Đòn bẩy xây dựng nông thôn mới
Cùng với nhiều nơi khác, Kiến Thụy là một trong những huyện thời gian qua có sự chuyển biến khá nhanh về hạ tầng giao thông. Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Kiến Thụy Phạm Văn Thép, giao thông được coi như một trong những tiêu chí quan trọng nhất để hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới.
Đơn cử như chỉ với 1,5 km đường trải bê-tông được xây dựng nên từ nhiều nguồn lực, trong đó có nguồn vốn quan trọng của VDB, hàng trăm hộ dân tại xã Tân Phong đã có cơ hội cải thiện, nâng cao đời sống. Theo Chủ tịch UBND xã Tân Phong Đoàn Đắc Thuật, từ khi có con đường này, nhiều mô hình sản xuất chăn nuôi đã hình thành và phát triển. “Nếu trước đây, để bán được con gà, con lợn, bà con chỉ có thể vận chuyển được bằng các phương tiện thô sơ. Thì nay, ô-tô đã có thể đỗ tận cửa”, ông Thuật cho biết.
Không riêng Tân Phong, với xã Thuận Thiên, việc đầu tư về giao thông là điều khiến lãnh đạo địa phương trăn trở nhất. “Với đặc thù có đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng chạy cắt ngang, toàn bộ đường giao thông trong xã cũng bị chia cắt theo, gây khó khăn cho sinh hoạt và sản xuất của người dân. Là một xã thuần nông, đời sống của bà con còn nhiều thiếu thốn, nếu không nhờ thêm nguồn lực từ vốn tín dụng Nhà nước thì cũng không biết đến bao giờ những con đường trải bê-tông như thế này mới hoàn thành”, Chủ tịch UBND xã Thuận Thiên Nguyễn Trọng Khải chia sẻ thêm.
Hiện nay, Tân Phong và Thuận Thiên, cùng năm xã khác trong huyện Kiến Thụy đã hoàn thành chỉ tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, đây cũng chính là 7/17 xã hoàn thành tiêu chí giao thông, cho thấy tiêu chí này tiếp tục là thách thức đối với huyện Kiến Thụy. Điều này đồng nghĩa, vẫn còn rất nhiều tuyến đường cần tiếp tục được đầu tư nâng cấp mở rộng. Và sự huy động sức mạnh tổng lực toàn xã hội, trong đó có nguồn vốn tín dụng của Nhà nước thông qua VDB, vẫn đóng một vai trò rất quan trọng.
Theo Giám đốc VDB Hải Phòng Hàn Tuyết Nga, nắm rõ nhu cầu này đồng thời nhằm tận dụng tính ưu việt của nguồn vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước, nhiều năm qua VDB Hải Phòng đã tập trung cho vay các dự án an sinh xã hội đối với thành phố như các dự án đầu tư nhà ở cho người thu nhập thấp, chương trình kiên cố hóa kênh mương, xây dựng đường giao thông,…
Bình quân hằng năm, VDB Hải Phòng cung ứng vốn khoảng 200 tỷ đồng cho chương trình kiên cố hóa kênh mương, phát triển đường giao thông nông thôn, cơ sở hạ tầng nuôi trồng thủy sản và làng nghề nông thôn. Theo đó, hàng chục tiểu dự án của thành phố được giải ngân, hàng nghìn mét đường liên thôn liên xã của các huyện được nâng cấp, sửa chữa.
Hỗ trợ DN tiếp cận vốn thương mại
Trong nỗ lực đáp ứng nhu cầu vốn và hỗ trợ vốn cho nhiều dự án quan trọng có tác động mạnh mẽ và trực tiếp đến chuyển dịch cơ cấu kinh tế thành phố, dư nợ của VDB Hải Phòng luôn chiếm tỷ trọng lớn trên tổng dư nợ của các tổ chức tín dụng trên địa bàn. Đến cuối năm 2015, tổng dư nợ cho vay các thành phần kinh tế khoảng 69.588 tỷ đồng thì dư nợ VDB Hải Phòng hơn 6.000 tỷ đồng (không bao gồm vốn ODA cho vay lại).
Với định hướng phát triển của thành phố Hải Phòng là phát triển các khu công nghiệp tập trung, di dời các nhà máy khỏi khu vực nội thành, Chi nhánh VDB Hải Phòng cũng đã thực hiện cho vay một số dự án trọng điểm của thành phố như đầu tư nhà máy sản xuất phân bón DAP tại khu kinh tế Đình Vũ; đầu tư di chuyển nhà máy xi-măng Hải Phòng;…
Cụ thể như Nhà máy DAP Hải Phòng là dự án trọng điểm của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam đầu tư tại khu kinh tế Đình Vũ. Mục tiêu của dự án là sản xuất phân bón DAP, nhằm chế biến sâu và sử dụng có hiệu quả hơn nguồn apatit có sẵn trong nước, ổn định và chủ động trong việc cung cấp phân bón cho phát triển nông nghiệp, tiết kiệm ngoại tệ nhập khẩu phân bón, góp phần bảo đảm an ninh lương thực. Tổng mức vốn đầu tư của dự án 2.764 tỷ đồng, trong đó VDB Hải Phòng cho vay 1.920 tỷ đồng. Hiện nay nhà máy hoạt động 100% công suất, doanh thu hằng năm có tăng trưởng vượt bậc, năm 2014-2015 khoảng gần 3.000 tỷ đồng.
Cũng như vậy, cơ sở sản xuất cơ khí và kho bãi công-ten-nơ của Công ty TNHH sản xuất thương mại Hoàng Thành (tại khu kinh tế Đình Vũ – Cát Hải, TP Hải Phòng) từ khi được đầu tư xây dựng, đi vào hoạt động đến nay cũng góp phần tăng mức đóng góp cho ngân sách địa phương thông qua các khoản thuế hằng năm hơn 15 tỷ đồng; giải quyết việc làm và tạo thu nhập ổn định cho 130 lao động trực tiếp và hàng trăm lao động gián tiếp. Cơ sở này có tổng mức đầu tư là hơn 162 tỷ đồng, trong đó số vốn vay VDB là 68,6 tỷ đồng với lãi suất 8,55%/năm, thời hạn vay tám năm.
Không chỉ thực hiện vai trò là kênh dẫn vốn đầu tư quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế theo đúng chương trình của Chính phủ và định hướng phát triển của thành phố, trong thời kỳ khủng hoảng, suy thoái kinh tế, nguồn vốn của VDB Hải Phòng còn là một trong những công cụ giảm suy thoái, hỗ trợ DN tiếp cận nguồn vốn thương mại. Theo đó, VDB Hải Phòng thực hiện nghiệp vụ bảo lãnh, phát hành 37 chứng thư với tổng giá trị gần 250 tỷ đồng bảo lãnh cho các DN nhỏ và vừa vay vốn tại các ngân hàng thương mại để đầu tư dự án, phương án sản xuất, kinh doanh. Đến nay, tất cả các DN đều trả hết nợ cho ngân hàng thương mại, thanh lý các chứng thư bảo lãnh với VDB Hải Phòng.
Chia sẻ định hướng hoạt động trong thời gian tới, Giám đốc VDB Hải Phòng Hàn Tuyết Nga cho biết thêm: Phát huy những kết quả đã đạt được, thời gian tới, Chi nhánh tiếp tục bám sát các chủ trương, định hướng của TP Hải Phòng và VDB, phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành tham mưu cho TP và VDB lựa chọn các dự án đầu tư đúng đối tượng, có hiệu quả. Đồng thời, tiếp tục hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao như triển khai thực hiện chính sách đầu tư nhà ở cho người thu nhập thấp, đầu tư phát triển cảng biển, đầu tư phát triển khu kinh tế, khu công nghiệp, đầu tư an sinh xã hội,…góp phần khẳng định vị thế của ngân hàng trong hội nhập kinh tế.
Ý kiến ()