư cách Đặc phái viên, đến Hàn Quốc để tham dự lễ khai mạc Olympic Pyeong Chang, đồng thời đoàn Triều Tiên có cuộc gặp kéo dài gần 3 giờ đồng hồ với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tại Nhà Xanh.
Ngoài những động thái mang tính cởi mở hiếm hoi sau gần 10 năm căng thẳng nói trên, thì một dấu hiệu khác được dư luận quốc tế hết quan tâm là trong cuộc gặp với Tổng thống Hàn Quốc, bà Kim Yo-jong đã chuyển bức thư riêng của nhà lãnh đạo Triều Tiên với lời mời Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tới thăm Bình Nhưỡng “vào một thời điểm sớm nhất có thể”.
Việc bà Kim Yo-jong là thành viên trong gia đình nhà lãnh đạo Triều Tiên đầu tiên tới thăm Hàn Quốc kể từ sau chiến tranh Triều Tiên 1950-1953 cho thấy có những chuyển động đáng kể trong quan hệ liên Triều.
Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên KCNA “mô tả” không khí cuộc gặp giữa đoàn Triều Tiên với nhà lãnh đạo Hàn Quốc là chân thành và thân mật khi cả hai bên đều nhất trí duy trì việc nối lại quan hệ hữu nghị kể từ đầu năm 2018.
Trước những diễn biến đó, trong bài phát biểu tại buổi tiếp khách đặc biệt dành cho lãnh đạo của nhiều nước và vùng lãnh thổ trên thế giới tới tham dự Olympic, Tổng thống Hàn Quốc cho biết ông nhận thấy việc có một sự kiện thể thao trên thế giới, “nơi cả đối đầu và mâu thuẫn vẫn tồn tại, có ý nghĩa và may mắn đến chừng nào”. Ông Moon Jae-in hy vọng sự kiện hiếm hoi này đánh dấu sự khởi đầu của bước đi đầu tiên hướng tới nền hòa bình toàn cầu.
Tất nhiên, với những bước đi ban đầu đó chưa thể nói lên “sự tan băng” trong quan hệ liên Triều ở mức lạc quan hay “tháo nút thắt cho vấn đề hạt nhân” trên bán đảo Triều Tiên, nhưng ít ra nó cũng tạo dựng cho một sự khởi đầu đáng khích lệ. Bởi điều đó cho thấy các bên có liên quan cũng đặt giải pháp ngoại giao lên trên hết để giải quyết căng thẳng kéo dài nhiều năm qua.
Tuy chưa có sự hồi đáp chính thức về lời mời tới thăm Bình Nhưỡng nhưng Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-wa cho biết Seoul có kế hoạch thúc đẩy nỗ lực ngoại giao bảo đảm các cuộc đối thoại giữa hai miền Triều Tiên sẽ dẫn đến các cuộc thương lượng giữa Mỹ và Triều Tiên và một loạt cuộc đối thoại khác nhằm phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên.
Về phía Mỹ, trước sự kiện này, phát biểu trong chuyến thăm Ai Cập mới đây, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson cho biết còn quá sớm để kết luận liệu một tiến trình ngoại giao có thể bắt đầu hay không. Ông Tillerson cũng nói vấn đề tùy thuộc vào việc Triều Tiên quyết định thời điểm họ sẵn sàng tham gia vào các cuộc thảo luận thẳng thắn với Mỹ.
Trong khi đó, Đặc phái viên Mỹ về vấn đề Triều Tiên Joseph Yun cho biết Mỹ đang tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng Triều Tiên và ngoại giao là phương án được ưu tiên.
Về vấn đề liên quan, đài Sputnik đưa tin Đại sứ Nga tại LHQ, ông Vassily Nebenzia cho biết, căn cứ theo sáng kiến “đóng băng kép” về giải quyết tình hình trên Bán đảo Triều Tiên, Nga kêu gọi cả Washington và Bình Nhưỡng tận dụng cơ hội và tham gia cuộc đối thoại không cần điều kiện tiên quyết.
Có thể nói trong khi tình hình bán đảo Triều Tiên đang “nóng” thì cả Hàn Quốc và Triều Tiên đã cùng sử dụng một cách khôn khéo và đúng lúc sự kiện thể thao lớn để thúc đẩy các nỗ lực ngoại giao nhằm làm ấm quan hệ hai bên để từng bước có thể đưa các bên có liên quan, nhất là Mỹ và Triều Tiên ngồi vào bàn đám phán nhằm giải quyết vấn đề hạt nhân là sự kiện ngoại giao nổi bật trong đầu năm 2018.
Việc mở kênh “ngoại giao thể thao” tại Olympic Pyeong Chang tuy đã tạo dựng được biểu tượng đẹp nhưng việc Triều Tiên có từ bỏ vũ khí hạt nhân hay không vẫn là điều khó đoán định. Nhưng cộng đồng quốc tế vẫn hy vọng các bên liên quan nên tận dụng cơ hội thuận lợi vừa có được để thúc đẩy tiến trình ngoại giao nhằm thiết lập một nền hòa bình bền vững trên bán đảo Triều Tiên nói riêng và thế giới nói chung.
Theo baochinhphu
Ý kiến ()