Kênh giáo dục hiệu quả
Học sinh Trường THPT chuyên Chu Văn An xem các tư liệu lịch sử về Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam |
Tăng kiến thức phụ trợ
Đợt triển lãm “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam- những bằng chứng lịch sử và pháp lý” được Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với UBND tỉnh Lạng Sơn tổ chức từ ngày 14 đến 18/1/2016 đã thu hút rất đông bạn trẻ, nhất là học sinh, sinh viên đến xem. Em Hoàng Văn Thành, học sinh Trường THPT Cao Lộc cho biết: “Chúng em đã được học về Hoàng Sa, Trường Sa qua môn Lịch sử và Địa lý, song đến đây chúng em đã được biết thêm những thư tịch, bản đồ, hiện vật… chứng tỏ ông cha ta đã thực hiện chủ quyền ở 2 quần đảo này từ xa xưa. Triển lãm đã cho chúng em thêm hiểu biết và tự hào về đất nước, về biển đảo Việt Nam nói chung và Hoàng Sa, Trường Sa nói riêng”. Được nhà trường tổ chức tham quan Bảo tàng Lạng Sơn, em Nông Thanh Hằng, lớp 8B, Trường THCS xã Quảng Lạc rất thích thú với những hiện vật, mô hình về lịch sử, văn hóa, dân tộc của Lạng Sơn. Em nói rằng: Nhìn hiện vật, kiến thức chúng em được ghi sâu hơn những đoạn văn miêu tả. Với những tiết ngoại khóa như thế này, chúng em đã thu được những tư liệu quý không những phục vụ cho bài học mà còn giúp chúng em thêm yêu quý mảnh đất và con người Lạng Sơn.
Hoạt động ngoại khóa là tất cả các hoạt động nằm ngoài chương trình chính khóa. Nó được tổ chức với sự chủ động của các nhà trường nhằm bồi đắp thêm kiến thức cho học sinh một cách sinh động, cụ thể và đa dạng. Hoạt động ngoại khóa không chỉ dừng lại ở mục đích phụ trợ kiến thức, mà còn là dịp để học sinh tự bộc lộ mình qua từng việc làm cụ thể. Nhận thức được lợi ích của hoạt động ngoại khóa, từ nhiều năm nay, ngành GD&ĐT đã chỉ đạo các nhà trường tăng cường các hoạt động này. Thầy giáo Hồ Công Liêm, Hiệu trưởng Trường THPT Lộc Bình cho biết: Nhà trường phối hợp với Chi cục Dân số tỉnh tổ chức ngoại khóa “Sức khỏe sinh sản vị thành niên” trong 3 tiết học. Theo đó học sinh không chỉ được cung cấp những kiến thức tổng hợp trong các bộ môn Sinh học, Hóa học, Giáo dục Công dân… mà thông qua những câu hỏi thảo luận, giải đáp thắc mắc… giữa cán bộ dân số với các em đã giúp các em ghi nhớ kiến thức lâu hơn.
Học sinh được trải nghiệm
Trong chương trình hoạt động ngoại khóa, Trường THCS Chi Lăng (thành phố Lạng Sơn) đã tổ chức cho giáo viên và học sinh đi thăm và tặng quà Trường phổ thông Dân tộc Bán trú xã Mẫu Sơn (Cao Lộc). Chuyến đi này không chỉ bồi đắp tinh thần tương thân tương ái cho học sinh qua việc tặng quà, giao lưu, mà còn cho học sinh cơ hội trải nghiệm vùng núi cao Mẫu Sơn… vì vậy học sinh rất thích thú.
Trải nghiệm sáng tạo là hoạt động có mục đích, nó đặc biệt phù hợp với học sinh tiểu học trong mô hình trường học mới VNEN, chương trình SEQAP (đảm bảo chất lượng giáo dục) và một số trường THCS dạy học cả ngày. Nếu học sinh cấp học mầm non của thành phố được tự tay làm các đồ vật để được trưng bày, thì học sinh tiểu học ở Bắc Sơn được tự tay trồng cây thuốc lá, ngắm những vườn quýt trĩu quả, những vườn cà chua siêu trái; học sinh Trường Tiểu học Bảo Lâm (Cao Lộc) được cùng bố mẹ chế biến những món ăn trong “Ngày hội ẩm thực” của nhà trường. Thông qua những trải nghiệm, học sinh được hình thành kiến thức, say mê tìm tòi, nghiên cứu để tự mình tìm ra và giải đáp những vấn đề đặt ra trong cuộc sống.
Ông Lê Xuân Trường, Trưởng phòng Chính trị – Công tác học sinh sinh viên – Sở GD&ĐT nói rằng: Hoạt động này được thực hiện ở tất cả các cấp học với nội dung và thời lượng khác nhau, mức độ từ thấp đến cao theo sự phát triển trí tuệ và nhận thức của học sinh. Mặc dù được thực hiện một cách năng động tùy thuộc vào điều kiện của các nhà trường, song kết quả thu được khá toàn diện, vì nó phù hợp với quy luật của nhận thức và có tác dụng bồi dưỡng tư tưởng, tình cảm đạo đức của học sinh.
Ý kiến ()